'Hạnh phúc' là cảm giác hài lòng của mỗi người với cuộc sống xung quanh. Những năm gần đây, xếp hạng chỉ số hạnh phúc của Việt Nam trên thế giới đã tăng lên vượt bậc không chỉ minh chứng cho nỗ lực bảo đảm quyền con người mà còn thể hiện sự tin tưởng của quần chúng Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
AA
Ảnh minh họa. Nguồn: Cuộc thi Happy Vietnam
Môi trường hạnh phúc
Trong những năm qua, Việt Nam đã ngừng nỗ lực để người dân được sống trong một môi trường hạnh phúc. Điều này đã được ghi nhận qua việc tăng 12 bậc, từ vị trí thứ 77 lên 65 trong xếp hạng chỉ số Hạnh phúc Thế giới 2023 của Liên hiệp quốc. Người dân Việt Nam đang được sống trong xã hội hạnh phúc và được bảo đảm mọi mặt để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh qua các năm, GDP năm 2023 của cả nước ước tính tăng 5,05% so với năm trước, đưa quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD; GDP bình quân đầu người ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,76% năm 2011 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015) xuống còn dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều), năm 2023 còn 2,93%; từ chỗ thiếu lương thực, nay trở thành cường quốc xuất khẩu gạo và được đánh giá là điểm sáng về công tác giảm nghèo; là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững.
Để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho người dân, Việt Nam đã tập trung làm tốt công tác hỗ trợ xã hội. Trong đó, bên cạnh chủ trương, chính sách hỗ trợ thường xuyên, định kỳ, các chương trình hỗ trợ đột xuất, kịp thời với tình hình thực tiễn cũng đã góp phần quan trọng trong việc giúp đỡ người dân vượt qua hoàn cảnh khó khăn như trong thiên tai, lũ lụt và đặc biệt là đại dịch COVID-19...
Tổng kết Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tính đến 30-6-2022, gần 36,5 triệu người lao động, người dân, 394.000 đơn vị sử dụng lao động và 500.000 hộ kinh doanh đã được hỗ trợ với tổng số tiền là 45.600 tỷ đồng.
Công tác an sinh xã hội được thực hiện tốt cũng là một điểm nhấn góp phần mang lại cuộc sống hạnh phúc cho người dân như: hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật, thương binh, gia đình liệt sĩ...
Tính đến cuối năm 2023, cả nước đã thành lập được 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ trợ giúp xã hội của đối tượng cần trợ giúp xã hội.
Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, cung cấp nước sạch, điện… được chú trọng triển khai thực hiện với những kết quả tích cực. Chỉ tính riêng năm 2022, cả nước có 17,5 triệu người tham gia BHXH, đạt 38,08% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, đến tháng 9-2023, ước tăng 8 nghìn người so với năm 2022; độ bao phủ BHYT đến hết năm 2023 ước đạt 93,22%. Nhà nước không ngừng đầu tư cơ sở, vật chất, đào tạo chuyên môn để phát triển y tế. Hiện nay, Việt Nam có 47 bệnh viện cấp trung ương, 419 bệnh viện cấp tỉnh, 684 bệnh viện cấp huyện và 100% các xã đều có trung tâm y tế để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chỉ số bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới. Tuổi thọ trung bình cũng tăng nhanh, năm 2023 là 73,7 tuổi, được xếp vào nhóm cao trong các quốc gia có mức thu nhập tương đương.
Ở Việt Nam, người dân được tự do làm những việc mà pháp luật không cấm. Vấn đề tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do in-tơ-nét… luôn được pháp luật tôn trọng, bảo vệ. Mọi người dân đều có quyền theo hoặc không theo tôn giáo nào; đời sống tín ngưỡng, tôn giáo vô cùng đa dạng phong phú. Nhà nước tạo mọi điều kiện để tín ngưỡng, tôn giáo được hoạt động, phát triển mạnh mẽ.
Hiện nay tổng số tín đồ các tôn giáo khoảng 26,5 triệu, chiếm 27% dân số; trên 54 ngàn chức sắc; trên 135 ngàn chức việc; hơn 29 ngàn cơ sở thờ tự; hàng nghìn điểm, nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Tính đến đầu năm 2024, có 78,44 triệu người sử dụng in - tơ - nét; 72,70 triệu người sử dụng mạng xã, tương đương với 73,3% tổng dân số; 168,5 triệu kết nối di động, tương đương với 169,8% tổng dân số. Nhà nước tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức tự do làm giàu chính đáng; tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật và phát triển đất nước dù công dân đó đang ở trong hay ngoài nước.
Mọi người dân đều được hưởng lợi về chính sách giáo dục. Tính đến tháng 10-2023, tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 đổ tuổi 15 đạt 98,55% và 60 đạt 96,70%. Hệ thống giáo dục quốc dân phát triển, được UNESCO đánh giá xếp thứ 64/127 nước trên thế giới, bảo đảm cho mọi công dân được thụ hưởng nền giáo dục công bằng, tiến bộ.
Với phương châm "không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, công tác phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh, thật sự đạt hiệu quả, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Vẫn còn nhiều thách thức
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn chặng đường dài phía trước để nâng cao chất lượng cuộc sống hạnh phục cho mọi người dân Việt Nam, nhất là trong bối cảnh diễn biến tình hình hình trong nước và thế giới đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến quyền thụ hưởng hạnh phúc của con người.
Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Vẫn còn tình trạng thất nghiệp, đặc biệt là lao động dân tộc thiểu số (DTTS), thu nhập thiếu ổn định lại không cao; sự chênh lệch mức sống giữa các vùng, miền và khoảng cách giàu nghèo còn khá lớn. Vùng núi, nông thôn, DTTS vẫn là “Lõi nghèo” của cả nước với chất lượng dịch vụ y tế còn nhiều khó khăn, bất cập. Tầm vóc, thể trạng con người Việt Nam còn thấp so với một số nước trong khu vực; tình trạng ô nhiễm môi trường, thiên tai lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn còn diễn biến khá phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân...
Bên cạnh đó, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh giữa các nước lớn, xung đột, kinh tế thế giới giảm sút… đang tác động không nhỏ đến tình hình trong nước và đến đời sống người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, ô nhiễm môi trường gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh kế của người dân, nhất là vùng nông nghiệp, thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản...
Trong bối cảnh đó, để hướng đến cuộc sống hạnh phúc cho mọi người dân Việt Nam, cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về giá trị hạnh phúc. Tăng cường công tác tuyên truyền về giá trị hạnh phúc, tầm quan trọng của chất lượng cuộc sống đối với sự ổn định, phát triển quốc gia. Xây dựng xã hội hạnh phúc là trách nhiệm của cả cộng đồng, dân tộc chứ không phải là trách nhiệm riêng của bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, phải tiêu biểu về phẩm chất và năng lực.
Hai là, coi trọng nhân tố con người, luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; nhân dân là trung tâm. Mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, vì chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm hạnh phúc thực sự và lâu dài cho nhân dân.
Ba là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng hệ thống chính sách và pháp luật bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và công bằng; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành, giữa các cơ quan quản lý nhà nước; phát triển trình độ khoa học, công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, độ mở nền kinh tế, năng lực tiếp cận nền kinh tế số, xã hội số để không ngừng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Bốn là, hoạch định và thực thi chính sách xã hội bảo đảm tính bao trùm, bền vững, lâu dài dựa trên nguyên tắc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Xây dựng môi trường chính trị, kinh tế, xã hội ổn định, công bằng, thuận lợi cho tất cả các thành phần xã hội có cơ hội làm giàu. Thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững, khuyến khích làm giàu chính đáng, xử lý nghiêm hành vi làm giàu bất chính; kiên quyết, kiên trì phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS.
Năm là, chủ động ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Thiên tai, khí hậu, môi trường tác động mạnh mẽ đến khả năng sinh kế và sức khỏe của con người, điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của người dân. Do đó, nâng cao nhận thức nhận thức, trách nhiệm cho hệ thống chính trị và nhân dân về phòng chống thiên tai, thảm họa, bảo vệ môi trường. Khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích tài nguyên. Xử lý nghiêm đối với hành vi xâm hại đến môi trường tự nhiên.
Sáu là, mở rộng hợp tác quốc tế theo quan điểm trường phái ngoại giao “cây tre” trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc; tích cực tham gia giữ gìn hòa bình thế giới, chung sức cùng với các quốc gia ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống đe dọa đến tính mạng, sức khỏe cũng như hạnh phúc của nhân loại; tranh thủ tối đa nguồn lực để xây dựng, phát triển đất nước, tạo cơ sở vững chắc để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Ngày 20-3 hằng năm được Liên hiệp quốc lựa chọn là Ngày Quốc tế hạnh phúc và coi đây là thước đo tiến bộ, công bằng xã hội và là mục tiêu của chính sách công với mức độ hài lòng của người dân về các chỉ số như: thu nhập bình quân theo đầu người, hỗ trợ xã hội, tự do lựa chọn cuộc sống, sức khỏe cộng đồng, thái độ và phản ứng tích cực xã hội... Chủ đề của ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2024 là “Hạnh phúc cho mọi người” nhằm khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, cộng đồng có hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng.
Theo Xây Dựng Đảng
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: