Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất ở hợp tác xã

24/05/2024 - 06:59

 - Thời gian qua, tranh thủ nguồn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), việc ứng dụng nông nghiệp thông minh vào sản xuất được huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) quan tâm ưu tiên. Áp dụng hệ thống biến tần và điều khiển từ xa IoT vận hành bơm tưới ở Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phú An là điển hình mang lại nhiều lợi ích trong phục vụ dịch vụ sản xuất nông nghiệp trong vùng.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Phú An Trương Thanh Nhàn cho biết, đơn vị rất quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, nhất là phục vụ dịch vụ tưới tiêu. Qua đánh giá tình hình thực tế ở HTX, các hệ thống bơm hiện hành đã cũ, không còn đảm bảo các yêu cầu an toàn điện, khi khởi động cứng làm sốc hệ thống truyền động.

Tụ bù sử dụng trong hệ thống thường cao hơn thực tế điện dẫn đến tổng hao điện năng tiêu thụ. HTX Nông nghiệp Phú An hiện có 17 trạm bơm điện, 34 mô-tơ, hàng vụ, lượng điện năng tiêu thụ rất lớn, nếu không tính toán hiệu quả, chi phí “đội lên” rất cao và lợi nhuận của bà con sẽ giảm sút.

Đồng tình với chủ trương của UBND tỉnh An Giang về tiết kiệm năng lượng, HTX đã tham mưu địa phương, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cho đơn vị thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ số thí điểm tại Trạm bơm điện Phú An 5. Khi gắn biến tần và hệ thống điều khiển từ xa IoT cho hệ thống bơm giúp HTX điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh để cài đặt tốc độ máy bơm và theo dõi thông số trạm bơm, như: Ampe, điện áp, tốc độ, lượng điện tiêu thụ.

Đồng thời, áp dụng biến tần nhằm điều khiển động cơ giúp đưa động cơ hoạt động đúng với công suất thực tế, điều pha, cắt bỏ tụ bù, động cơ hoạt động nhẹ nhàng bị sốc bộ truyền động và tăng độ bền của hệ thống truyền động.

Ứng dụng công nghệ biến tần tại Trạm bơm điện Phú An 5

Ông Trương Thanh Nhàn cho hay, trước đây, lượng điện tiêu thụ tại Trạm bơm điện Phú An 5 rất lớn, từ khi ứng dụng gắn công nghệ biến tần, sử dụng điện thoại thông minh điều khiển từ xa đã đem lại rất nhiều lợi ích. So sánh thực tế, qua thời gian ứng dụng đã giảm 20 - 30% điện năng tiêu thụ. Nếu trước đây mỗi vụ trạm bơm trả hơn 100 triệu đồng tiền điện, nay chi phí điện hàng vụ còn khoảng 75 triệu đồng.

Bên cạnh đó, người vận hành trạm bơm không tiếp xúc trực tiếp với thiết bị điện, giảm nguy cơ xảy ra tai nạn lao động về điện. Số người vận hành trạm bơm đã giảm từ 3 người còn 1 người, tăng thu nhập cho lao động rõ rệt. Chỉ cần đứng trên đồng ruộng, người vận hành có thể quan sát được máy đang chạy, tình hình nước lên và xuống, theo dõi phát hiện vấn nạn trộm cắp kịp thời…

Ngoài mô hình kể trên, HTX Nông nghiệp Phú An còn trang bị 3 hệ thống tưới công nghệ mới, giúp đảm bảo phục vụ nguồn nước cho bà con trồng trọt nhanh chóng. Năm nay, tình hình hạn hán kéo dài, HTX Nông nghiệp Phú An cho các trạm bơm chạy xuyên suốt để bà con xuống giống kịp lịch thời vụ. Tiểu vùng đơn vị phục vụ dịch vụ tưới tiêu sản xuất có diện tích 1.600ha, xuống giống trong 25 ngày đã hoàn thành dứt điểm toàn bộ theo kế hoạch.

 “Cao điểm mùa nắng, mực nước ở các kênh rạch rất thấp, nhưng các tiểu vùng xuống giống cơ bản đều đảm bảo theo yêu cầu. Đó là nỗ lực rất lớn mà chúng tôi làm được giữa tình thế khó khăn. Trong đó, quan trọng là cử nước đầu và nước nhì để “nhận cỏ”.

Đến thời điểm này, sau 30 - 40 ngày chăm sóc lúa, bà con nông dân đã chuyển sang sử dụng tiết kiệm nước để bộ rễ lúa, nếp cắm sâu, giữ được thăng bằng cho cây có năng suất vào cuối vụ” - ông Trương Thanh Nhàn chia sẻ.

Hiện nay, bên cạnh kinh nghiệm sản xuất, nông dân các địa phương còn tích cực học hỏi để ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ứng dụng công nghệ số được coi là giải pháp đột phá, điều kiện tất yếu để các HTX thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và nâng cao giá trị.

Trên địa bàn huyện Phú Tân, các HTX nông nghiệp đã tiếp cận chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới, linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thích ứng với nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, chuyển đổi số tại các HTX muốn thành công cần thay đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng công nghệ. Đồng thời, phù hợp từng HTX về cơ sở hạ tầng, trình độ nhân lực...

Theo xu thế trên, HTX Nông nghiệp Phú An định hướng sản xuất theo hướng tăng năng suất, chất lượng gắn ứng dụng khoa học và công nghệ. Cùng với đó, nâng giá trị sản phẩm được huyện Phú Tân triển khai thực hiện, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân vùng nông thôn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nông nghiệp thông minh Internet of Things (IoT) đã chứng minh vai trò quan trọng trong các ngành công nghiệp và mở ra những triển vọng mới trong lĩnh vực nông nghiệp. Những lợi ích này giúp nông dân giảm thiểu được sức lao động, nâng cao năng suất, tạo ra mô hình quản lý quy mô, tiết kiệm cả thời gian và chi phí.

MỸ HẠNH