Bảo vệ sản xuất trong lũ

10/09/2018 - 02:42

 - Lũ lên nhanh và sớm khiến những hộ sản xuất (SX) tự phát ngoài đê bao bị bất ngờ, cả ngàn ha đã bị thiệt hại vì không bảo vệ được. Tuy nhiên, lũ cũng là cơ hội để tổ chức lại SX quy củ hơn, tránh kiểu làm ăn bị động, chủ quan.

Nơm nớp với con nước

Khảo sát một vòng các khu vực xuống giống tự phát, ngoài đê bao quy hoạch 3 vụ của huyện Tri Tôn (tập trung ở các xã Lương An Trà, Vĩnh Phước, Lạc Quới, Vĩnh Gia), đoàn công tác của tỉnh không khỏi lo lắng khi thấy nhiều đoạn nước đã lé đé bờ đê. Các đoạn đê này phần lớn là mới gia cố, đất mềm, rất dễ sạt vào trước áp lực nước trên kênh Vĩnh Tế và vùng nội đồng đang lên nhanh. Cùng trên một tiểu vùng nhưng lại có nhiều ruộng lúa đang phát triển ở các giai đoạn khác nhau. Có những ruộng lúa chín vàng, có thể thu hoạch sớm chạy lũ nhưng có nhiều ruộng vẫn còn xanh, mới 50-60 ngày tuổi.

“Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, đến ngày 15-9, mực nước cao nhất ngày trên kênh Vĩnh Tế tại Xuân Tô có khả năng ở mức 3,9m, trên kênh Tri Tôn tại Tri Tôn lên mức 2,7m, chỉ còn cách 0,1m so mức báo động 3 (cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt: cấp 1). Như vậy, nước trên kênh Vĩnh Tế và nội đồng lên thêm từ 0,2-0,4m và duy trì ở mức cao. Trường hợp có mưa, bão càng nguy hiểm hơn cho 8.423ha lúa thu đông ngoài đê bao của huyện Tri Tôn. Địa phương cần huy động tối đa lực lượng, phương tiện để bảo vệ” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lữ Cẩm Khường lưu ý.

Một đoạn đê xung yếu ở Tri Tôn vừa được gia cố

Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Phan Văn Sương cho biết, đối với vụ hè thu, huyện xuống giống 42.477,4ha lúa và 1.471,9ha màu. Đến nay, màu đã thu hoạch dứt điểm, lúa đã thu hoạch cơ bản, còn khoảng 60ha ở khu vực Lâm trường Tỉnh đội (xã Tân Tuyến) đang tập trung gia cố khi mực nước còn cách đê 0,3-0,4m, lúa còn khoảng 15 ngày nữa thu hoạch. Đáng lo nhất là vụ thu đông khi trong 14.407ha đã xuống giống, có 8.423ha ngoài đê bao, tập trung nhiều nhất ở xã Lương An Trà (3.929ha), Vĩnh Gia (1.546ha), Lạc Quới (1.355ha), Vĩnh Phước (667ha), Lương Phi (650ha)… Xã Lạc Quới đã phải thu hoạch ép 431ha, Vĩnh Gia thu hoạch ép 209ha để chạy lũ. Đến nay, đã có 887ha lúa thu đông bị thiệt hại.

“Hiện nay, khu vực ngoài đê bao xung yếu cần tập trung bảo vệ là 2.070ha, gồm: 1.210ha ở xã Lương An Trà (578ha ở tiểu vùng cây Gòn và 432ha ở tiểu vùng Cà Na còn 15-20 ngày nữa thu hoạch, 200ha ở tiểu vùng Giồng Cát còn đến 40-60 ngày mới thu hoạch), 400ha ở Vĩnh Gia (bờ Bắc kênh Vĩnh Tế, lúa còn 10-20 ngày nữa thu hoạch) và 460ha ở Vĩnh Phước (còn từ 15-40 ngày nữa thu hoạch)” - ông Sương thông tin.

Cơ hội tổ chức lại sản xuất

Ông Sương cho biết, mặc dù ngành chức năng đã cảnh báo không xuống giống ngoài đê bao nhưng nhiều hộ dân (phần nhiều là thuê đất) vẫn tranh thủ xuống giống sớm vụ 3 ngoài kế hoạch theo kiểu “ăn may”, khi lũ về sớm, mưa bão nhiều rất dễ ngập úng vì không có đê. Tình hình lũ về nhanh như hiện nay, khả năng bảo vệ khu bờ Bắc kênh Vĩnh Tế rất khó khăn.

“Một số hộ dân do thuê đất canh tác nên khi lấy đất để gia cố đê thì chủ đất không cho, trong khi phần lớn diện tích ngoài đê bao có bờ đê lững nhỏ và yếu, khi nước lên cao khó bảo vệ. Do các khu vực đều bị ảnh hưởng lũ nên việc huy động các trang thiết bị cơ giới (xáng cạp, kobe) gặp khó khăn bởi phương tiện đang thi công gia cố ở những nơi khác” - ông Sương phân tích.

Lãnh đạo tỉnh và huyện khảo sát tình hình lũ ở Tri Tôn

Trước tình hình lũ lên nhanh, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tri Tôn đã tổ chức 61 cuộc họp dân để thống nhất việc đặt máy bơm chống úng, gia cố đê bao, cống bọng bảo vệ lúa. Đến nay, địa phương đã gia cố 28 tuyến đê bao với tổng chiều dài 24.531m. Tổng kinh phí thực hiện gia cố đê và bơm chống úng trên 3,7 tỷ đồng, chủ yếu do Nhân dân đóng góp, còn lại các xã thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”.

Đồng thời, huy động 623 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp dân gia cố các vùng xung yếu và các đê bao, cống bọng bị rò rỉ và có nguy cơ nước tràn qua. Đối với các khu vực ngoài đê bao (lúa từ 35-85 ngày tuổi), huyện tập trung theo dõi, vận động Nhân dân thu hoạch sớm khi chín để hạn chế thiệt hại, nhất là các vùng Vĩnh Phước, Lương An Trà…

Dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh khảo sát tình hình ứng phó lũ trên địa bàn huyện Tri Tôn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Anh Kiệt đồng ý với đề nghị tạm ứng kinh phí 2 tỷ đồng của huyện, để thực hiện gia cố các khu vực xung yếu bảo vệ lúa thu đông và hỗ trợ thiệt hại lúa, màu do mưa, bão, lũ.

“Kinh nghiệm ứng phó lũ các năm 1999-2001 cho thấy, phải có con người và phương tiện tại chỗ, đặc biệt là các loại máy móc cơ giới thì mới xử lý kịp thời, hiệu quả. Đối với diện tích xuống giống ngoài đê bao, cần vận động người dân tập trung gia cố đê bao để bảo vệ. Trên cơ sở đó, năm sau nâng cấp các tuyến đê này lên để SX an toàn trong lũ, không để tiếp diễn tình trạng SX tự phát. Đồng thời, thống nhất lại lịch thời vụ để xuống giống tập trung, đồng loạt trên cùng tiểu vùng, thuận lợi cho công tác bảo vệ lâu dài” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Anh Kiệt lưu ý.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích