Hướng dẫn chúng tôi tham quan trại sản xuất giống cá chạch lấu, anh Sang cho biết, trước đây gia đình sản xuất tôm giống và tôm thương phẩm. Thời gian gần đây, thị trường tôm bão hòa nên anh quyết định chuyển hướng tìm loại thủy sản mới để nuôi trồng thay thế con tôm. Nhận thấy cá chạch lấu là loài có giá trị kinh tế cao, nhưng thường tận dụng nguồn giống trong tự nhiên, số người nuôi cá sinh sản rất ít, nên năm 2017, anh Sang mua 60kg cá chạch lấu thiên nhiên để thuần dưỡng, tìm hiểu cách chăm sóc và tập tính sinh sản của cá chạch lấu.
“Quy trình sản xuất giống cá chạch lấu rất khó, phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, từ nuôi vỗ cá bố mẹ, vuốt tinh và trứng để sinh sản nhân tạo đến quá trình ấp trứng và ương cá bột, cá giống. Bên cạnh đó, phải quản lý môi trường nước và lượng thức ăn để cá giống phát triển khỏe mạnh” - anh Sang thông tin. Sau thời gian nỗ lực học hỏi, rút kinh nghiệm từ quá trình nuôi, cuối cùng anh Sang đã thành công và nắm vững kỹ thuật sản xuất giống cá chạch lấu.
Hiện tại, trại giống của anh Sang đang thực hiện mô hình chuỗi sản xuất từ cá bột đến cá giống. Với 1 ao cá giống (6.000m2), 1 ao cá bố mẹ (3.000m2) khoảng 3.600 con và 20 bồn ương (tổng diện tích 500m2), mỗi bồn chứa từ 10.000-15.000 con cá bột. Hàng năm, từ tháng 3 đến tháng 10 (âm lịch) là mùa cá chạch lấu sinh sản nên thời điểm này, trung bình mỗi tháng anh Sang sản xuất hàng trăm ngàn con cá bột và cá giống cung cấp cho các hộ nuôi thương phẩm trong và ngoài tỉnh. Riêng năm 2020, anh Sang xuất bán khoảng 1 triệu con cá bột và 500.000 con cá giống. Với giá bán 250 đồng/con cá bột, 5.000-5.500 đồng/con cá giống (tùy theo kích cỡ), trừ tất cả chi phí anh Sang lời hơn 40% trên tổng thu nhập.
Nông dân Nguyễn Bá Sang đang kiểm tra cá giống
Từ vốn kiến thức sẵn có của chàng kỹ sư ngành thủy sản, cùng với kinh nghiệm nuôi tôm giống của gia đình, năm 2019, anh Sang đã tìm tòi học hỏi và mạnh dạn ứng dụng công nghệ vi sinh vào quá trình sản xuất giống cá chạch lấu nhằm nâng cao tỷ lệ nở trứng, tỷ lệ sống và chất lượng cá giống. Anh Sang chia sẻ: “Trong khâu sinh sản, kỹ thuật ấp trứng cá chạch lấu là quan trọng, việc loại nấm thủy mi ăn trứng cá là khâu khó khăn và đòi hỏi nhiều yếu tố mới đạt tỷ lệ nở cao. Sử dụng men vi sinh để ức chế nấm thủy mi ở giai đoạn ấp trứng trong sản xuất tôm giống có kết quả rất tốt nên tôi thử áp dụng trên cá chạch lấu, không ngờ lại đạt hiệu quả cao”.
Theo anh Sang, nguồn nước ấp sau khi được lắng lọc sạch thì tiến hành sát khuẩn, sục khí trong 12 giờ để loại bỏ các vi sinh vật trong nước và phân hủy lượng chất sát khuẩn còn lưu tồn. Sau đó, tiến hành ấp chủng vi sinh khoảng 3 giờ trong môi trường, nhiệt độ thích hợp để vi sinh nhân bản phát triển lên thì mới cho vào bồn nước ấp trứng. Trứng cá sau khi thụ tinh được ấp trong bồn có vi sinh thì tỷ lệ nở cao hơn từ 25-30% so với cách làm trước đây. Trung bình tỷ lệ thụ tinh là 85%, tỷ lệ cá nở từ 70-75%. Áp dụng phương pháp này thì thời gian nấm thủy mi tấn công trứng cá bị hạn chế trong quá trình ấp trứng. Nguồn nước ấp trứng trong và sạch hơn, hạn chế thay nước, lượng nước sử dụng trong quá trình ấp giảm khoảng 20%.
Ngoài ra, anh Sang còn áp dụng công nghệ vi sinh trong giai đoạn ương nuôi cá bột và cá giống, góp phần nâng cao sức khỏe và sức đề kháng, hiệu quả sử dụng thức ăn, làm ổn định chất lượng nước và nền đáy trong ao nuôi, giảm thiểu ô nhiễm ao nuôi và môi trường xung quanh do thủy sản gây nên để giảm chi phí đầu tư.
“Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và sử dụng công nghệ vi sinh trong quá trình sản xuất giống cá chạch lấu mà tỷ lệ cá nở cao, chất lượng cá bột khỏe mạnh, ít dị hình, dị tật. Cá hương, cá giống có tỷ lệ sống cao, cá ít bị nhiễm bệnh, tốc độ phát triển nhanh từ đó làm tăng thêm năng suất và giá trị sản phẩm cá chạch lấu” - anh Sang cho biết.
TRỌNG TÍN