Uống nước cũng cần đúng cách nếu không muốn rước hoạ

14/12/2020 - 09:45

Uống nước đun đi đun lại nhiều lần, uống nhiều nước một lúc, chỉ uống khi khát... là những sai lầm mà nhiều người hay mắc phải. Điều này gây hại gì cho sức khoẻ?

 

Uống nước cũng cần đúng cách nếu không muốn rước hoạ

Không uống nước đun sôi nhiều lần

Theo Ths. Bs Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cơ thể chúng ta, nước chiếm từ 60 đến 70%, điều đó chứng tỏ nước rất cần thiết đối với sức khỏe con người, thiếu nước ảnh hưởng đến các hoạt động sống của cơ thể, tất cả các phản ứng, các quá trình chuyển hóa trong cơ thể đều cần nước, nước còn giúp đào thải các chất độc hại ra ngoài cơ thể qua nước tiểu, mồ hôi.

“5 phút sau khi uống là nước đã rời khỏi dạ dày, vì vậy chỉ nên uống nước 10 phút trước khi ăn hoặc một giờ sau khi ăn chứ không nên uống ngay sau hoặc trong khi ăn.

Lý do vì uống trong khi ăn sẽ hòa loãng và mau đưa dịch vị dạ dày xuống ruột, khiến cho sự tiêu hóa khó khăn. Hơn nữa vừa uống vừa ăn, ta sẽ nuốt món ăn chưa được nhai kỹ không tốt cho tiêu hóa và hấp thu, Ths Hải cho biết.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người vẫn còn chưa hiểu đúng, thực hành đúng việc uống nước.

Trong đó, nhiều người thường sử dụng nước đun sôi nhiều lần vì tiết kiệm nước, hoặc đã đun sôi nước một lần và để quên rồi đun lại một lần nữa. Thậm chí, có người cho rằng đun sôi nước nhiều lần sẽ làm nước sạch hơn. Đây là những quan niệm hoàn toàn sai lầm. Nếu chúng ta uống nước đun sôi nhiều lần trong thời gian dài sẽ dễ mắc các bệnh về tim mạch thậm chí nguy cơ ung thư...

Theo đó, uống nước đun sôi nhiều lần có nguy cơ gây suy thận nghiêm trọng. Bằng chứng là theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nước đun sôi nhiều lần có hàm lượng asen cao là tác nhân trực tiếp gây ra các vấn đề về thận của con người. Nếu sử dụng nước lâu dài, có thể gây suy thận nghiêm trọng. Uống nước đun sôi nhiều lần lâu dài sẽ gây suy thận.

Ngoài ra, nước đun đi đun lại sẽ hình thành nitrat, sau khi bạn uống vào cơ thể lâu ngày nitrat chuyển hóa thành nitric. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy hô hấp hơi khó khăn, tim đập nhanh vì muối nitric làm ảnh hưởng đến sự vận chuyển máu trong cơ thể. Trong môi trường nhiệt độ cao, nitric chuyển thành nitrosamine là nguồn gốc gây ra các bệnh về ung thư bàng quang, dạ dày, buồng trứng…

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng chỉ ra, asen hay còn gọi là thạch tín được hình thành chủ yếu trong quá trình đun nước nhiều lần hoặc nước để lâu ngày trong bình đun, bình chứa... Asen gây ra các bệnh về đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa.  Ngoài ra, asen còn dẫn đến nguy cơ phát triển bệnh tim mạch.

Không uống quá nhiều một lúc

Ths. Bs Lê Thị Hải cũng cho biết thêm, bất cứ ai uống nước nên chia làm nhiều lần trong ngày chứ không nên uống một lần quá nhiều. Ngay cả khi khát nước cũng không nên uống quá nhiều một lúc, tốt nhất là nên uống từ từ từng ngụm một để cho nước có thời gian thấm qua thành ruột vào mạch máu và thỏa mãn nhu cầu khát của một cơ thể bị thiếu nước.

Đồng tình với quan điểm này, trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho rằng người dân đừng đợi khát mới uống nước. Khi uống nên uống từ từ, không phải uống một lúc một cốc 150-200ml mà uống ngụm nhỏ 20-30ml.

“Bạn có thể uống vào thời điểm sáng dậy trước khi ăn sáng, uống giữa 2 bữa ăn để không ảnh hưởng đến bữa ăn, trước khi tập luyện, đi làm. Trước khi đi ngủ cũng nên uống cốc nước để cơ thể không thiếu nước về đêm. Ngoài ra, trước khi đi tắm nên uống nước giúp điều nhiệt độ cơ thể, để không bị lạnh quá khi đi tắm.  Những người lao động nặng, bị sốt nên uống nước nhiều hơn”, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm cho hay. .

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, cơ thể hàng ngày cần khoảng 2 - 2,5 lít nước từ thực phẩm và đồ uống để bù lại lượng nước mất qua các con đường khác nhau. Tỷ lệ hai phần ba lượng nước do đồ uống cung cấp, phần còn lại do thực phẩm khác cung cấp.  Nhu cầu này phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể, hoạt động thể lực. Chẳng hạn, một người 50 tuổi có cân nặng 63 kg, nhu cầu nước là: 63x35 = 2.200 ml/ngày, tương đương từ 10 đến 12 cốc nước/ngày.

Theo H.ANH (Infonet)