Ý thức chống dịch: Biết rồi, nhưng… nói mãi!

05/10/2021 - 05:26

 - Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, ý thức của người dân được coi là “liều thuốc” cao nhất để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Bởi chỉ sự thiếu ý thức của một người có thể gây ra nguy hiểm cho những người xung quanh, thậm chí dẫn đến hậu quả khó lường.

Đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức và cảnh báo người dân về dịch bệnh COVID-19

Ngay tại những nơi đang xảy ra dịch bệnh, khi đại đa số người dân luôn nêu cao tinh thần chống dịch, biện pháp “5K” thì vẫn còn một bộ phận người dân kém ý thức. Ở vùng nông thôn, thói quen sinh hoạt, giao tiếp nhà này với nhà khác vẫn khó thay đổi, khái niệm tình làng nghĩa xóm là sự gần gũi, qua lại thăm hỏi, chia sớt từng món ăn nhỏ để thể hiện lòng thơm thảo với nhau. Tuy nhiên, ở bất kỳ nơi nào cũng vậy, dịch bệnh buộc mọi người phải điều chỉnh từ những thói quen nhỏ nhất đến việc giao tiếp với người quen, cộng đồng.

“Được thông báo, nhà nhà đều đóng kín cửa, cần thiết lắm mới ra ngoài và tốt nhất không tiếp xúc với ai. Tuy nhiên, cũng còn số ít người tranh thủ lúc ra đổ rác, mua thực phẩm và rất nhiều lý do khác để gặp mặt và “tám” chuyện qua lại. Với người lớn tuổi, con cháu đều hiểu phải bó buộc trong nhà sẽ hơi khó chịu. Và rất khó khi các cụ vẫn có nhu cầu giao tiếp với “bạn già”, xung quanh đều là bà con chòm xóm, chủ yếu góp ý nhắc nhở rồi… đâu cũng vào đó” - anh T.T. (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) chia sẻ.

Ghi nhận từ các tình nguyện viên - những người hỗ trợ lực lượng test nhanh, giúp người dân đi chợ, lại thấy thêm nhiều thực trạng chủ quan, lơ là đáng buồn. Bản thân họ vẫn lo lắng cho sự an toàn của bản thân và những người xung quanh. Nhưng trên hành trình của họ, sự thiếu hợp tác và ý thức về phòng dịch là trở ngại, gây áp lực chung cho tập thể. Một tình nguyện viên trải lòng: “Trong khu vực phong tỏa, một số nhà vẫn còn đứng với qua hàng rào để nói chuyện với nhau. Ở mỗi đợt test để tầm soát dịch bệnh, anh em không quản ngại giờ giấc, song đáp lại có người phàn nàn, tỏ ý không hợp tác. Một số người không tuân thủ giữ khoảng cách xếp hàng chờ đợi mà tụm gần nhau để bàn “chuyện thời sự”. Những nơi ngoài vùng phong tỏa, tuy được cho là an toàn hơn, nhưng dường như một số người mất cảnh giác, tạt qua nhà này nhà nọ cho đồ ăn, trẻ con sang nhà khác chơi… Người ta chỉ sợ lực lượng chức năng đi tuần tra và đóng tiền phạt, chứ chưa nhận thức hết sự nguy hiểm có thể xảy ra”.

Mỗi người dân cần ý thức tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch bệnh

Bên cạnh các biện pháp phòng, chống dịch của ngành chuyên môn, công tác tuyên truyền ở cơ sở được tăng cường tối đa để tác động người dân tự ý thức, quan tâm sức khỏe của bản thân và gia đình. Phát huy hiệu quả hiện nay là các hình thức: thông tin liên tục qua hệ thống truyền thanh, tiếng loa lưu động, băng-rôn, tờ rơi, lan tỏa trên mạng xã hội… Nguyên tắc “5K” hầu như ai cũng nắm rõ, còn tuân thủ thực hành nghiêm túc hay không là chuyện khác. Mạnh hơn nữa là áp dụng các biện pháp xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch thông qua công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Thực tế, vẫn còn một bộ phận người thiếu hợp tác, thiếu trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh, như: khai báo y tế không trung thực, không tuân thủ các cảnh báo về phòng, chống dịch, đăng tải thông tin không chính xác trên mạng xã hội, chống người thi hành công vụ… gây áp lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Những hành vi không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch rất đáng lên án, khi cả nước đang cùng chung tay phòng, chống dịch COVID-19, chỉ cần một vài người không tuân thủ đã phá hỏng hết sự cố gắng của rất nhiều lực lượng. Hơn lúc nào hết, người dân cần nâng cao tinh thần trách nhiệm để cùng làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, cũng như theo lời kêu gọi của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và chúng ta đã xác định sống thích nghi an toàn với dịch bệnh, việc chấp hành quy định chống dịch là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi tổ chức, cá nhân. Đã có nhiều văn bản được ban hành mang tính quy phạm và quy định để bắt buộc người dân phải thực hiện. Nhưng trên hết, người dân phải tự giác chấp hành để kết hợp với biện pháp của các cơ quan chức năng cũng như biện pháp y tế nhằm sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Từ thích nghi với những bất tiện không mong muốn dần dần sẽ trở thành một thói quen mới, sống lành mạnh và an toàn. Mọi người chia sẻ, gửi gắm cho nhau những cuộc hẹn, những dự định được chuẩn bị trong suốt nhiều tháng qua.

Để sẵn sàng cho một giai đoạn bình thường mới, mỗi cá nhân càng phải nêu cao ý thức, có trách nhiệm để cùng hòa nhập vào một môi trường bình thường mới sau dịch đúng nghĩa. Đó là lý do ý thức được đánh giá là một trong những “vaccine” đặc biệt, có tính quyết định để cộng đồng vượt qua khó khăn của đại dịch.

MỸ HẠNH

“Ý thức phòng dịch được đánh giá là “vaccine” quan trọng đưa cuộc sống sớm trở lại trạng thái bình thường mới”