Xã Tân Trung được biết đến là vùng trồng rau màu lâu năm. Tuy nhiên, ND chủ yếu sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, các vụ trong năm lệ thuộc giá cả thị trường nên chưa đảm bảo đầu ra.
Từ khi Tổ hợp tác sản xuất rau màu an toàn xã Tân Trung được thành lập, người dân phấn khởi với mô hình trồng đậu nành rau được Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) bao tiêu sản phẩm.
Vụ đông xuân 2017-2018, tổ xuống giống trên 80ha đậu nành rau, hiện đã thu hoạch được 1/3 diện tích, năng suất 1,2 tấn/công. Đậu nành rau được Công ty Antesco thu mua với giá 10.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ND lợi nhuận gần 8 triệu đồng/công.
Bên cạnh tham gia tổ sản xuất, ND còn tích cực chuyển đổi các loại cây màu để tìm loại cây phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao. Từ trồng nếp, những lão nông giàu kinh nghiệm chuyển sang trồng bắp, ớt, dưa leo… Vài năm trở lại đây, người dân còn phát triển mạnh khoai cao.
Theo ông Dương Văn Chót, trồng khoai cao nhẹ công, gặp lúc trúng giá lợi nhuận rất cao, còn không có thể “neo” lại, không nhất thiết thu hoạch đúng thời điểm như các loại cây màu khác, giảm rủi ro cho ND. Bình quân 1 công khoai cao đạt năng suất 3,5-4 tấn, cho thu nhập 30 triệu đồng, trừ chi phí còn lời một nửa. Sau vụ khoai, ND trồng các loại cây ngắn ngày luân phiên để đầu ra thuận lợi hơn.
Vườn cam trĩu quả ở thị trấn Chợ Vàm
Tại xã Phú Bình, sau 3 năm thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất vườn tạp, đất trồng nếp kém hiệu quả, hiện nay đã có 16,8ha diện tích chuyển sang trồng cây ăn trái. Trong đó phần lớn ND trồng chuối, tre lấy măng, quýt, một số hộ trồng bưởi da xanh theo chủ trương của huyện.
Tại ấp Bình Phú 1, ND Võ Văn Ngợi trồng 4.000m2 quýt hồng Lai Vung cho hiệu quả đáng phấn khởi. Sau 3 năm thử nghiệm trồng và cho thu hoạch hơn 1 năm, ông Ngợi mở rộng thêm 12.000m2 tiếp tục trồng quýt và bưởi da xanh.
Ông Ngợi cho biết, trước đây chỉ trồng lúa, tận dụng trồng thêm cỏ nuôi bò nhưng không hiệu quả. Học hỏi kinh nghiệm từ những hộ trồng quýt hồng ở Lai Vung (Đồng Tháp), ông mua cây giống về quyết tâm đổi hướng làm ăn. Sau 18 tháng, quýt bắt đầu cho thu hoạch trái tơ, 3 tháng sau cho trái rộ, thương lái đến tận nơi thu mua.
Theo ông Ngợi, cây quýt phù hợp với thổ nhưỡng địa phương nên cho năng suất tốt, số trái trên 1 cây có thể đạt 50-100kg. Hơn 1 năm nay, nhờ vườn dâu tằm phục vụ giải khát và tham quan, ND Trần Văn Cượng đã được nhiều người biết đến.
Trên nền đất trồng nếp, ông cải tạo 3.000m2 trồng dâu tằm xen hoa atiso đỏ. Trái phục vụ bán tươi, làm mứt, siro, sinh tố và nấu nước cốt bán theo nhu cầu. Mỗi đợt hái, vườn dâu cho năng suất 45kg, sản phẩm từ dâu tằm đem lại cho ông thu nhập 20 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, với hoa atiso đỏ, nhiều khách hàng quan tâm tìm mua cả nước cốt và cây giống.
Ngoài những mô hình trên, còn có vườn cam hơn 1.000 cây ở thị trấn Chợ Vàm do ND Phan Đức Huy thực hiện. Sau thời gian chăm sóc, từ thời điểm có thể thu hoạch, cây cho trái liên tục, luôn đảm bảo đầu ra, chủ yếu bán nhỏ lẻ tại địa phương.
Trên nền đất lúa, ND các xã Bình Thạnh Đông, Phú Bình trồng xen canh chuối, ớt với cây trồng lâu năm như: bưởi, cam để lấy ngắn nuôi dài. Phong trào chuyển đổi cây trồng ở vùng nếp đang hình thành rõ nét, có hơn 150ha đất vườn tạp và trồng các loại cây kém hiệu quả được chuyển sang cây ăn trái, đảm bảo vừa chuyên canh đặc sản nếp, vừa khai thác tốt phần đất còn lại, giúp ND “hái ra tiền”.
MỸ HẠNH