“Check-in” là để sống chan hòa với thiên nhiên
Trong dịp tình cờ, tôi được ngồi trò chuyện với một tài xế trên quãng đường từ TP. Long Xuyên đến TP. Hồ Chí Minh. Câu chuyện sẽ chẳng có gì, nếu tôi không nhắc đến việc chụp ảnh “check-in” của nhiều người hiện nay. Ngay lập tức, anh tài xế “tuôn” những suy nghĩ của bản thân về các cư xử văn hóa khi “check-in”. Là người làm dịch vụ, anh sẵn sàng chở khách đi khắp mọi nơi, qua những cung đường để đến những điểm “check-in” lý tưởng.
Anh tài xế cho biết, ở An Giang không thiếu những điểm nổi tiếng. Bản thân anh cũng thích nhận các tour hợp đồng chở khách đi khám phá nhiều cảnh đẹp trong tỉnh. “Bạn trẻ bây giờ mê “check-in” lắm. Có lần, tôi nhận cuộc gọi từ 3 giờ sáng của khách để đi “săn mây” vùng Bảy Núi. Quả thật, khung cảnh buổi sáng phủ đầy mây ở núi Cấm đẹp thật. Chỉ có điều, các em chụp ảnh xong rồi quăng mấy vỏ chai nước lăn lóc ven bờ ruộng. Thấy cảnh đó, tôi nghĩ nếu là người chủ ruộng ấy, chắc sẽ rất bực mình” - anh chia sẻ.
Là người sống trên núi Cấm, anh Phan Hữu may mắn có được đoạn suối chảy qua vườn nhà còn khá hoang sơ. Tuy nhiên, anh không muốn giới thiệu cho nhiều người biết, bởi muốn giữ gìn vệ sinh cho đoạn suối hoang sơ đó. “Tôi chỉ đón tiếp bạn bè, người thân đến chơi, không tùy tiện cho nhiều người ghé. Dù vậy, thỉnh thoảng vẫn phải đi dọn chai nước, vỏ lon hoặc bọc ny-lon từ trên thượng nguồn đổ xuống. Chắc do người ta đi “check-in” trên đó rồi xả xuống suối. Cứ đà này, không còn được đoạn suối nào đủ hoang sơ để mọi người đến “check-in”, vì chỗ nào cũng có rác trôi lềnh bềnh” - Phan Hữu bức xúc.
Thực tế, rất nhiều điểm “check-in” trở thành bãi rác sau một thời gian nổi tiếng trên mạng xã hội. Bởi, người “check-in” thì đông, rác mang đến nhiều, mà chẳng mấy người có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cho khu vực đó. Cần khẳng định rằng, các điểm “check-in” ở An Giang nói riêng và nhiều nơi khác nói chung, thường thu hút du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ và nên thơ. Nhưng nếu mọi người cứ đến rồi vô tư ăn uống, ném rác bừa bãi thì cái vẻ nên thơ hay khung cảnh hoang sơ đó không thể tồn tại được.
Ngoài việc giữ vệ sinh kém, nhiều bạn trẻ còn chụp ảnh phản cảm hoặc có hành vi thiếu ý thức làm ảnh hưởng đến người khác. Người viết từng nhiều lần gặp các bạn trẻ đầu tư hẳn hoi trang phục truyền thống của các quốc gia để “check-in” các điểm chùa nổi tiếng ở An Giang. Quả thật, nhờ các bạn ấy mà các điểm chùa này càng nổi tiếng, thu hút đông du khách hơn vì được thể hiện qua những góc nhìn mới mẻ, độc đáo. Việc các bạn tham gia “check-in” với những bức ảnh ấn tượng đã mang lại lợi ích, góp phần thúc đẩy, quảng bá, phát triển ngành du lịch địa phương.
Tuy nhiên, để có được những tấm ảnh đó, nhiều bạn không ngần ngại yêu cầu người khác đừng “nhảy” vào khung ảnh của mình. Họ buộc du khách phải dừng việc lễ Phật, chờ họ “check-in” xong rồi mới thắp hương hay chiêm bái. Cần khẳng định rằng, “check-in” là quyền của các bạn, chẳng ai cấm đoán. Nhưng khi “check-in” cũng phải tôn trọng người khác, vì đây là cơ sơ tín ngưỡng cộng đồng, không chỉ dành riêng cho việc “tự sướng” của ai. Đó là chưa kể những cách tạo dáng theo kiểu cặp đôi không phù hợp với chốn cửa thiền, để lại hình ảnh xấu trong mắt người khác.
Nói về văn hóa “check-in”, bạn Hà Hiếu Thuận (ngụ thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đã “dành cả thanh xuân” để theo đuổi đam mê bỏ phố lên rừng. Thuận chia sẻ: “Tôi thích “check-in”. Tuy nhiên, đó phải là thứ trải nghiệm gần gũi, chan hòa với thiên nhiên. Ở những nơi đi qua, sau khi trải nghiệm, khám phá, tôi luôn cố gắng trả lại sự hoang sơ, thơ mộng vốn có”.
Tuổi trẻ là năng động, là khám phá, trải nghiệm. Người trẻ luôn muốn chứng tỏ mình, tìm cách thể hiện bản thân trên môi trường mạng đã trở thành đam mê phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, mọi người cần chứng tỏ mình là người văn minh khi đến các điểm “check-in”. Bởi, những nút “like” và “share” trên mạng xã hội suy cho cùng cũng chỉ là “sống ảo”, chúng ta đừng để việc “sống ảo” làm mất đi giá trị thật của bản thân mình. |
MINH QUÂN