Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa chính thức công bố tuyến cáp biển quốc tế ADC (Asia Direct Cable) cập bờ tại Quy Nhơn (Bình Định). Đây là tuyến cáp quang biển mới nhất sắp đưa vào hoạt động tại Việt Nam.
Tuyến cáp quang biển ADC có chiều dài cáp ngầm là 9.800km, dung lượng đạt trên 140 Tbps. Tuyến cáp ADC kết nối các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như: Singapore – Nhật Bản – Hongkong – Trung Quốc – Philippines – Việt Nam - Thái Lan.
Lễ công bố tuyến cáp quang biển quốc tế ADC cập bờ tại Quy Nhơn.
Cáp quang biển ADC sử dụng công nghệ truyền dẫn hiện đại nhất hiện nay, giúp kết nối các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với tổng mức đầu tư ban đầu là 290 triệu USD.
ADC là tuyến cáp biển thứ 5, với quy mô đầu tư lớn nhất cho đến nay của Viettel. Tuyến cáp này được hình thành trên cơ sở hợp tác đầu tư, xây dựng giữa Viettel và các tập đoàn viễn thông quốc tế lớn Singtel, China Telecom, SoftBank, China Unicom, NT, PLDT, TATA Communications.
Hiện Viettel đã đầu tư tổng cộng 5 dự án cáp quang biển gồm: AAE-1 (trạm cập bờ đặt tại Vũng Tàu), TGN-IA (trạm cập bờ đặt tại Vũng Tàu), APG (trạm cập bờ đặt tại Đà Nẵng) và AAG (trạm cập bờ đặt tại Vũng Tàu) và ADC (trạm cập bờ đặt tại Quy Nhơn).
Sơ đồ tuyến cáp quang biển ADC (Asia Pacific Gateway).
Theo đơn vị phát triển, tuyến cáp ADC đáp ứng tốt việc triển khai các ứng dụng kết nối Internet quốc tế yêu cầu tốc độ cao như: Internet vạn vật (IoT), tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (AR/VR); đồng thời đảm bảo an toàn, dự phòng mạng lưới, đảm bảo chất lượng dịch vụ Internet và các dịch vụ kết nối quốc tế khác.
Cùng với các tuyến cáp quang biển hiện đang khai thác khác, tuyến cáp ADC của Viettel dự kiến khi đưa vào vận hành khai thác sẽ bổ sung 18Tbps vào tổng dung lượng kết nối quốc tế của Viettel, góp phần cung cấp một lượng lớn dung lượng tốc độ cao kết nối từ Việt Nam đi quốc tế.
Trước ADC, các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia khai thác 5 tuyến cáp quang biển gồm AAG (Asia-America Gateway), SMW3 (hay còn gọi là SEA-ME-WE3), cáp quang biển Liên Á - IA (Tata TGN-Intra Asia), APG (Asia Pacific Gateway) và AAE-1 (Asia Africa Europe 1). Trong đó, SMW3 là tuyến cáp cũ (vận hành từ năm 1999), dữ liệu ít và sắp bị thanh lý.
Tổng quan về hạ tầng cáp quang biển Việt Nam và các nước khác trong khu vực. Hiện Việt Nam có tổng cộng 7 tuyến cáp quang biển, 5 tuyến đang hoạt động và 2 tuyến sẽ đưa vào vận hành trong những năm tới đây.
Có một thực tế đáng buồn khi trung bình trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm có khoảng 10 sự cố liên quan đến các tuyến cáp quang biển Việt Nam. Thời gian khắc phục trung bình của mỗi sự cố kéo dài khoảng 1 tháng.
Điều này dẫn đến tình trạng, các nhà mạng Việt Nam chỉ sử dụng được khoảng 3/4 tuyến cáp chính. Đây là một thách thức với các nhà mạng, khiến các doanh nghiệp viễn thông luôn phải dự phòng từ 20-25% dung lượng kết nối để đảm bảo trong trường hợp sự cố đứt cáp xảy ra. Thực tế đó đã gây ảnh hưởng đến chi phí đầu tư cũng như quá trình vận hành, khai thác của các nhà mạng để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho người dùng.
Theo báo cáo tháng 8/2021 của Ngân hàng Thế giới (World Bank), khi so sánh với 12 quốc gia có điều kiện tương đồng, kết nối Internet của Việt Nam thuộc nhóm cần phải cải thiện chất lượng và tốc độ nếu muốn thành công trong nền kinh tế số.
Theo TRỌNG ĐẠT (Vietnamnet)