Người dân Vĩnh Trạch giờ đây rất hài lòng khi đến bộ phận “1 cửa” của xã
Đúng như tên gọi “Nghe dân nói”, nếu có mặt vào chiều thứ 6 mỗi tuần, sẽ nhận thấy không khí sôi nổi với những bày tỏ rất chân tình của bà con với chính quyền địa phương. Xác định hình thức làm là 1 buổi đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo địa phương với Nhân dân, xã Vĩnh Trạch không đặt nặng vấn đề hình thức. Chẳng hạn như, buổi gặp gỡ đó phải báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hay tình hình thực hiện nghị quyết của địa phương như thế nào. Đơn giản chỉ là chính quyền ngồi trò chuyện 1 cách thân tình, gần gũi với dân và... nghe dân nói. Bà con ai có vấn đề bức xúc hay kiến nghị gì thì thẳng thắn góp ý ngay buổi gặp gỡ ấy, không cần phải thông qua bất cứ trung gian nào mới đến được tai lãnh đạo xã. Bởi, mỗi buổi gặp dân đều do Bí thư Đảng ủy xã làm trưởng đoàn dẫn đầu.
“Mô hình “Nghe dân nói” của địa phương được thành lập vào năm 2017 với mục đích nắm bắt tâm tư nguyện vọng và những vướng mắc của Nhân dân để kịp thời đề ra chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Đây còn là 1 trong những cách làm hay giúp tăng cường vai trò lãnh đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền địa phương. Từ đó, phát huy dân chủ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Thành phần đoàn họp dân gồm: Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam xã và các ngành, đoàn thể có liên quan theo sự phân công của Ban Thường vụ Đảng ủy xã. Mỗi buổi gần dân như thế, chúng tôi luôn đề ra tôn chỉ: “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Đây cũng là kim chỉ nam cho chúng tôi phát huy hiệu quả cao nhất của mô hình”- Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Trạch Huỳnh Ngọc Bé cho hay.
“Nghe dân nói” tức chính quyền địa phương sẽ tập trung, lắng nghe ý kiến tất cả bà con bằng tinh thần tích cực và thái độ cầu thị. Địa bàn xã Vĩnh Trạch có 7 ấp, buổi gặp gỡ giữa chính quyền và Nhân dân sẽ chia đều ở các ấp, xoay vòng theo tuần, địa điểm tại dân phòng các ấp. Trước mỗi buổi họp, bà con sẽ được phát thư mời kèm thời gian và địa điểm cụ thể. Theo đó, mỗi buổi “Nghe dân nói” có từ 30-40 người dân tham gian, thời gian từ 14 giờ - 16 giờ chiều thứ 6 hàng tuần. Tại đây, bà con có thể phát biểu các vấn đề về sự phát triển của địa phương như: kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, cũng như kiến nghị quyền lợi liên quan trực tiếp đến mình. Sau thời gian “nghe dân nói” là lúc chính quyền địa phương “nói dân hiểu”.Ở đây là nói để dân hiểu nên lãnh đạo phải đặc biệt chú ý thái độ và cách ứng xử của mình. Dựa trên những ý kiến của người dân, cán bộ có liên quan sẽ giải trình, sau đó là sự khẳng định sẽ xem xét, giải quyết vấn đề như thế nào của Bí thư Đảng ủy xã. Đặc biệt, ưu tiên những vấn đề bức xúc của dân trước.Đối với những vấn đề nằm trong Nghị quyết Đảng bộ xã, có lộ trình thực hiện lâu dài thì chính quyền sẽ nói nhẹ nhàng cho bà con hiểu. Từ đó, kêu gọi sự chung tay, đồng lòng của tất cả người dân.
Qua chia sẻ của ông Huỳnh Ngọc Bé, những việc hệ trọng, bức xúc được dân trình bày vào mỗi chiều thứ 6 sẽ được đưa vào buổi họp báo đầu tuần của lãnh đạo xã nhằm đề xuất hướng giải quyết và phân công nhiệm vụ, trách nhiệm, thời gian cụ thể cho từng cán bộ. “Đó là cách để chúng tôi đảm bảo cho phương châm “làm dân tin”. Những cán bộ được phân công giải quyết vấn đề của dân cần phải bắt tay vào thực hiện xông xáo, khó chỗ nào báo ngay chỗ đó. Chẳng hạn, khi dân kiến nghị về việc đèn chiếu sáng lộ nông thôn hay vệ sinh môi trường, an ninh trật tự... chúng tôi tranh thủ giải quyết nhanh trong 1-2 ngày để dân thấy và tin rằng chính quyền thật sự luôn cần và mong muốn lắng nghe dân” - ông Bé bày tỏ.
Thời gian đầu khi triển khai thực hiện mô hình, không ít người dân mạnh dạn bày tỏ thái độ thiếu ân cần của 1 số cán bộ “1 cửa” xã. Ngay sau đó, lãnh đạo xã đã có sự chỉnh đốn, quán triệt tư tưởng bộ phận “1 cửa”.Đến giờ, địa bàn xã không còn nghe ý kiến phiền hà của người dân về vấn đề này nữa. Anh Huỳnh Văn Mọi (sinh năm 1966, ngụ ấp Trung Bình Nhì, xã Vĩnh Trạch) thẳng thắn bộc bạch: “Theo tôi, mô hình “Nghe dân nói” của chính quyền địa phương rất thiết thực. Trước khi chưa có mô hình này, dân chúng tôi rất ngại đến gặp gỡ lãnh đạo xã ở ủy ban. Còn giờ, chúng tôi cảm nhận được lãnh đạo luôn muốn gần gũi và lắng nghe mình. Không chỉ nghe, chính quyền địa phương còn thực hiện rất dứt khoát.Từ đó, tạo được niềm tin mạnh mẽ trong lòng chúng tôi. Như khi tôi ý kiến về lắp đặt đèn đường chiếu sáng để đảm bảo an ninh trật tự về đêm, vài ngày sau là đã có ngay”.
Có thể thấy, “Nghe dân nói” là mô hình rất hiệu quả, tạo mối quan hệ gắn bó giữa chính quyền với Nhân dân.Nếu chịu lắng nghe, chính quyền như được “hiến thêm kế” từ người dân để góp phần vào việc phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN