Khen thưởng tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở xã Vĩnh Chánh
Năm 2010, khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xuất phát điểm của xã Vĩnh Chánh rất thấp (chỉ đạt 8/19 tiêu chí). Nhưng với quyết tâm cao, xã Vĩnh Chánh đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã NTM năm 2018, sớm hơn lộ trình 2 năm.
Xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước nhằm xây dựng nông thôn ngày càng đổi mới và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Vậy nên, xã Vĩnh Chánh xác định rõ xây dựng NTM nâng cao là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về thực hiện bộ tiêu chí NTM nâng cao cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và mỗi người dân.
Đặc biệt là tuyên truyền cho mỗi người dân nhận thức rõ vai trò chủ thể, hiểu được lợi ích và trách nhiệm của mình trong xây dựng NTM nâng cao. Nhờ vậy, những chủ trương của địa phương khi được ban hành đều được nhân dân đồng tình ủng hộ, đóng góp công sức, vật chất thực hiện.
Diện tích tự nhiên trên địa bàn xã Vĩnh Chánh 3.824ha, chiếm tỷ lệ 8,16% so với diện tích tự nhiên toàn huyện Thoại Sơn. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp 3.267ha. Xã xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập người dân là một trong những mục tiêu phải đạt được trong xây dựng NTM nâng cao. Những năm qua, xã đã tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cụ thể, năm 2021 đã vận động người dân chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu 127ha, chuyển trồng cây ăn trái 20,77ha, nuôi trồng thủy sản đạt trên 80ha. Trong 3 năm, có 5 mô hình ứng dụng công nghệ cao được triển khai, với số tiền hỗ trợ thực hiện 2 mô hình từ ngân sách Trung ương là 100 triệu đồng (nhãn ido và xoài cát Hòa Lộc ở ấp Tây Bình C).
Với nhiều cách làm mang tính đột phá, như: Vận động nhân dân chuyển đổi mô hình sản xuất từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, vườn sinh thái, trồng màu, nuôi trồng thủy sản; tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển cơ sở sản xuất - kinh doanh...
Đến nay, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,56%; kết cấu hạ tầng, cầu đường giao thông được xây dựng, lộ nông thôn tiếp tục được mở rộng phục vụ tốt cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa; bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt trên 62 triệu đồng/người/năm.
Đảng ủy, UBND xã luôn quan tâm giúp đỡ người nghèo từ chính sách an sinh xã hội và nguồn vận động tại địa phương. Ba năm qua, địa phương đã cất 25 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, duy trì hỗ trợ vốn trồng trọt, chăn nuôi, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động.
Bên cạnh việc cụ thể hóa nhiều chính sách hướng tới hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, địa phương đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên cho công tác giảm nghèo tiến tới giảm nghèo bền vững như cho hộ nghèo, cận nghèo, học sinh sinh viên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Trong 3 năm, đã giải ngân số tiền gần 11,7 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn liên tục giảm qua các năm. Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo 3,29%, đến cuối năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 13/2.329 hộ (chiếm 0,56%).
Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền xã Vĩnh Chánh tập trung lãnh, chỉ đạo, phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong tổ chức, triển khai xây dựng NTM. Xã Vĩnh Chánh sẽ lựa chọn lĩnh vực nổi bật nhất (tổ chức sản suất, giáo dục, văn hóa, môi trường, y tế, an ninh trật tự, hành chính công....) để phấn đấu đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung chỉ đạo, củng cố và nâng chất các tiêu chí đã đạt nhưng thiếu bền vững, như: Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, nâng cao thu nhập, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, giảm hộ nghèo, cận nghèo, giữ gìn an ninh trật tự xã hội…
Cùng với đó, quan tâm hỗ trợ, đẩy mạnh liên kết sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, xây dựng liên kết chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của địa phương, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đặc biệt phát triển các sản phầm tiềm năng, sản phẩm làng nghề để đánh giá, phân hạng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Đồng thời, duy trì và phát triển làng nghề, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
PHƯƠNG LAN