VnSAT giúp thay đổi tư duy sản xuất

27/05/2022 - 05:53

 - Cùng với đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tập huấn cho nông dân kỹ thuật canh tác tiến bộ, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) còn giúp nông dân, hợp tác xã (HTX) chú trọng chuỗi liên kết giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm, thân thiện hơn với môi trường…

Nông dân hưởng lợi

Khi mới triển khai tại An Giang năm 2016, dự án VnSAT còn khá khiêm tốn về quy mô, bởi số người hưởng lợi trực tiếp chỉ đạt 8.120 người, diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững “3 giảm, 3 tăng” đạt 1.161ha. Tuy vậy, dự án vẫn tạo được dấu ấn lớn. Chỉ 1 năm sau (2017), số người được hưởng lợi trực tiếp tăng lên 21.992 người, diện tích áp dụng “3 giảm, 3 tăng” đạt 6.159ha, thêm 342ha áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm”, diện tích tiêu thụ theo hợp đồng đạt 1.454ha; nông dân tham gia đạt lợi nhuận cao hơn 14% so với bên ngoài. Năm 2018, dự án VnSAT được triển khai tại 5 huyện có diện tích canh tác lúa lớn (Châu Phú, Thoại Sơn, Tịnh Biên, An Phú và Tri Tôn). Năm 2021, số người được hưởng lợi trực tiếp từ dự án tăng lên 93.792 người, diện tích áp dụng “3 giảm, 3 tăng” đạt 20.969ha, “1 phải, 5 giảm” 19.850ha, diện tích áp dụng mô hình giảm phân, thuốc đạt 24.451ha, diện tích tiêu thụ theo hợp đồng tăng lên 3.842ha; nông dân tham gia đạt lợi nhuận cao hơn 26,4% so với bên ngoài.

Ban Quản lý dự án VnSAT tỉnh An Giang trao đổi với đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án VnSAT tỉnh An Giang Đoàn Ngọc Phả cho biết, 5 tháng của năm 2022, nhờ triển khai tích cực, số người được hưởng lợi trực tiếp từ dự án đạt 96.819 người (đạt 127% so mục tiêu), diện tích áp dụng “3 giảm, 3 tăng” 22.169ha (đạt 130%), “1 phải, 5 giảm” 21.107ha (đạt đến 247% so mục tiêu 8.500ha), mô hình giảm phân, thuốc có 25.010ha (đạt 147%), diện tích tiêu thụ theo hợp đồng 8.028ha (đạt 143%); nông dân tham gia đạt lợi nhuận cao hơn 26% so với bên ngoài (chưa đạt mục tiêu tăng 30%).

Từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Quản lý dự án VnSAT tỉnh đào tạo lại chương trình “1 phải, 5 giảm” cho 519 nông dân (đã được tập huấn “3 giảm, 3 tăng”), diện tích 1.135ha tại các xã trong vùng dự án. Đồng thời, tổ chức 3 lớp luân canh (75 nông dân tham gia), 2 lớp nhân lúa giống (50 nông dân), 12 lớp về sản xuất lúa VietGAP-SRP (297 nông dân). Lũy kế từ đầu dự án đến nay, đã tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” cho 7.535 nông dân/11.521ha, “1 phải, 5 giảm” cho 15.193 nông dân/25.242ha, kỹ thuật luân canh cho 1.712 nông dân/1.884ha, tận dụng sản phẩm phụ cho 1.051 nông dân/1.152ha, nhân giống cho 653 nông dân/712ha, VietGAP-SRP cho 297 nông dân.

Nghiên cứu nhân rộng

Ông Đoàn Ngọc Phả cho biết, đến nay, có 5 tiểu dự án đợt 1 và 7 tiểu dự án đợt 2 đã bàn giao cho tổ chức nông dân (tổ hợp tác, HTX) và chính quyền địa phương đưa vào sử dụng. Đối với 10 tiểu dự án được duyệt với tổng kinh phí 147,3 tỷ đồng (giai đoạn đầu tư công), Ban Quản lý dự án VnSAT tỉnh ký hợp đồng 11/11 gói thầu, tiến độ trung bình đạt khoảng 71% (có 3 gói đạt 100% tiến độ, 8 gói còn lại hoàn thành trước 30/6/2022). Các tiểu dự án thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất lúa gạo cho các khu vực trọng điểm, như: Xã Núi Voi, An Hảo, Tân Lợi (huyện Tịnh Biên); xã Quốc Thái (huyện An Phú); xã Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú); xã Mỹ Phú Đông (huyện Thoại Sơn); xã Tà Đảnh, Tân Tuyến, Lương An Trà, Vĩnh Phước (huyện Tri Tôn).

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân, HTX tham gia, Ban Quản lý dự án VnSAT tỉnh còn tọa đàm về kỹ thuật nông nghiệp, đăng tải trên trang web của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát trên YouTube; tổ chức 14 cuộc hội thảo truyền thông với 616 nông dân tham dự tại các huyện dự án (lũy kế đến nay, đã tổ chức 64 cuộc với 3.556 nông dân). Tính từ đầu dự án đến ngày 23/5/2022, tỉnh giải ngân hơn 227 tỷ đồng, đạt 76,2% so kế hoạch (298,5 tỷ đồng). Ban Quản lý dự án VnSAT tỉnh đang đẩy mạnh kiểm tra, đôn đốc để đến cuối tháng 5/2022 hoàn thành các gói thầu xây lắp, cuối tháng 6/2022 giải ngân vốn xây lắp đạt 100%.

5 năm qua, việc triển khai dự án VnSAT trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả rất cao. Dự án giúp nông dân trồng lúa thêm nhiều kiến thức tiến bộ về kỹ thuật canh tác. Trong khi đó, tổ hợp tác, HTX trong vùng dự án còn được hỗ trợ tối đa về cơ sở hạ tầng, trang bị máy móc nông nghiệp, giúp tăng năng suất, chất lượng, lợi nhuận.

“Thông qua dự án VnSAT, ngành nông nghiệp An Giang lồng ghép triển khai được chuỗi liên kết giá trị, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng đảm bảo thu nhập, lợi nhuận cho nông dân, bảo vệ môi trường, giúp nông dân ứng phó tốt với thị trường nhiều biến động. Tuy nhiên, diện tích triển khai dự án vẫn còn khiêm tốn so với diện tích canh tác lúa ở An Giang (tổng diện tích canh tác lúa 3 vụ mỗi năm hơn 630.000ha). Nếu được tiếp tục hỗ trợ triển khai dự án VnSAT, tỉnh sẽ đối ứng kinh phí để nhân rộng cho nông dân trong thời gian tới” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm nhấn mạnh.

Theo đánh giá của đoàn công tác Ngân hàng Thế giới (WB), An Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL có diện sản xuất lúa gạo lớn, đã triển khai dự án VnSAT đạt kết quả tốt. WB đang nghiên cứu thêm mô hình canh tác cân bằng các-bon (chỉ số các-bon bằng 0), xây dựng mô hình điểm về sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường.

NGÔ CHUẨN