Tràng An là khu du lịch sinh thái nằm trong quần thể di sản thế giới Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình. Cách trung tâm Hà Nội gần 100km về phía Nam, Tràng An rất tiện cho du khách tham quan bằng các tour du lịch trong ngày, đặc biệt là khách nước ngoài. Tham gia tour hôm ấy, chỉ có 3-4 người Việt, gần 20 người còn lại từ đủ mọi quốc gia, độ tuổi. Thế nhưng, mọi sự khác biệt dường như bị xóa nhòa, khi chúng tôi cùng nhau trải nghiệm vùng đất xinh đẹp này. Kimmese Trần, hướng dẫn viên của chúng tôi nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng, “hãy tận hưởng Tràng An”, bởi nơi đây được ví như “Hạ Long trên cạn”.
Một góc Tràng An
Dưới cái nắng nóng, Tràng An hiện ra xanh mướt mắt, ấn tượng như tranh thủy mặc. Cứ 4-5 du khách sẽ được sắp xếp ngồi cùng một chiếc đò, bắt đầu hành trình xuôi dòng sông. Suốt 2 giờ, chiếc đò nhỏ chở chúng tôi đi dọc theo những ngọn núi, hang động kỳ bí, phủ đầy màu xanh của nước, của trời, của cây cối. Trừ tiếng mái chèo khẽ khua, tiếng bấm máy ảnh tí tách, tiếng trầm trồ nho nhỏ của du khách, chiếc đò nhẹ nhàng lướt trên nhánh sông Sào Khê, thanh tĩnh đến lạ. Bác chèo đò Hà Văn Hợi gần 60 tuổi, tay chèo có phần nặng nề vì nắng gắt, nhưng vẫn rất vui vẻ làm hướng dẫn viên cho chúng tôi: “Tràng An có nhiều di tích linh thiêng và những hệ động, thực vật phong phú, quý hiếm. Mỗi hang động có vẻ đẹp và độ dài ngắn khác nhau. Các tuyến đò được sắp xếp lộ trình khác nhau, tùy theo lựa chọn của khách, với các điểm đến như: đền Trình, đền Trần, Phủ Khống, đền Thánh Cao Sơn, hành cung Vũ Lâm, phim trường Kong, hang Đột, đền suối Tiên… Mất từ 2-3 giờ đồng hồ kể từ lúc xuất phát đến khi quay trở lại, nhưng chuyến đi rất thú vị, khách khen ngợi không ngớt, khiến chúng tôi rất tự hào. Đặc biệt, nước ở đây rất sạch sẽ, được kiểm nghiệm kỹ lưỡng liên tục, mọi người cứ nghịch nước thoải mái”.
Xuôi dòng Tràng An, đò nối đuôi nhau, nơi nào cũng thấp thoáng màu vàng sáng của áo phao (du khách phải mặc theo quy định). Chúng tôi cảm nhận khung cảnh tuyệt đẹp, không gian mát lành nhờ đôi bàn tay mẹ thiên nhiên ban tặng cho con người. Nhưng Tràng An không chỉ đẹp nhờ vậy, mà còn được vun đắp bằng trái tim chan đầy tình yêu quê hương của những người dân chân chất, lam lũ, đặc biệt là 2.000 chủ đò trên dòng sông. Suốt chuyến đi, bác Hợi kể chúng tôi nghe cuộc đời làm nông vất vả, cho đến hơn 1 thập kỷ gắn bó với mái chèo. “Trước đây, chúng tôi chỉ biết làm ruộng rẫy, nào biết nghề gì khác. Kể từ khi nơi đây được khai thác phục vụ du lịch, mỗi hộ dân của xã Trường Yên và Ninh Xuân được tham gia 1 chiếc đò, cứ tính xoay vòng từ 1 đến 2.000 rồi quay lại. Hôm nào trời nắng gắt tôi sẽ chèo, hôm nào mát thì nhường cho vợ. Mỗi chuyến, chúng tôi được trả công 200.000 đồng, cộng với tiền “cho thêm” của du khách, cũng tạm đủ sống. Chúng tôi rất yêu thích công việc này. Cảnh đẹp của quê hương mình càng được nhiều du khách khắp thế giới biết đến, chúng tôi càng có thêm thu nhập, càng cảm thấy tự hào vì mình là người dân nơi đây. Không ai bảo ai, những người chèo đò chúng tôi đều tự ý thức bảo vệ môi trường, bằng cách vớt từng mảnh rác, rong rêu trên dòng sông, hướng dẫn du khách thực hiện các quy định của khu danh thắng. Người hôm nay biết giữ gìn thì mới có thể lưu truyền di sản trọn vẹn lại cho người đời sau” - bác Hợi mỉm cười, ánh mắt lấp lánh trong ráng chiều. Chuyến vượt sông của chúng tôi được chia nhỏ bằng những giây phút nghỉ ngơi ngắn của người chèo đò. Họ quây quần các đò lại cạnh nhau, trêu chọc nhau, trò chuyện rôm rả để xua đi oi bức. Những giọt mồ hôi lặng lẽ rơi, nhưng nhanh chóng khô đi trong cơn gió hiu hiu của Tràng An.
Rồi bác Hợi cho đò cập bến để khách lên phim trường “Kong: đảo Đầu lâu”. Phim trường khoảng 10ha, được bố trí hàng chục người đóng vai thổ dân, “sinh sống” trong các túp lều chóp nhọn, bày trí đủ mọi vật liệu sinh hoạt, vũ khí bằng tre, nứa, gỗ... y hệt như trong phim. Một số mô hình như: máy bay, súng trong phim cũng được phục dựng bên cạnh các bờ suối. Đám trẻ con lẫn người lớn đều cực kỳ thích thú, cảm giác như đang “đi lạc” vào một ngôi làng thổ dân ở khu rừng núi xa xôi nào đó. Thú vị ở chỗ, tất cả “thổ dân” đều là bà con nông dân quanh vùng, từng tham gia đóng phim “Kong”, được thuê tiếp tục ở lại đảo để phục vụ du lịch. Họ vẫy tay chào trước khi chúng tôi xuống đò tiếp tục hành trình, nụ cười hiền hậu nở trên môi, bừng sáng lạ kỳ, dù gương mặt và cơ thể bị màu vẽ che khuất…
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG