Về cuộc đình công lớn đầu tiên

12/08/2024 - 06:41

 - Sau ngày thành lập Công hội bí mật ở trung tâm Sài Gòn, người thợ Tôn Đức Thắng lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh để bênh vực quyền lợi của công nhân, chống đế quốc tư bản, mà tiêu biểu nhất là cuộc đình công của hơn 1.000 công nhân Ba Son vào tháng 8/1925.

Dưới sự lãnh đạo của Công hội bí mật do Bác Tôn thành lập, đầu tháng 8/1925, hơn 1.000 công nhân xưởng Ba Son tổ chức đình công đòi tăng lương, giảm giờ làm việc, nhưng mục đích là làm chậm việc sửa chữa chiến hạm Jules Michelet của Pháp sang đàn áp cách mạng Trung Quốc.

Lúc bấy giờ, Ba Son là xưởng duy nhất ở Đông Dương mà công nhân được hưởng quy chế ngày làm việc 8 giờ, lương tháng, lương ngày đều cao hơn các nơi khác. Vì thế, để vận động, tổ chức đình công, bãi công ở đây rất nguy hiểm, khó khăn.

Tuy nhiên, lãnh đạo tổ chức Công hội ở đây, Bác Tôn nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về chính trị cho hội viên, nên ngoài liên lạc chặt chẽ với lực lượng công nhân, thủy thủ tàu biển, còn chỉ đạo tổ chức nhận báo chí tiến bộ từ Pháp, Trung Quốc gửi về, như báo Nhân đạo, Người cùng khổ, Việt Nam hồn và những bài báo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết về Đông Dương.

Vào năm 1925, cuộc đấu tranh cách mạng ở tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc) đang sôi sục, Pháp đưa lực lượng hải quân đến đây trấn áp. Tham gia chiến dịch là hạm đội với 3 chiến hạm: Jules Ferry, Le Maine và Jules Michelet, mà chiếc tuần dương thiết giáp Jules Michelet chỉ huy. Trên đường đi, tàu Jules Michelet bị hư hỏng, gấp rút đưa đi sửa chữa để kịp sang Trung Quốc.

Nắm được nguồn tin, Bác Tôn thông báo ngay cho các hội viên và bàn biện pháp tổ chức đấu tranh, thành lập ban lãnh đạo cuộc đình công, gồm các đồng chí: Lê Văn Lưỡng, Nguyễn Văn Nghi (tức Ba Nghi), Tăng Văn Tư (tức Tư Nghĩa, Tư Kho hay Tư Ốm)... Tất cả xác định rõ mục tiêu, ngoài đình công ra thì không còn cách nào giam chân đội tàu chiến của Pháp. Cuộc đấu tranh này mang tính chất chính trị rõ ràng, nhưng khẩu hiệu chính trị không được đưa ra, chỉ nêu lên những yêu sách về mặt kinh tế, để từ đó mới tập hợp được toàn thể công nhân, viên chức tham gia.

Ban lãnh đạo cuộc đình công đưa kiến nghị lên giám đốc, đòi giải quyết tăng lương cho tất cả công nhân lên 20%; phải gọi lại số thợ bị đuổi việc trong các cuộc đình công trước đây làm việc lại; ngày lĩnh lương phải cho nghỉ trước nửa giờ như thường lệ. Mặc dù giám đốc Courthial, Thống đốc Nam Kỳ hăm dọa, rồi dụ dỗ, mua chuộc, nhưng anh em công nhân không hề nao núng, vẫn tiếp tục đình công. Đặc biệt, để ủng hộ cuộc đấu tranh, hàng vạn công nhân, viên chức Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tổ chức quyên góp gạo, tiền và vật chất giúp đỡ.

Cuối cùng, ban giám đốc xưởng Ba Son buộc nhượng bộ và điều đình với ban lãnh đạo cuộc đình công, chấp nhận tăng 10% lương cho công nhân và bỏ lệnh cắt 15 phút làm bù ngày lãnh lương. Cuộc đình công chấm dứt thắng lợi, anh em công nhân chuyển sang hình thức bãi công, lãn công.

Bị giam ở đây 3,5 tháng để sửa chữa, đến ngày 28/11/1925, chiến hạm Michelet mới được ra khỏi xưởng Ba Son. Cuộc đấu tranh này với mục đích chính trị rõ rệt, nhưng diễn ra một cách khôn khéo và thành công như kế hoạch đã đề ra. Đây là cuộc đình công lớn đầu tiên của công nhân Nam Kỳ và công nhân cả nước đến thời điểm đó, đánh dấu bước ngoặt phong trào đấu tranh của công nhân từ tự phát sang tự giác; là cuộc đấu tranh đầu tiên đặt dưới sự lãnh đạo của Công hội bí mật, được tổ chức chặt chẽ.

Cuộc bãi công này thực chất là cuộc đấu tranh chính trị, mục đích chính trị rõ rệt, nhưng diễn ra khôn khéo dưới hình thức bãi công, đưa ra khẩu hiệu khéo léo, phù hợp. Từ đó, tiếng vang của cuộc đình công vượt ra ngoài phạm vi toàn quốc, đến với phong trào cách mạng vô sản và công nhân thế giới.

Từ ngày thành lập, Ba Son luôn là điểm sục sôi các phong trào đấu tranh cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Kế thừa những thành công và kinh nghiệm bãi công của công nhân Ba Son, năm 1926, phong trào đấu tranh của công nhân phát triển mạnh mẽ khắp Sài Gòn - Chợ Lớn và các vùng phụ cận.

Cụ thể, ngày 11/4/1926, công nhân bãi công chống chủ Xin-đa-tơ-ri trả lương trễ 4 ngày; ngày 22/4/1926, diễn ra cuộc bãi công của công nhân Đê-pô xe lửa và Ga Sài Gòn; ngày 3/5/1926, công nhân, viên chức Nhà máy Cao su Sài Gòn bãi công; ngày 5/5/1926, toàn thể công nhân đóng tàu ở Ba Son bãi công, học sinh Trường Thợ máy Sài Gòn bãi khóa…

Rất nhiều công nhân của xưởng Ba Son đã trở thành những chiến sĩ cách mạng kiên cường, hy sinh oanh liệt trong những năm chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ. Nhiều thế hệ công nhân Ba Son đã giữ vị trí quan trọng trong các công binh xưởng tại các chiến khu, chuyên chế tạo vũ khí. Nhiều người trở thành những cán bộ ưu tú của Đảng, Nhà nước và quân đội. Tiêu biểu nhất là Chủ tịch Tôn Đức Thắng và các đồng chí: Lý Chính Thắng, Nguyễn Văn Nghi, Đoàn Văn Bơ, Ngô Văn Năm, Trần Đình Xu…

Theo BanTuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, cuộc bãi công của công nhân Ba Son là cuộc đấu tranh đầu tiên của công nhân Việt Nam mang tính chính trị quốc tế. Thời gian này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội III “Quốc tế Công hội đỏ” tại Moskva - Liên Xô, Người đại biểu duy nhất cho giai cấp công nhân thuộc địa và đọc bản tham luận chính thức trong phiên họp thứ 15 ngày 21/7/1924. Người kêu gọi: “...

Tổ chức công nhân cách mạng Pháp phải tích cực giúp đỡ chúng tôi trong cuộc đấu tranh giải phóng của chúng tôi”. Đây là tiếng nói chính thức đầu tiên của một đại biểu của phong trào công nhân và công đoàn nước ta trên diễn đàn quốc tế.

Tháng 6/1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) và trực tiếp giảng dạy nhằm nâng cao lý luận chính trị cho học viên. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” viết năm 1927, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh đến nhiệm vụ của Công hội: “Tổ chức công hội trước hết là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.

Những năm 1925 - 1928, dưới sự lãnh đạo của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phong trào “Vô sản hóa” đã thâm nhập sâu rộng vào nhà máy, xí nghiệp, hầm lò để tuyên truyền, vận động công nhân tích cực tham gia các phong trào đấu tranh. Cũng từ đây, giai đoạn 1926 - 1929, phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ, dẫn đến sự ra đời của 3 tổ chức cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930.

N.R (Tổng hợp)