Giúp nông dân làm du lịch nông nghiệp hiệu quả

12/10/2018 - 08:14

 - Mô hình du lịch nông nghiệp (DLNN) không chỉ giúp tạo sinh kế, tăng thu nhập cho nông dân, mà còn giúp bà con gắn bó với quê hương. Do vậy, với thế mạnh NN, vùng ĐBSCL nói chung và An Giang nói riêng cần tạo ra sản phẩm NN đặc sắc, tạo nét khác biệt để thu hút khách DL. Đó là hướng phát triển mang tính bền vững, cùng chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia.

Cần sự liên kết và sản phẩm đặc thù

ĐBSCL là 1 trong 7 vùng DL trọng điểm của DL Việt Nam. Các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với sinh thái NN miệt vườn, sông nước, biển, đảo có khả năng hấp dẫn khách DL. Năm 2017, ngành DL ĐBSCL đã đón tiếp trên 20 triệu lượt khách, tăng trung bình 9%/năm. Mặc dù lượng khách đến khu vực có sự tăng trưởng nhưng lượng khách lưu trú tại khu vực rất thấp (hơn 2 triệu khách lưu trú trong tổng số 20 triệu lượt khách). Mỗi du khách đến ĐBSCL chi tiêu khoảng 22 USD/ngày, thấp hơn 75% so với mức bình quân của DL Việt Nam... Trong đó, thế mạnh của vùng là các sản phẩm DLNN chưa được đầu tư, làm mới theo hướng chuyên nghiệp, sáng tạo, các sản phẩm chủ yếu vẫn dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có nên còn đơn điệu, nghèo nàn và trùng lắp, sự kết nối giữa DL và NN với các ngành khác chưa hiệu quả…

Phát biểu tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động DLNN khu vực ĐBSCL” vừa được tổ chức hồi đầu tháng 10, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DL chia sẻ: Để nâng cao giá trị của DLNN, các địa phương trong vùng cần lựa chọn mô hình NN đặc thù, khu vực sản xuất mang đặc trưng riêng của từng địa phương trên cơ sở bảo tồn được phương thức canh tác truyền thống, kết nối với doanh nghiệp lữ hành để đưa du khách đến những nông trại, vùng nông thôn có sức hút hấp dẫn. Chú trọng công tác xúc tiến quảng bá, truyền thông về điểm đến… Gắn hoạt động DLNN với xây dựng nông thôn mới để vừa phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa góp phần bảo tồn văn hóa và giữ gìn môi trường nông thôn.

Giúp nông dân làm du lịch nông nghiệp hiệu quả

Du lịch miệt vườn sông nước luôn là điểm thu hút khách du lịch, nhất là khách nước ngoài

Thêm sự hấp dẫn trong du lịch nông nghiệp

Theo ông Phan Đình Huê (đại diện Công ty Dịch vụ DL Vòng Tròn Việt), lâu nay ĐBSCL chỉ xây dựng được một số sản phẩm DLNN đơn giản, dễ bị sao chép. Để loại hình DL này trở thành trọng điểm phải có chiến lược về phát triển sản phẩm cụ thể và có sự khác biệt. Chẳng hạn: dịch vụ lữ hành, hoạt động NN, lưu trú, ẩm thực… Đây là phương thức phát triển bền vững, giúp đem lại nguồn lợi cho người dân địa phương.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phạm Thế Triều cho biết, khu vực ĐBSCL nói chung và An Giang nói riêng đang dần khẳng định vị thế và tích cực nâng cấp chuỗi giá trị DLNN của địa phương, đặc biệt xây dựng loại hình DLNN tại các địa phương nông thôn mới. An Giang với lợi thế là tỉnh đầu nguồn của vùng và là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai loại hình DLNN một cách có đầu tư từ năm 2007. An Giang được Tổ chức Nông dân Hà Lan (Agriterra) hỗ trợ đầu tư phát triển DLNN và đã đạt được một số kết quả khả quan. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị trong tỉnh đã quan tâm khai thác loại hình DLNN ứng dụng công nghệ cao: Nông trại Phan Nam (xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên), Vườn sinh thái Út Cưng (TP. Châu Đốc), Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Tuấn Phong (TP. Châu Đốc)… thường xuyên thu hút du khách đến tham quan, mua sắm các sản phẩm đặc trưng từ NN.

Giúp nông dân làm du lịch nông nghiệp hiệu quả

Cho du khách đến tham quan, tự thưởng thức những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao cũng là hướng đi mới trong du lịch nông nghiệp

“ĐBSCL phải xác định DLNN là trọng tâm, sau đó liên kết với các địa phương khác, liên kết với các nước trong vùng thiết kế tour khám phá nền NN Mekong. Người dân nên mạnh dạn triển khai mô hình NN xanh phục vụ DL” - ông Triều phân tích. Qua đó, ông Triều đưa ra kiến nghị cho các bộ, ngành Trung ương có chính sách phát triển sản phẩm DLNN đặc thù cho vùng ĐBSCL. Cụ thể là tranh thủ các nguồn tài trợ để dành phát triển loại hình DLNN, hỗ trợ về chuyên môn trong xây dựng các mô hình NN ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển DL. Xây dựng kế hoạch hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DLNN ĐBSCL cả về cán bộ quản lý và lao động trực tiếp.

ÁNH NGUYÊN