Quán cà-phê khuyến nông tại nhà ông Chẵng duy trì suốt 4 năm qua, hàng ngày, quán được hỗ trợ các tờ báo, như: Báo An Giang, Báo Nông Nghiệp Việt Nam, các trang thông tin khuyến nông trong tỉnh… nhằm giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật sản xuất mới, các mô hình nông nghiệp hay ở trong và ngoài tỉnh để chia sẻ, học hỏi và ứng dụng trực tiếp vào quá trình sản xuất. Các kỹ thuật viên của Trạm Khuyến nông huyện, Hội Nông dân xã thường xuyên đến đây để tuyên truyền, trao đổi kiến thức thông qua các buổi hội thảo, chia sẻ tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới… cho nông dân địa phương.
“Vì quán ở quê, gần chợ nên bà con thường đi uống cà-phê rất sớm. Đến khoảng 6 giờ sáng mọi người về chuẩn bị đi đồng, ra vườn làm việc. Buổi sáng, tranh thủ trời còn mát, ai cũng ra ruộng vườn dọn cỏ, tưới phân, thu hoạch nông sản… đến lúc trời nắng gắt là tạm xong công việc, về nhà nghỉ ngơi, chuẩn bị cho buổi chiều” - ông Chẵng giới thiệu.
Khách hàng ở quán đều là bà con lối xóm, người có thâm niên làm ruộng vài chục năm, có người mới lập vườn trồng cây ăn trái… Từ đó, các kiến thức, kỹ thuật mới cùng với kinh nghiệm sản xuất truyền thống đều được mọi người bàn luận rất sôi nổi, cập nhật thông tin để tìm ra giải pháp canh tác hiệu quả.
Từ những buổi cà-phê khuyến nông giúp nông dân học hỏi, ứng dụng kiến thức mới, mô hình hiệu quả để tăng thu nhập
Ông Chẵng (chủ quán cà-phê) cũng là một nông dân. Mỗi buổi sáng, ông tranh thủ cùng mọi người bàn chuyện canh tác ruộng vườn. “Thấy nông dân vậy thôi nhưng ai cũng ham học hỏi. Hôm nào có tờ báo mới, mấy đứa trẻ sẽ đọc cho người lớn tuổi cùng nghe những tin nông nghiệp, mô hình sản xuất hiệu quả ở nhiều nơi. Từ đó, nông dân nghiên cứu xem mô hình nào phù hợp sẽ ứng dụng tại vườn nhà” - ông Chẵng chia sẻ thêm.
Hơn 3 năm trước, ông Dương Văn Meo (ấp Bình Phú 2) mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất ruộng 6.000m2 lên vườn trồng xen canh nhiều loại cây ăn trái, như: Dừa xiêm xanh, dừa xiêm đỏ, chuối, cà na Thái, vú sữa hoàng kim… Đến nay, có cây đã cho thu hoạch nhiều vụ, năng suất và lợi nhuận thu được rất khả quan.
Ông Meo cho biết, trước đây, đã quen với việc làm ruộng, trồng lúa, tuy nhiên hiệu quả kinh tế mang lại chưa như mong đợi. Sau những lần đến quán cà-phê khuyến nông, được nói chuyện làm ăn, chia sẻ kinh nghiệm với nhiều nông dân khác, ông Meo mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất ruộng sang trồng cây ăn trái, giúp đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
“Tôi không “ghiền cà-phê” mà muốn nói chuyện cùng mấy anh em nhà vườn ở trong xóm, nên sáng nào cũng có mặt ở quán. Hồi trước, đa phần người dân địa phương đều làm ruộng, nên khi lên vườn, ai cũng bỡ ngỡ. Người nào biết thêm kiến thức mới, kinh nghiệm canh tác hiệu quả, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nào tốt… đều đến đây chia sẻ rộng rãi cho mọi người. Thấy cái nào hay, phù hợp thì học hỏi áp dụng trong vườn nhà, nhờ vậy mà kinh tế gia đình khấm khá hơn mấy năm trước nhiều” - ông Meo phấn khởi chia sẻ.
Thời điểm Tết Nguyên đán 2023, chỉ hơn 10 gốc vú sữa hoàng kim, nhờ bán được giá nên giúp ông Meo có nguồn thu nhập đáng kể. Còn cây điên điển, cà na Thái trong vườn mỗi ngày đều cho thu hoạch, giúp “lấy ngắn nuôi dài” rất hiệu quả.
Vừa uống xong cà-phê buổi sáng, ông Lê Hữu Tài (ấp Bình Phú 2) tranh thủ về nhà thu hoạch bông súng và chăm sóc vườn dừa đang cho trái đợt đầu tiên. Ông Tài cho biết, gia đình có 2.000m2 đất, trước đây, đất này chỉ dùng để canh tác lúa, dù làm 3 vụ/năm, trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận không còn bao nhiêu. Theo xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương, ông Tài mạnh dạn chuyển đổi lên vườn trồng dừa xiêm đỏ Malaysia, chuối cao, cấy xen bông điên điển ở 2 bờ, dưới mương nước thả thêm bông súng nhằm “lấy ngắn nuôi dài”.
Vừa trò chuyện, đôi tay ông Tài vừa thoăn thoắt dọn lá, rọc bẹ dừa tạo môi trường sạch sẽ ở phần đọt, giúp hạn chế sâu bệnh, đuông dừa phát triển. Đây là kinh nghiệm ông Tài học hỏi được từ những nông dân đi trước.
“Ban đầu, cải tạo từ ruộng để lên vườn tốn khá nhiều chi phí, nhưng nhờ trồng xen canh nhiều loại cây trồng khác nhau, có thu hoạch lai rai nên tôi dần lấy lại vốn. Chỉ tính riêng bông súng, cách 2 - 3 ngày cho thu hoạch trên 100.000 đồng, rất đều đặn mà không tốn công chăm sóc. Thấy hiệu quả nên khi đến quán cà-phê khuyến nông, tôi chia sẻ với mọi người. Giờ đây, hầu như trong vườn ai cũng có trồng thêm bông súng, mọi người đều có thu nhập” - ông Tài thông tin.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hòa Phạm Văn Minh, thời gian qua, việc truyền thông có định hướng cho nông dân trong việc chọn lựa cây trồng, vật nuôi, áp dụng quy trình kỹ thuật, đầu ra nông sản… trên địa bàn từng bước đi vào thực tiễn. Một phần nhờ sinh hoạt tại các câu lạc bộ nông dân cùng với các điểm cà-phê khuyến nông, cà-phê nông dân ở địa bàn cơ sở.
Nhờ vậy, nông dân có cơ hội gặp gỡ, trao đổi thường xuyên, góp phần không nhỏ cho việc thực hiện các mô hình sản xuất mới, có hiệu quả. Cà-phê khuyến nông còn là nơi cập nhật nhiều kiến thức nông nghiệp, thông tin hữu ích đáng tin cậy cho nông dân. Để mô hình có hiệu quả hơn, thời gian tới, Hội Nông dân xã Bình Hòa chủ động nhân rộng thêm mô hình cà-phê khuyến nông trong địa bàn xã, giúp nông dân tiếp nhận thông tin hiệu quả, nâng cao thu nhập trong sản xuất nông nghiệp.
ÁNH NGUYÊN