Đảng trong lòng người dân biên giới An Giang - Kỳ 3: Tình quân dân như cá với nước

17/10/2019 - 14:37

 - An Giang đã tập trung xây dựng và phát triển các mô hình quần chúng nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc trên địa bàn biên giới. Nhiều mô hình hiệu quả, góp phần củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa cán bộ, nhân dân các địa phương vùng biên, củng cố quốc phòng an ninh và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển với nước bạn Campuchia. Qua đó, góp phần xây dựng vững chắc thế trận biên phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên tuyến biên giới...

Đảng trong lòng người dân biên giới An Giang Xây dựng cột mốc trong lòng nhân dân - Kỳ 3: Tình quân dân như cá với nước

Ra mắt Tổ tự quản đường biên cột mốc các gia đình có đất sát biên giới Vĩnh Xương.

Đảng trong lòng người dân biên giới An Giang Xây dựng cột mốc trong lòng nhân dân - Kỳ 3: Tình quân dân như cá với nước

Hỗ trợ nhà Đại đoàn kết cho nhân dân biên giới.

Đảng trong lòng người dân biên giới An Giang Xây dựng cột mốc trong lòng nhân dân - Kỳ 3: Tình quân dân như cá với nước

Bộ đội Biên phòng tặng quà cho học sinh nghèo học giỏi.

Đảng trong lòng người dân biên giới An Giang Xây dựng cột mốc trong lòng nhân dân - Kỳ 3: Tình quân dân như cá với nước

Bộ đội Biên phòng sát cánh cùng dân cứu để bảo vệ diện tích lúa trong mùa nước nổi.

Chung sức vì biên cương giàu mạnh

Theo UBND tỉnh An Giang, thời gian qua, bằng nhiều hình thức, các huyện biên giới phối hợp lực lượng Bộ đội Biên phòng cửa khẩu xây dựng phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, chung sức bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới khá tốt. Nhiều mô hình điểm sáng như: “Quần chúng tự quản đường biên, cột mốc biên giới bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phong trào “ Điểm sáng văn hóa biên giới”, “Thanh niên làm chủ biên giới”, “Tổ Phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới”, “Tổ nông dân tự quản đường biên-cột mốc”... đã thu hút hàng ngàn lượt hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân tham gia. Trong đó, người dân đóng vai trò hết sức quan trọng cùng với chính quyền địa phương bảo vệ an ninh biên giới quốc gia. Thông qua các phong trào tự quản, hiệu quả của công tác tuyền truyền đến quần chúng nhân dân rất tốt. Người dân nhận thức ý nghĩa của việc bảo vệ đường biên, cột mốc nên tích cực phát hiện và ngăn chặn kịp thời mọi hành vi vi phạm các quy định tại khu vực biên giới cũng như bảo vệ an toàn đường biên, cột mốc.

Để phát huy hiệu quả, phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn biên giới, các Tổ tự quản đường biên cột mốc thường xuyên phối hợp với lực lượng Đồn Biên phòng tổ chức tuần tra biên giới. Vận động chị em phụ nữ buôn bán qua lại biên giới chấp hành tốt quy chế biên giới, không đi đường tiểu ngạch, nông dân có đất sản xuất sát đường biên cột mốc quan sát, bảo quản hiện trạng đường biên, cột mốc, để thông báo kịp thời đến cơ quan chức năng khi phát hiện có những hành vi, dấu hiệu làm sai lệch đường biên, cột mốc biên giới... Nhân dân đã cung cấp cho Bộ đội Biên phòng 4.720 tin, trong đó có 1.880 tin có giá trị, góp phần giải quyết tốt các vụ việc xảy ra trên biên giới.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Nguyễn Thị Liêm cho biết: "Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Hội LHPN tỉnh phát huy hiệu quả, huy động sự tham gia của cán bộ, hội viên phụ nữ hướng về các xã biên giới trong công tác nắm tình hình địa bàn  biên giới. Trong đó, mô hình “Tổ phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc”; sánh bước cùng phụ nữ nghèo khu vực biên giới, giúp chị em vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng, sát cánh cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia".

Tình quân dân như cá với nước

Đi về vùng biên giới, dễ thấy được hình ảnh thân thương, cảm động của anh lính Biên phòng gần dân, sát dân, lắng nghe dân. Đó là hình ảnh anh lính biên phòng trầm mình dưới dòng nước cứu đê, cắt lúa giúp dân chạy lũ, lái tắc ráng đến từng nhà dân rước các cháu học sinh đến trường, cõng các cháu qua sông...

Đại tá Phạm Văn Phong, Chính ủy Bộ đội Biên phòng An Giang thông tin: "Hưởng ứng phong trào “Bộ đội Biên phòng An Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”, các đồn Biên phòng đã thực hiện 350 công trình, phần việc, tập trung giúp dân khắc phục thiên tai, lao động sản xuất; xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội;... với trên 30.500 ngày công lao động. Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, các lực lượng tham gia xây dựng 186 nhà Tình nghĩa, Tình thương, trị giá 5,6 tỷ đồng, di dời và sửa chữa 828 căn nhà, trị giá 1,2 tỷ đồng, san lấp, sửa đường giao thông nông thôn dài 25,430km... có 4.998 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Đơn vị còn phối hợp với mặt trận, chính quyền các cấp thực hiện Chương trình “Mái ấm cho người nghèo trên biên giới”, xây cất 385 căn nhà trị giá 8 tỷ đồng. Phối hợp hỗ trợ tiền quà, hiện vật cho dân nghèo biên giới đón tết hàng năm, với tổng trị giá hàng tỷ đồng. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng 4 công trình dân sinh (trạm xá quân dân y kết hợp trị giá gần 4 tỷ đồng, triển khai 4 dự án nước sạch trị giá 9 tỷ đồng phục vụ cho bộ đội và 1.000 hộ dân biên giới); khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân khu vực biên giới 689.696 lượt người (miễn phí 30.784 người), trị giá tiền thuốc trên 1,5 tỷ đồng".

Các Đồn Biên phòng phối hợp cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với xây dựng “Điểm sáng văn hóa biên giới”. Những ngày lễ, Tết truyền thống của dân tộc Campuchia, như: Lễ Ðônta, lễ Ok Om Bok, Tết Chôl Chnam Thmây, Bộ đội Biên phòng cử cán bộ, chiến sĩ thăm, chúc mừng bà con, các vị sư sãi các chùa dọc biên giới. Qua các hoạt động đó, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới, xây dựng thế trận “Biên phòng toàn dân” vững mạnh.

Đặc biệt phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới” ở An Giang đã góp phần huy động người dân khu vực vùng biên chung sức bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới, xây dựng thế trận “Quốc phòng toàn dân” vững chắc. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương có điều kiện tham gia cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng tuần tra, chăm sóc và bảo vệ, giữ gìn cột mốc biên giới. Trong quá trình sản xuất, làm ăn, người dân luôn có ý thức chú ý theo dõi, báo cáo kịp thời các hiện tượng lạ, những diễn biến phức tạp trong khu vực biên giới, kịp thời phản ánh, cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống.

Điển hình như xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu), nơi tuyến đầu biên giới An Giang, có đường biên giới dài 2,5km, tiếp giáp với xã Kaomsano, huyện Lekdek, tỉnh KanDal (Camphuchia). Những năm qua, tình hình dân tộc, tôn giáo trên địa bàn xã Vĩnh Xương cơ bản ổn định; quốc phòng an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; các tôn giáo đều hoạt động đúng theo tôn chỉ, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương…, góp phần ổn định tuyến biên giới. Đó là nhờ hiệu quả từ phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia” và Tổ tự quản đường biên, cột mốc xã Vĩnh Xương, "Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc"...

Hiện, tỉnh đã thành lập gần 30 tổ mô hình “Tổ phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc biên giới” ở 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới của tỉnh. Phần lớn các tổ này hoạt động tích cực, hiệu quả cao, góp phần cùng Bộ đội Biên phòng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và trật tự an toàn thôn, ấp. Chị Trương Thị Liêm, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Long Bình kiêm Tổ trưởng Tổ phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc ấp Tân Bình chia sẻ: "Tổ phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc ra đời góp phần trang bị cho hội viên phụ nữ ý thức về chủ quyền, an ninh biên giới, về đường biên, cột mốc”".

Tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế sông Tiền, những người lính quân hàm xanh nơi đây luôn bám sát địa bàn, bám trụ biên giới, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ từng cột mốc, đường biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, nắm bắt kịp thời các diễn biến bất thường không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ. Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Xương phối hợp Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế sông Tiền và chính quyền địa phương tích cực làm tốt công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước, quy định của địa phương; thường xuyên tuyên truyền vận động bà con tín đồ không nghe theo các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các phần tử xấu, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, tham gia vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương. Trong các buổi sinh hoạt tôn giáo, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Xương còn phối hợp Đồn Biên phòng lồng ghép các nội dung tuyên truyền về Nghị định, Hiệp định, Quy chế khu vực biên giới đất liền giữa 2 nước Việt Nam – Campuchia, các văn bản pháp luật về biên giới Quốc gia, không sang nước bạn thuê đất, khai thác thủy sản trái phép, khi qua lại làm ăn, thăm thân, du lịch…

Tại biên giới xã Vĩnh Hội Đông (An Phú), hơn 3 năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự xã đã tổ chức lực lượng đưa rước học sinh vùng ven biên giới đến trường, mỗi ngày 2 buổi, mỗi buổi 2 lượt đi về. Nhiều học sinh hoàn cảnh cha mẹ mưu sinh xa quê, nhà nghèo, Ban Chỉ huy Quân sự xã nhận về cơ quan cho ăn và nghỉ cùng với chiến sĩ.

Có thể khẳng định, việc xây dựng và phát triển các mô hình quần chúng nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc trên địa bàn biên giới có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự khu vực biên giới, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở địa phương. Qua đó, góp phần xây dựng vững chắc thế trận biên phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên tuyến biên giới. 

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU