Xúc tiến thị trường cho các sản phẩm chủ lực

09/07/2019 - 07:48

 - Mặc dù kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 vượt kịch bản đề ra nhưng diễn biến thị trường vẫn đan xen nhiều thách thức. Để đạt mục tiêu xuất khẩu cả năm 890 triệu USD, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn về thị trường.

Xuất khẩu khả quan

Giám đốc Sở Công thương Võ Nguyên Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt gần 433 triệu USD, tăng 13% so cùng kỳ 2018, vượt 11% so kịch bản tăng trưởng năm 2019 (kịch bản đề ra 390 triệu USD). Tuy nhiên, so chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2019 (890 triệu USD) thì xuất khẩu 6 tháng mới đạt 44%.

Mặc dù tình hình tiêu thụ lúa nguyên liệu từ sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gạo 6 tháng vẫn đạt 252.000 tấn, tương đương 128,5 triệu USD, tăng 19% về lượng và gần 20% về kim ngạch so cùng kỳ. Gạo An Giang xuất khẩu qua 39 nước, nhiều nhất là 13 nước Châu Á (chiếm 79,5% trong tổng lượng xuất khẩu trực tiếp), kế đến là 11 nước Châu Phi (chiếm 16,2%), tỷ trọng còn lại xuất qua 7 nước Châu Âu, 4 nước Châu Mỹ và 4 nước Châu Đại Dương. Tính riêng từng quốc gia, Trung Quốc là thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất với 65.665 tấn (chiếm hơn 32% tổng lượng xuất khẩu trực tiếp, tăng 13,58% so cùng kỳ), tiếp theo là Malaysia (31.610 tấn, chiếm 15,41%, tăng 13,96%), Philippines (29.173 tấn, chiếm 14,22%, tăng 12,82%)… “Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đạt 509,92 USD/tấn, tăng 1,64% so cùng kỳ. Cơ cấu gạo xuất khẩu đang có sự chuyển dịch từ gạo cấp thấp sang gạo cao cấp, gạo chất lượng cao, thể hiện người nông dân và doanh nghiệp (DN) ngày càng tập trung sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường xuất khẩu, quan tâm đến chất lượng hơn là sản lượng” - ông Nam đánh giá.

Đối với mặt hàng chủ lực khác là thủy sản đông lạnh (chủ yếu là cá tra), xuất khẩu 6 tháng cũng khả quan khi đạt 60.000 tấn, tương đương 144 triệu USD, tăng 5,69% về lượng và 6,69% về kim ngạch so cùng kỳ. Trong 78 quốc gia nhập khẩu, Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 8.981 tấn (chiếm 15,62% tổng lượng xuất khẩu trực tiếp), kế đến là Mexico (5.799 tấn, chiếm 10,09%)… giá xuất khẩu bình quân đạt 2.400 USD/tấn, tăng 1,31% so cùng kỳ.

Triển vọng thị trường Mexico

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm vượt 17% so kịch bản tăng trưởng (đạt 128,5 triệu USD so 110 triệu USD của kịch bản), đạt 54% so kế hoạch năm 2019 nhưng dự báo những tháng tới, thị trường giao dịch sẽ chậm lại, giá xuất khẩu có thể giảm. Tuy nhiên, nhờ có thêm nhiều DN tham gia vào thị trường xuất khẩu nên dự ước kim ngạch xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm sẽ duy trì ổn định, có khả năng đạt kế hoạch năm 2019 (xuất khẩu gạo 240 triệu USD). “Từ đầu năm đến nay, có 4 DN được cấp phép đủ điều kiện xuất khẩu gạo, 2 DN đang hoàn thiện hồ sơ để trình cấp phép sau khi được Sở Công thương hướng dẫn” - ông Võ Nguyên Nam thông tin.

Để xúc tiến mặt hàng gạo xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, Sở Công thương đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thành công Hội nghị kết nối tiêu thụ lương thực giữa DN tỉnh An Giang và DN Trung Quốc năm 2019. Theo đó, có 18 DN nhập khẩu gạo, 2 thành viên của đoàn Hiệp hội Lương thực Trung Quốc tham gia hội nghị, thực hiện ký kết 5 biên bản hợp tác kinh doanh với tổng lượng gạo dự kiến trao đổi hợp tác trên 80.000 tấn/năm.

Đối với mặt hàng cá tra, Giám đốc Sở Công thương cho rằng, với nhu cầu tăng của thị trường, việc tồn kho dự kiến sẽ giảm lại, xuất khẩu kỳ vọng giữ xu hướng ổn định và có sự tăng trưởng nhẹ. Dự ước kim ngạch xuất khẩu thủy sản đông lạnh đạt 300 triệu USD năm 2019, đạt 100% kế hoạch đề ra. Cùng với sự gia tăng nhu cầu của thị trường Châu Á như: Thái Lan, Maylaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì Mexico đang nổi lên như một thị trường đầy tiềm năng đối với ngành hàng cá tra. 6 tháng đầu năm 2019, đất nước này chỉ đứng sau Trung Quốc về tổng lượng xuất khẩu trực tiếp cá tra đông lạnh từ các DN An Giang. Mexico được biết đến là thị trường dễ tính với dân số đông, sức tiêu thụ mạnh, yếu tố về giá mang tính quyết định. Mexico và Việt Nam cùng tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Quốc gia này cam kết xóa bỏ 77% dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 (kể từ khi CPTPP có hiệu lực). Theo đó, hàng năm Mexico sẽ nhập khẩu khoảng 351 triệu USD cá đông lạnh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Ông Nam cho biết, thực hiện chiến lược xuất, nhập khẩu năm 2019, Sở Công thương sẽ kết nối, đăng ký làm việc với Tham tán thương mại của nước ngoài để xúc tiến thị trường. Đồng thời, sẽ đăng ký làm việc với Tổng lãnh sự quán Mexico tại TP. Hồ Chí Minh nhằm tận dụng thị trường rộng lớn, nhiều triển vọng tăng trưởng này.

NGÔ CHUẨN