Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30-12-2021. Ảnh: THX-TTXVN
Theo ông Mahamud, dù Omicron có thể né tránh hệ miễn dịch và nhiễm vào cơ thể trong khi mức độ phòng lây nhiễm của các loại vaccine không giống nhau, nhưng đến nay tất cả các vaccine đều giúp tránh nguy cơ tử vong. Ông nói thêm hai loại vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng rộng rãi tại Trung Quốc của hãng Sinopharm và Sinovac đều có thể hiệu quả nói trên, dù lượng kháng thể giảm.
Đánh giá trên được đưa ra vài ngày sau khi một số nghiên cứu sơ bộ trong phòng thí nghiệm cho rằng 3 mũi vaccine của Sinovac không sinh đủ kháng thể để phòng lây nhiễm biến thể mới. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu của trường Đại học Yale, Bộ Y tế CH Dominica và nhiều tổ chức khác đã kết luận rằng hai mũi vaccine của Sinovac và một mũi vaccine của Pfizer không đủ để ngăn nguy cơ lây nhiễm Omicron.
Theo giới phân tích, cơ thể người có nhiều tầng miễn dịch khác nhau và khi các kháng thể không ngăn chặn được sự lây nhiễm, thì tế bào T - một loại tế bào bạch cầu có thể tấn công tế bào nhiễm bệnh - sẽ tạo một tầng bảo vệ mới. Những gì chúng ta vẫn hiểu đến nay là phản ứng của tế bào T giúp bảo vệ khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong.
Các nghiên cứu khác ở Nam Phi và Hà Lan đã phát hiện rằng các tế bào T vẫn có khả năng chống lại Omicron ở cả những người đã tiêm vaccine công nghệ mRNA và công nghệ vector virus.
Trong một tài liệu công bố trên tạp chí Viruses, các nhà nghiên cứu ở Đại học Khoa học và công nghệ Hong Kong (Trung Quốc) và đại học Melbourne (Australia) cũng phát hiện rằng tế bào T ở các bệnh nhân COVID-19 đã bình phục hoặc những người đã tiêm vaccine có thể nhận dạng một loạt protein của virus. Các nhà nghiên cứu cho rằng tế bào T vẫn hiệu quả trong việc tạo phản ứng miễn dịch chống Omicron, hoặc một số biến thể khác, và giúp ngăn bệnh trở nặng.
Ông Mahamud cho biết nhiều nghiên cứu khác cũng đã chứng tỏ rằng Omicron nhiễm vào hệ hô hấp trên, không giống các biến thể khác gây bệnh nặng ở phổi. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm để xác nhận kết quả này.
Thực tế cho thấy số ca nhiễm đã tăng trên khắp thế giới kể từ khi Omicron được xác nhận tháng 11-2021, nhưng số ca nhập viện và tử vong dường như thấp hơn so với cùng giai đoạn này trong các làn sóng trước. Ông Mahamud rằng còn quá sớm để khẳng định có cần một vaccine đặc trị Omicron hay không, nhưng cách tiếp cận tốt nhất nhằm giảm tác động của biến thể này là đạt mục tiêu tiêm phòng của WHO cho 70% dân số từng nước trước tháng 7-2022, thay vì triển khai tiêm mũi thứ 3 và thứ 4 ở một số nước.
Theo BÍCH LIÊN (Báo Tin Tức)