Vì sao một số người có lỗ nhỏ trên vành tai?

19/05/2018 - 20:14

Bạn đã bao giờ nhận thấy một số người sinh ra đã có một lỗ nhỏ trên vành tai? Có một nguyên nhân thú vị phía sau đặc điểm kỳ lạ này.

1% dân số thế giới khi chào đời đã có một hoặc vài lỗ nhỏ trên vành tai. Đặc điểm hiếm gặp này có tên gọi là rò luân nhĩ (preauricular sinus), nó thường xuất hiện ở điểm nối giữa sụn tai và gương mặt.

Rò luân nhĩ được nhà khoa học Hà Lan Van Heusinger ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1864. Về mặt khoa học, nó được xem là một dị tật di truyền bẩm sinh. Khoảng một nửa người bị rò luân nhĩ có lỗ ở một mặt tai, nửa còn lại có ở cả hai mặt.

Theo nhà sinh học tiến hóa Neil Shubin, rò luân nhĩ có thể là đặc điểm còn sót lại của quá trình tiến hóa. Cụ thể, đó là dấu hiệu của mang cá, chứng tỏ con người đã tiến hóa từ loài thủy sinh.

Trong giai đoạn phôi thai, cả người lẫn cá đều tồn tại cấu trúc vòm họng. Ở cá, cấu trúc này tiến hóa thành mang, còn ở người thì nó trở thành tai.

Rò luân nhĩ có nguy hiểm không? "Dấu tích" này không gây nguy hiểm đối với con người. Trong một số trường hợp, các lỗ này có thể bị viêm nhiễm nhưng cũng dễ dàng điều trị được bằng kháng sinh.

Ở Mỹ rất ít trẻ sơ sinh có lỗ nhỏ ở tai, trong khi đó tỷ lệ mắc phải tình trạng này ở châu Á và một phần của châu Phi là 4-10% dân số.

Theo HÀ DI (Phụ nữ Online)