Để quan hệ lao động hài hòa, ổn định hơn

26/11/2018 - 07:14

 - Việc làm, chế độ, ý thức kỷ luật, văn hóa doanh nghiệp, lợi ích kinh tế… là những yếu tố căn bản thường xuất hiện mâu thuẫn trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Đó cũng là những vấn đề phổ biến được doanh nghiệp và người lao động phản ánh qua đợt giám sát của đoàn liên ngành tỉnh năm 2018.

Công nhân lao động ghi ý kiến khảo sát về thực hiện các chế độ, chính sách tại đơn vị

Đoàn giám sát do Liên đoàn Lao động tỉnh làm trưởng đoàn cùng các thành viên: UBMTTQ tỉnh,Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,Bảo hiểm xã hội, Sở Y tế, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Liên đoàn Lao động huyện Châu Phú, Công đoàn các Khu công nghiệp và Ban Chính sách Pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh). 3 doanh nghiệp được giám sát là: Công ty TNHH May mặc Everwill VN (Châu Phú), Công ty TNHH Giày An Giang Samho (Khu Công nghiệp Bình Hòa) và Chi nhánh 1Công ty Cổ phần đầu tư Giày 434 (TP. Long Xuyên).Trước khi tiến hành giám sát, Tổ khảo sát đã đến từng doanh nghiệp phát phiếu khảo sát trực tiếp đến 133 công nhân lao động thuộc các doanh nghiệp trên để nắm những thông tin cần thiết về việc thực hiện các chế độ, chính sách tại đơn vị nhằm đánh giá khách quan hơn.

Phần lớn người lao động kiến nghị tổ chức Công đoàn doanh nghiệp cần có nhiều hoạt động thể thao tại cơ sở và sự chăm lo thiết thực về đời sống vật chất và tinh thần. Ngoài ra, cần cải thiện chất lượng bữa ăn ca đảm bảo chế độ dinh dưỡng. Công nhân Công ty An Giang Shamhoo kiến nghị Ban Giám đốc công ty nâng lương thích hợp cho người lao động. Vào thời gian cuối năm (tháng 10, tháng 11), người lao động hết hạn hợp đồng lao động thường không được ký lại, người lao động rất cần doanh nghiệp xem xét cho những trường hợp muốn làm việc lâu dài với công ty. Trong môi trường làm việc, lao động còn kiến nghị doanh nghiệp cần hạn chế áp lực từ người quản lý và cần xây dựng đường dây nóng, hòm thư góp ý để người lao động tham gia đóng góp ý kiến xây dựng hoạt động của công ty. Làm việc trong môi trường công nghiệp căng thẳng bởi yêu cầu năng suất, người lao động cần nhiều hơn các hoạt động vui chơi, giải trí, được chăm lo vào các dịp lễ lớn và muốn nhận nhiều ưu đãi hơn, tiếp cận mặt hàng phong phú hơn từ các chương trình ký kết giữa doanh nghiệp và Liên đoàn Lao động.

Theo đánh giá của đoàn giám sát, các doanh nghiệp đã chấp hành pháp luật lao động và Công đoàn, tạo điều kiện thuận lợi cho Công đoàn cơ sở hoạt động. Sự quan tâm, chăm lo cho người lao động đã tạo sự ổn định trong quan hệ lao động. Ngoài những quy định chung của Nhà nước, doanh nghiệp đều có chính sách hỗ trợ tăng thu nhập thêm cho người lao động như:tiền chuyên cần, tiền xăng xe, tiền thuê nhà trọ, trợ cấp nuôi con nhỏ, học bổng... Tuy nhiên, chế độ bữa ăn ca của người lao động hiện nay vẫn còn thấp so với mặt bằng giá cả thực tế tại mỗi địa phương (dao động từ 10.000 - 13.000 đồng/suất), chưa đáp ứng đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 07c/NQ-BCH của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca cho người lao động” và Công văn số 381/UBND-VX của UBND tỉnh về thực hiện chất lượng bữa ăn ca và an toàn vệ sinh thực phẩm của người lao động. Doanh nghiệp còn hạn chế về văn hóa ứng xử với người lao động, nhất là bộ phận chuyền trưởng, quản lý; ít quan tâm đến công tác phối hợp trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao. Ngược lại, doanh nghiệp cũng phản ánh những điều chưa hài lòng đối với người lao động tại đơn vị. Hầu hết doanh nghiệp cho rằng, ý thức của người lao động chưa thể hiện tốt tác phong công nghiệp, việc chấp hành nội quy, quy định của công ty còn hạn chế. Do điều kiện khách quan và chủ quan, doanh nghiệp và Công đoàn tại cơ sở chưa nắm bắt tâm tư, tình cảm, bức xúc và nguyện vọng của người lao động kịp thời.

Ghi nhận thực tế, đoàn giám sát đã có những đề xuất đối với doanh nghiệp và kiến nghị, đề xuất đối với UBND tỉnh. Trong đó, đáng lưu ý là doanh nghiệp cần ký kết hợp đồng cho người lao động; trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo đúng thời gian pháp luật quy định. Cần xây dựng lộ trình tăng đơn giá bữa ăn ca cho người lao động là 15.000 đồng/suất để nâng cao chất lượng bữa ăn ca. Đặc biệt, doanh nghiệp cần quan tâm tạo điều kiện để Công đoàn cơ sở tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động tốt hơn. Tìm điểm chung và từng bước hài hòa trong yêu cầu của doanh nghiệp và người lao động là điều kiện để môi trường làm việc ổn định, phát triển.

MỸ HẠNH