Xu hướng lập vườn kết hợp kinh doanh dịch vụ

05/11/2020 - 05:27

 - Tận dụng không gian vườn cây ăn trái để kết hợp phục vụ một số dịch vụ đơn giản như: ăn uống, giải khát là cách làm được nhiều nông dân ở huyện Phú Tân (An Giang) học hỏi nhau thực hiện. Nhờ cách làm này, các mặt hàng nông sản có đầu ra thuận lợi, mang đến nguồn thu nhập đáng kể cho các nông hộ.

Theo nghề mua bán hải sản nhiều năm, anh Châu Thanh Bình (xã Phú Thạnh) tích lũy một ít vốn, anh quyết định mua mảnh vườn tạp 3.200m2 gần nhà và tiến hành cải tạo thành quán ăn sinh thái. Nhìn không gian hiện nay với những tum nhà mát mẻ, lối đi phủ hoa lá đầy màu sắc, không ai nghĩ trước đó chỉ là khu đất bỏ hoang.

Anh Bình giãi bày: “Đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm, tôi quan sát cách làm của người ta và quyết định làm theo. Sẵn trong vườn có hầm nuôi cá liền nghĩ ra ý tưởng cất tum xung quanh, “phủ” thêm cây xanh tạo bóng mát, nguồn nào có thu trước thì bù đắp cho số còn lại, làm từng bước 3 năm nay hoàn chỉnh quán sinh thái”.

Anh Bình cho biết, anh đã bỏ số vốn vào quán sinh thái này khoảng 100 triệu đồng để cải tạo lại tất cả: san lấp mặt bằng, bê-tông lối đi, thiết kế ao cá, trang trí… Đặc biệt, anh trồng rất nhiều loại cây ăn trái như: xoài, dừa, cóc, mãng cầu, đu đủ, các loại rau xanh, tận dụng triệt để đất trồng để có nguồn thu, đồng thời có thể phục vụ nhu cầu của khách hàng. Trong đó, xoài đã cho thu hoạch trái nhiều vụ, kế đến là dừa.

Anh Bình duy trì việc mua bán hải sản kết hợp mở quán ăn dịch vụ, nhờ vậy luôn có nguồn thực phẩm tươi ngon phục vụ thực khách hàng ngày, cao điểm ngày lễ, cuối tuần khách đến rất đông, giúp gia đình tăng thu nhập gấp nhiều lần so trước đây.

Cũng với cách làm này, ở xã Phú Hưng, vườn dâu tằm Ngọc Thái không chỉ thành công khi phát triển kinh tế mà đã khẳng định được thương hiệu với các sản phẩm chế biến từ dâu tằm và hoa Atiso đỏ. Chị Nguyễn Thị Thảo (chủ vườn dâu tằm Ngọc Thái) cho biết, từ 3 công đất ban đầu, nay gia đình đã mở rộng ra 1ha trồng xen canh dâu tằm và Atiso đỏ chế biến siro, nước cốt, mứt, rượu, bán trái tươi, trái sấy dẻo...

Ngoài tuân thủ biện pháp trồng an toàn không sử dụng phân bón, thuốc hóa học, vườn dâu tằm của chị Thảo còn được hỗ trợ đầu tư thêm công nghệ phun tưới. Ngoài ra, gia đình còn đầu tư một số máy móc, công nghệ để chế biến sản phẩm, đóng gói đảm bảo về tính thẩm mỹ, chất lượng, an toàn sản phẩm.

Khách đến vườn dâu được trực tiếp hái trái, xung quanh còn có bàn ghế, các tum, sân bóng chuyền, bóng đá… rất phù hợp với đối tượng là học sinh và bạn bè theo nhóm. Hay ở khu vui chơi giải trí Mỹ Tân (xã Hiệp Xương) với hoạt động phục vụ là bóng đá mi-ni, bóng chuyền, nhà hơi, hồ tắm, ngựa đu quay, xe lửa điện. Không gian vườn là đu đủ, ổi và nhiều loại cây ăn trái, rau màu, dưới ao trồng ấu… tất cả để phục vụ tại chỗ cho khách hàng.

Ở xã Hiệp Xương, khởi nghiệp với cây cà na bản địa, chị Phan Thị Uôl hoạch định hướng đi thu trái để chế biến thành các món ăn dân dã quen thuộc như: làm mứt, ngâm đường, trộn chua ngọt, làm rượu và cải tạo không gian vườn đón khách vào tham quan.

Vườn sinh thái ở xã Phú Lâm có cà na thái, hồng xiêm, bưởi, chanh... là những loại cây trồng mới được chủ thu hoạch bán trái và cho khách vào tham quan thưởng thức tại chỗ. Vườn dâu tằm kết hợp dừa xiêm lùn ở Phú Xuân phục vụ các món nước giải khát chế biến từ dâu, là điểm đến được học sinh yêu thích dịp cuối tuần…

Nhiều nơi khác, khi nông dân chuyển đổi đất lúa, vườn tạp sang trồng cây ăn trái, xu hướng mở vườn dần nhân rộng. So với những mô hình từng có trước đây chỉ trồng 1 loại trái cây rồi tận dụng không gian để mở quán như: táo, ổi, mận… thì nay nông dân đã đầu tư đa dạng, tuyển chọn cây trồng chất lượng hơn, kết hợp phát triển chính sản phẩm của mình đang có.

Nông dân ở đây cho biết, cách làm này không chỉ tăng thu nhập mà còn chủ động được đầu ra của nông sản chủ lực thêm giá trị. Thông qua việc chế biến trái cây thành món ăn, giải khát, bà con sẽ nhẹ lo nếu vụ mùa không được giá, “dội chợ”, bảo quản được lâu.

Việc kết hợp các dịch vụ khác đi kèm còn tạo điều kiện cho người dân giải trí, đặc biệt là trẻ em có điểm vui chơi lành mạnh, được chính quyền địa phương khuyến khích mở rộng.

MỸ HẠNH