Để học sinh tự tin chọn nghề

28/09/2018 - 07:50

 - Mạnh dạn thoát khỏi xu hướng chung, thay vì chọn những ngành, nghề “an toàn”, quen thuộc, nhiều học sinh (HS) đã tự tạo cơ hội và dấn thân với những ngành học mới. Ở một trường huyện như THPT Chu Văn An (Phú Tân), Ban Giám hiệu nhà trường đã không ngừng mở ra nhiều kênh hướng nghiệp để các em tiếp cận với ngành học "ít ai nghĩ tới".

Đơn cử như trường hợp của Loan Thảo, không ai nghĩ một cô bé nhà ở tận vùng sâu xã Hiệp Xương lại yêu thích ngành Công nghệ vũ trụ. Và, khi đậu vào Trường Đại học Bách khoa, Loan Thảo đã theo học ngành Công nghệ vũ trụ, hiện em là sinh viên năm thứ 3. Thảo là một trong số HS đã truyền cảm hứng cho đàn em sau này khi chọn nghề “khác lạ”. 5 năm gần đây, năm nào trường cũng có HS nữ chọn học nghề công nghệ ôtô. Năm tháng làm quen với môi trường mới, các em luôn giữ liên lạc và thông tin cho Ban Giám hiệu biết kết quả học tập rất tốt và sớm được doanh nghiệp mời về làm. Những lời bàn tán quen thuộc kiểu “thôi, nên chọn ngành nhẹ nhàng hơn” vẫn không lung lay được ý chí khi các em đã đặt đam mê lên trên hết.

Luôn có nhiều kênh để học sinh được tiếp cận, trải nghiệm ban đầu với ngành, nghề muốn theo đuổi học tập

Gần đây nhất là Hoàng Anh, HS học khá giỏi nhiều môn nhưng có niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật. Để theo đuổi đam mê, em duy trì sinh hoạt, rèn luyện sức khỏe và học tập kinh nghệm từ các anh, chị biên đạo múa ở Trung tâm Văn hóa. Em còn xem rất nhiều chương trình trên truyền hình, tự học múa và các kỹ năng liên quan, giao tiếp, trao đổi với sinh viên trường múa em quen biết. Ba năm học ở trường phổ thông, Hoàng Anh đảm trách dàn dựng những tiết mục múa cho trường và nhiều lần đạt giải nhất cấp huyện, tỉnh. Khi biết em chọn thi vào trường múa, ai cũng khuyên em nên xem đó là năng khiếu cho vui, nhưng cậu HS đa tài đã quyết tâm trở thành tân sinh viên Trường Múa Việt Nam với số điểm thi năng khiếu đầu vào đạt tuyệt đối.

7 năm nay, Trường THPT Chu Văn An luôn duy trì việc cho HS tham quan các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh kết hợp tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh do Báo Tuổi Trẻ tổ chức. Số lượng mỗi năm một tăng, từ đối tượng ưu tiên là HS giỏi, các năm tiếp theo trường đã bổ sung cho tất cả HS khối 12, 11 theo nguyện vọng. Sau khi nghe Bộ Giáo dục và Đào tạo phổ biến về thi cử, các em chia nhóm theo lĩnh vực để đến từng gian hàng, tiếp cận sinh viên, giảng viên trao đổi, làm bài trắc nghiệm ngắn để “đo” về năng lực, sở thích. Những lần như thế, thầy, cô khuyến khích các em tới tìm hiểu các trường nghề để có thêm những lựa chọn phù hợp với năng lực. Bên cạnh hoạt động này, các em còn chủ động tìm hiểu nhiều nguồn để tiếp cận các ngành học mới.

Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An Nguyễn Đình Phùng cho biết, Ban Giám hiệu nhà trường quan niệm, ngoài việc thay đổi chương trình, bài giảng giờ học hướng nghiệp, người hướng nghiệp tốt nhất cho HS là những người thành công. Vì vậy, vài năm gần đây, trường kết nối với cựu HS là những người thành công trong các lĩnh vực về nói chuyện cùng HS nhân dịp khai giảng, tổng kết, ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11). Mỗi buổi trò chuyện chỉ chọn nhóm HS từ 100 em trở lại để giao lưu với diễn giả. Nghe người trong cuộc truyền cảm hứng, các em biết được rõ hơn về ngành, nghề mình quan tâm. Mới đây, trường cho thực hiện thêm Tổ tư vấn vào chiều thứ 5 hàng tuần, giải đáp tất cả thắc mắc của HS, bao gồm cả chuyện tình cảm, gia đình, học tập. Qua trao đổi, vấn đề các em quan tâm nhiều nhất vẫn là nghề nghiệp. Vậy mới thấy, dù đã học hướng nghiệp trên lớp, tiếp xúc với nhiều anh, chị đi trước, thầy cô, bạn bè… nhu cầu này vẫn còn rất lớn. Thầy, cô là người giúp HS xác định đó là đam mê thật sự hay chỉ là ham muốn nhất thời và có chỉ dẫn cho các em nghiêm túc theo đuổi.

Nhờ những cách làm chủ động, tích cực và không ngừng đổi mới, tạo cảm hứng cho các em quan tâm đến chọn ngành, nghề chủ động hơn, nên những năm gần đây, Trường THPT Chu Văn An không chỉ có tỷ lệ HS đậu vào đại học, cao đẳng cao, mà số sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm đạt con số lý tưởng, với trên 90%.

MỸ HẠNH