Vĩnh Hòa tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng

21/03/2023 - 07:57

 - Những năm gần đây, nông dân xã Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu) tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần tăng thu nhập cho nông hộ, nâng cao chất lượng xã nông thôn mới ở địa phương.

Năm 2022, người dân trên địa bàn xã gặp không ít khó khăn về diễn biến bất lợi của thời tiết, dịch bệnh, biến động thị trường... Vượt qua khó khăn, người dân từng bước vươn lên ổn định sản xuất. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là tập trung cải tạo vườn tạp, chuyển sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Tính đến nay, xã Vĩnh Hòa có tổng diện tích đất trồng vườn trên 76ha. Các loại cây được chuyển đổi chủ yếu là: Xoài cát Hòa Lộc, mãng cầu, mít Thái, chanh không hạt, bưởi da xanh...

Cách đây 5 năm, ông Trần Văn Lắm (sinh năm 1971, ngụ ấp Vĩnh Thạnh Đ, xã Vĩnh Hòa) chọn cây nhãn xuồng cơm vàng làm cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế gia đình. Ông Lắm cho biết, bản thân dành nhiều thời gian tìm hiểu giống nhãn xuồng. Đây là loại cây phù hợp khí hậu và thổ nhưỡng ở Vĩnh Hòa. Cây nhãn xuồng có sức đề kháng tốt, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp. Với 0,6ha trồng nhãn xuồng cơm vàng, mỗi vụ gia đình ông Lắm chi khoảng 10 triệu đồng để chăm sóc vườn. Đến nay, vườn nhãn của ông Lắm đã thu hoạch đợt trái thứ 2. Vụ vừa qua, thương lái thu mua tại vườn từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi vụ thu hoạch 3-4 tấn trái.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân Vĩnh Hòa

“Giống nhãn xuồng cơm vàng có ưu điểm là trái to, thịt giòn, vị ngọt thanh, cây khỏe, ít bị sâu bệnh. Cây có tuổi thọ hơn 30 năm. Nhãn xuồng mỗi năm cho thu hoạch trái một lần. Để tăng thêm thu nhập, tôi đã trồng xen giống chuối xiêm lùn và các loại hoa màu ngắn ngày, như: Bầu, bí, cà... Bên cạnh, tôi còn đào mương thả nuôi thêm cá lóc, cá mè vinh để lấy ngắn nuôi dài. Nhờ đó, tôi thu về lợi nhuận từ 90 - 120 triệu đồng/năm từ khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ngoài ra, để chăm sóc tốt cho vườn nhãn xuồng, tôi lắp đặt thêm hệ thống tưới phun tiết kiệm. Việc này giúp nhẹ công chăm sóc, lượng nước tưới được đều, thấm vào đất nhiều nên cây tươi tốt hơn” - ông Lắm chia sẻ.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp thị trường tiêu thụ, UBND xã Vĩnh Hòa phối hợp ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn cải tạo vườn tạp, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thành lập tổ liên kết sản xuất nhằm ổn định giá và đầu ra sản phẩm. Nhờ vậy, người dân mạnh dạn cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn trái.

Điển hình như mô hình cải tạo đất vườn tạp và đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái với diện tích 1ha của anh Tô Trung Đoàn (sinh năm 1988, ngụ ấp Vĩnh Thạnh B, xã Vĩnh Hòa). Ban đầu, anh Đoàn thử nghiệm trồng 90 cây giống hồng xiêm (còn gọi là lồng mứt, Sa-pô) xen canh 40 gốc mãng cầu xiêm ghép bình bát với diện tích 0,4ha. Sau hơn 3 năm, vườn hồng xiêm bắt đầu cho trái vụ đầu tiên, trái to, vị ngọt thanh. Anh Đoàn phấn khởi khoe: Trái hồng xiêm loại 1 đạt khoảng 3 - 4 trái/kg, giá bán 35.000 - 40.000 đồng/kg; loại 2 từ 5 - 6 trái/kg, giá bán 25.000 - 30.000 đồng/kg. Đặc tính của cây hồng xiêm là cho trái quanh năm, mỗi lần thu hoạch cách nhau 5 - 7 ngày, bình quân mỗi đợt từ 20 - 30kg nên nguồn thu nhập ổn định.

Bên cạnh đó, anh Đoàn còn thực hiện việc chiết cành, ươm giống. Nhờ nắm vững kỹ thuật, nên mỗi nhánh chiết bán cho khách hàng đều đạt tỷ lệ sống rất cao. Từ đó, những nông dân trên địa bàn thị xã và các khu vực lân cận liên hệ đặt mua cây giống rất nhiều. Với 80 gốc hồng xiêm 5 năm tuổi, anh Đoàn đã cung cấp trên 4.000 cây giống cho thị trường, mỗi cây bán với giá 60.000 - 80.000 đồng.

“Hiện, tôi đang thử nghiệm sử dụng phân hữu cơ, dùng phân bón bằng chế phẩm sinh học cho vườn hồng xiêm của mình. Việc sử dụng ngày càng nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật với mục đích khai thác tối đa năng suất cây trồng, đã làm cho đất ngày càng thoái hóa, mất cân bằng hệ sinh thái. Sử dụng phân hữu cơ, dùng phân bón bằng chế phẩm sinh học bảo đảm an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, tăng năng suất, chất lượng, hướng đến sản xuất sạch” - anh Đoàn cho hay.

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa Dương Tân Thành cho biết: “Vĩnh Hòa là xã thuần nông. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua, xã Vĩnh Hòa đẩy mạnh tuyên truyền để bà con nông dân mạnh dạn đưa các giống cây mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương về trồng, nhằm tăng thu nhập trên cùng diện tích sản xuất. Nhiều người đã ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm nâng lên”. 

PHƯƠNG LAN