Hướng đi mới từ kinh tế vườn

07/08/2018 - 07:50

 - Quá trình hội nhập, người nông dân (ND) cho thấy nỗ lực trong phát triển sản xuất và việc phát triển kinh tế vườn từ cây lúa đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Thời gian qua, con cá và cây lúa có những thời điểm được giá nên người ND “mở cờ” trong bụng. Tuy nhiên, để niềm vui đó được lâu dài, đòi hỏi ND phải nắm bắt được nhu cầu thị trường, quyết định trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp. Không khó để bắt gặp những mô hình hay, cách làm mới trên các phương tiện truyền thông nhưng muốn ND làm theo, chắc chắn phải có vai trò hướng dẫn, hỗ trợ của Hội ND các cấp.

Có thể lấy mô hình chuyển đổi từ vườn tạp sang vườn chuyên canh ở huyện Phú Tân làm điển hình. Người ND xứ cù lao đã mang cây cam, cây xoài cát Hòa Lộc từ Vĩnh Long, Hậu Giang, Bến Tre về trồng trên những mảnh vườn mà trước đó chẳng có nguồn thu nào đáng kể. Anh Phan Đức Huy (ND thị trấn Chợ Vàm) cho biết: “Trước đây, mảnh đất 2.500m2 này chỉ là vườn tạp. Khi được Hội ND thị trấn vận động, tôi đã cải tạo đất và bắt tay trồng cây cam sành. Tính ra, tôi đã đầu tư hơn 150 triệu đồng vào vườn cam khoảng 1.000 gốc của mình. Qua sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ Hội ND thị trấn và Hội ND huyện Phú Tân, tôi đủ tự tin, kinh nghiệm để theo đuổi loại cây có múi này”.

Kinh tế vườn mang lại giá trị kinh tế cao

Kinh tế vườn mang lại giá trị kinh tế cao

Tính đến năm 2018, Hội ND huyện Phú Tân đã vận động hàng trăm ND trên địa bàn huyện thực hiện chuyển đổi từ vườn tạp sang trồng cây ăn trái. Ông Nguyễn Phi Công (Hội ND huyện Phú Tân) thông tin: “Đến nay, tổng diện tích chuyển đổi từ vườn tạp sang vườn cây ăn trái toàn huyện khoảng 250ha. Đồng thời, chúng tôi vận dụng nguồn quỹ “Hỗ trợ ND” cấp huyện, tỉnh để tạo điều kiện cho bà con chuyển đổi mô hình sản xuất. Muốn ND mạnh dạn làm, chúng ta phải tạo niềm tin cho họ; niềm tin đó xuất phát từ việc được hỗ trợ vốn, kỹ thuật và kết nối đầu ra ổn định. Đó là mục tiêu chung của các cấp Hội ND, chứ không chỉ riêng ở huyện Phú Tân”.

Tại Châu Phú, việc chuyển sang mô hình kinh tế vườn được ND thực hiện rất chủ động. Chủ tịch Hội ND huyện Châu Phú Huỳnh Minh Ngọc cho hay: “Quan điểm của chúng tôi là không vận động ND chuyển đổi ồ ạt, mà chỉ thực hiện với các địa phương có điều kiện thuận lợi nhất nhằm đảm bảo hiệu quả thực tế. ND phải xác định trồng cây gì phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và không dẫn đến hiện tượng cung vượt cầu. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ bà con về vốn, kỹ thuật và tìm đầu ra. Hiện nay, 2 xã thực hiện tốt việc chuyển đổi sang kinh tế vườn là Ô Long Vĩ và Khánh Hòa”.

Theo Chủ tịch Hội ND xã Ô Long Vĩ Nguyễn Thành Nghĩa, địa phương hiện có 73 hộ thực hiện chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây có múi với diện tích khoảng 50ha. Trong đó có 15 hộ được quỹ “Hỗ trợ ND” cấp huyện, tỉnh hỗ trợ từ 40 - 70 triệu đồng/hộ để thực hiện mô hình. Hội ND xã Ô Long Vĩ đã thành lập chi hội nghề nghiệp làm vườn với 36 thành viên để tạo điều kiện cho ND học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất.

Hiện nay, Hội ND xã Khánh Hòa đang nỗ lực vận động đồng bào dân tộc thiểu số Chăm tại địa phương thực hiện chuyển từ vườn tạp sang vườn cây ăn trái kết hợp phục vụ du lịch. Chủ tịch Hội ND xã Khánh Hòa Lê Văn Dũng chia sẻ: “Chúng tôi có ý tưởng sẽ phát triển mô hình vườn chuyên canh vú sữa lò rèn ở làng Chăm Khánh Hòa. Do cây vú sữa rất hợp với đất này và làng Chăm Khánh Hòa nằm ở vùng đệm của TP. Châu Đốc, đủ điều kiện thiết kế tour du lịch sinh thái, văn hóa phục vụ du khách. Vì vậy, việc phát triển vườn cây vú sữa thay cho vườn tạp được đồng bào rất ủng hộ bởi giá trị kinh tế khá”.

Dù kinh tế vườn đang cho giá trị kinh tế cao nhưng các địa phương cần định hướng phát triển bền vững, vì cây ăn trái có thời gian phát triển lâu, chi phí đầu tư cao. Đồng thời, Hội ND các cấp cần chủ động nắm bắt tình hình, trở thành cầu nối tin cậy giúp ND có được đầu ra ổn định để có thể đi lên từ mô hình kinh tế vườn.

THANH TIẾN