Quốc hội thảo luận tại hội trường, ngày 13-6. Ảnh: Quochoi.vn
Dành trọn một ngày cuối tuần, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận sôi nổi tại hội trường, cho ý kiến về Tờ trình số 290/TTr-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế.
Theo đánh giá của Chính phủ, đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nền kinh tế toàn cầu và nhiều quốc gia, đối tác lớn của chúng ta rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng cho nên dịch bệnh tác động mạnh đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội (KT-XH), ảnh hưởng tâm lý và đời sống nhân dân. Trong đó, nhiều chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, đầu tư bị gián đoạn; các hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ. Nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô. Qua số liệu báo cáo cho thấy, GDP quý I-2020 chỉ tăng 3,82%, là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây.
Ðồng tình và chia sẻ trước những nội dung phát biểu của nhiều đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam và các thành viên Chính phủ đều nhận định: Ðến thời điểm hiện nay và thời gian tới, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới. Dự báo sự tác động tiêu cực, khó lường của dịch bệnh đến các mặt của đời sống KT-XH còn kéo dài. Yêu cầu cấp thiết hiện nay được Chính phủ, các bộ, ngành đưa ra là vừa phải tập trung phòng, chống dịch, vừa phải có các chính sách, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm tác động của dịch bệnh, vượt qua khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận thấu đáo, nắm bắt thời cơ, xu thế phát triển của các nước trên thế giới, trong khu vực.
Ðề xuất, kiến nghị với Chính phủ, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về tình trạng nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, thua lỗ, nợ nần tăng cao sau dịch, hệ lụy là lực lượng lao động mất việc làm, thất nghiệp, nguồn thu của quốc gia giảm sút, làm tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng... Ðại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, để có sự đồng nhất, tạo đà bứt phá, đưa nền kinh tế phát triển bền vững, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ cũng cần có chủ trương “không để tỉnh nào ở lại phía sau”. Ðại biểu nêu thực tế, các địa phương sẵn có tiềm năng phát triển kinh tế sẽ dễ thu hút vốn đầu tư. Trong khi một số tỉnh đã khó khăn lại khó khăn hơn trong thu hút vốn, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bởi xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ, tốc độ phát triển chậm, nằm xa các vùng kinh tế trọng điểm, điều kiện thời tiết, khí hậu lại khắc nghiệt… Ðại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) và nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng trước tình hình biến đổi khí hậu trong năm 2020. Xâm nhập mặn năm nay đến sớm, bất thường và kéo dài khiến sáu tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng phải công bố tình trạng hạn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43 nghìn ha lúa, 80 nghìn hộ thiếu nước sinh hoạt. Không chỉ đồng bằng sông Cửu Long mà các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ cũng gánh chịu hạn hán rất nặng nề. Tình trạng thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt diễn ra ngày càng khốc liệt…
Trước những vấn đề bức xúc nêu trên, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần có sự quan tâm điều chỉnh định hướng thu hút đầu tư tại các tỉnh còn khó khăn, tạo điều kiện, cơ hội cho phát triển KT-XH. Ðối với diễn biến khí hậu cực đoan ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền về đề án an ninh nguồn nước nhằm bảo đảm phát triển bền vững. Ðây là đề án rất quan trọng, cần đặt ngang tầm với các đề án an ninh lương thực quốc gia và an ninh năng lượng.
Các đại biểu: Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), Hoàng Ðức Thắng (Quảng Trị) và một số đại biểu khác đề nghị tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả cải cách tư pháp, nhất là trong bối cảnh tình hình mới để thúc đẩy KT-XH, tận dụng cơ hội trước sự thay đổi chính sách của các nước lớn, nền kinh tế lớn và việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA... Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, EVFTA thúc đẩy thương mại, đầu tư và tạo chuỗi cung ứng mới. Nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Các cam kết rộng và sâu về đầu tư của hiệp định sẽ giúp nước ta tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh, cũng như thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam trong thời gian tới…
Đến nay, tình cảm và sự khâm phục của cộng đồng quốc tế dành cho chúng ta trong cuộc chiến chống dịch, đã góp phần giúp Việt Nam làm nên một hình ảnh, một thương hiệu an toàn, thân thiện, nghĩa tình và hấp dẫn. Ðiều đó có được từ cội nguồn sức mạnh bản sắc văn hóa, từ nền tảng giáo dục và y tế vững chắc, giàu tính nhân đạo. Trong đó, dân tộc Việt Nam có sức mạnh to lớn về bản sắc văn hóa. Văn hóa không chỉ là sức mạnh mềm, mà còn là nguồn lực vật chất lớn lao để phát triển KT-XH. Khai thác và phát huy có hiệu quả tài nguyên vô giá này không chỉ giúp dân tộc Việt Nam trường tồn, mà còn giúp đất nước ta phát triển mạnh mẽ, không tụt hậu trong khu vực và trên thế giới…
Theo VĂN CHÚC (Báo Nhân Dân)