Trao đổi văn kiện ký kết giữa Việt Nam và IAEA.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung và Đông Âu, trong phát biểu tại lễ ký, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, Đại diện thường trực Việt Nam tại IAEA nhấn mạnh, việc ký kết Khung Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và IAEA có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam sắp đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội nghị các nước thành viên Hiệp định hợp tác về nghiên cứu, phát triển và đào tạo khoa học và công nghệ hạt nhân (RCA), nhiệm kỳ 2022-2023.
Về hợp tác trong thời gian qua, Đại sứ Việt Nam bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao việc IAEA đã tích cực hỗ trợ chuyển giao công nghệ, cung cấp trang thiết bị và đào tạo cho Việt Nam. Các hoạt động trên không chỉ giúp Việt Nam nâng cao năng lực về ứng dụng công nghệ hạt nhân phục vụ phát triển nói chung mà còn tạo nền tảng quan trọng cho Việt Nam ứng phó thành công với nhiều vấn đề mang tính toàn cầu như an ninh lương thực, dịch bệnh, cải thiện chất lượng nông sản, làm sạch nguồn nước. Hơn nữa, các hoạt động hợp tác với IAEA cũng giúp Việt Nam xây dựng thành công đội ngũ chuyên gia trong nhiều lĩnh vực liên quan đến công nghệ hạt nhân và tham gia sâu hơn vào các chương trình, dự án nghiên cứu do IAEA chủ trì hoặc phát động. Một số công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam đã được IAEA đánh giá cao, đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển công nghệ hạt nhân nói chung.
Một trong những ưu tiên của Việt Nam trong quá trình tham gia Hội đồng Thống đốc IAEA, nhiệm kỳ 2022-2023 là hợp tác với các thành viên khác của Hội đồng nhằm đẩy mạnh vai trò của IAEA trong phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình. Thông qua các hoạt động này, IAEA sẽ tham gia nhiều hơn vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa và hiệu quả của phát triển và ứng dụng công nghệ hạt nhân. Việt Nam mong muốn IAEA tiếp tục chú trọng vào chương trình hỗ trợ các nước đang phát triển đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ hạt nhân, qua đó giúp tiến trình được thực hiện hiệu quả.
Phó Tổng Giám đốc phụ trách hợp tác về công nghệ, kỹ thuật của IAEA, Tiến sỹ Hua Liu cho biết, Việt Nam là nước đầu tiên ký Khung Chương trình hợp tác giai đoạn 2022-2027 với IAEA. Đây là văn kiện có ý nghĩa quan trọng, giúp IAEA nhận biết được sự quan tâm và nhu cầu của Việt Nam trong ứng dụng công nghệ hạt nhân, qua đó hỗ trợ IAEA trong việc xây dựng Chương trình hợp tác kỹ thuật (TC) hàng năm.
Tiến sỹ Hua Liu vui mừng nhận thấy các dự án hợp tác với Việt Nam giai đoạn 2022-2023, được Hội đồng Thống đốc IAEA phê duyệt tháng 11/2021 hoàn toàn phù hợp với nội dung của Khung Chương trình hợp tác giai đoạn 2022-2027 vừa được ký kết. Điều này cho thấy quá trình hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua đã được thực hiện rất chặt chẽ và đạt hiệu quả ngoài mong đợi.
Phó Tổng Giám đốc IAEA đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong hợp tác khu vực về phát triển công nghệ hạt nhân, đặc biệt trong việc đào tạo, xây dựng năng lực cho Lào và Campuchia thông qua chương trình hợp tác ba bên giữa Việt Nam, IAEA và các quốc gia này. Ông mong muốn trong vai trò Chủ tịch RCA tới đây, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác khu vực, đặc biệt là trong vấn đề phát triển và đào tạo công nghệ hạt nhân tại các nước đang phát triển.
Nhân dịp này, lãnh đạo IAEA đã mời Đại sứ Nguyễn Trung Kiên tham dự Lễ chuyển giao vị trí Chủ tịch RCA, dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 19-4-2022.
Theo HỒNG KỲ (TTXVN)