Không cấp quyền sử dụng đất do cất nhà trên hành lang sông, rạch

01/05/2019 - 08:06

 - Hộ sát bên cạnh được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSĐ) nhưng mình thì không, bà Đỗ Thị Bế (ngụ tổ 13 ấp Mỹ Khánh 2, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) gửi đơn khiếu nại yêu cầu được các cơ quan chức năng can thiệp, giải quyết hợp tình hợp lý hơn.

Theo bà Bế, đất của bà do ông Đỗ Công Trứ (cha bà) thừa hưởng từ ông bà để lại, sử dụng ổn định từ trước năm 1975, không tranh chấp. Năm 2001, ông Trứ kê khai xin cấp GCNQSDĐ. Trong đó tờ bản đồ số 41, thửa 76, diện tích 136,2m2 đã được cấp GCNQSDĐ; còn tờ bản đồ số 46, thửa 09, diện tích 60m2 (nhà bà Bế hiện ở, bán quán nước để sinh sống qua ngày) chưa được cấp GCNQSDĐ. Mặc dù đã gửi hồ sơ xin cấp, nhưng UBND xã Mỹ Hòa Hưng giữ hồ sơ, gia đình bà liên hệ nhiều lần thì bảo chờ.

Bà Bế trình bày vụ việc với phóng viên

“Đến năm 2015, gia đình tôi tiếp tục kê khai xin cấp GCNQSDĐ thì bị trả hồ sơ, với lý do: nhà ở sông, rạch bị giải tỏa theo Chỉ thị 200 của Thủ tướng Chính phủ. Tôi khẳng định đất của gia đình tôi vẫn ở y nguyên vị trí từ thời ông nội sở hữu, không lấn chiếm ai, không ảnh hưởng tới hành lang sông, rạch. Trong khi đó, ông Đỗ Duy Trân (chú tôi) có thửa đất giáp đất tôi (nằm phía ngoài giáp bờ sông), cùng kê khai đăng ký xin cấp GCNQSDĐ một lượt, nhưng đất của chú tôi được cấp GCNQSDĐ, còn đất của cha tôi thì không được cấp. Còn rất nhiều hộ dân trong xã được cấp GCNQSDĐ trên hành lang sông, rạch và cấp không đúng quy định. Tôi gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng nhờ xem xét giải quyết. Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Long Xuyên không xem xét cụ thể nguồn gốc đất mà cho rằng, đất nhà tôi bị giải tỏa hành lang sông, rạch. Gia đình tôi thật sự bức xúc việc làm của cơ quan chuyên môn. Đất của gia đình sử dụng nhiều đời, không phải là đất mới lan bồi, nhà tôi ở trên bờ cất trọn trong thửa số 09, tờ bản đồ số 46, không lấn ra sông. Phải chăng vì gia đình tôi không đồng ý việc UBND xã cất cổng chào nên bị làm khó, không cấp GCNQSDĐ cho gia đình tôi? Rất mong các cấp thẩm quyền xem xét thấu lý đạt tình, giải quyết cấp GCNQSDĐ cho gia đình tôi trên vị trí đất hiện tại, để chúng tôi yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống” – bà Bế đề nghị.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng TN&MT TP. Long Xuyên cho biết: năm 2017, Phòng Tài nguyên và Môi trường xử lý đơn của bà Đỗ Thị Bế (đại diện ủy quyền cho gia đình), yêu cầu xem xét được cấp GCNQSDĐ đối với phần đất gia đình đang quản lý sử dụng. Phần đất có nguồn gốc do ông Đỗ Công Trứ quản lý sử dụng, đất tọa lạc tại xã Mỹ Hòa Hưng. Do thửa đất bà Bế yêu cầu được cấp GCNQSDĐ đã được di dời, giải tỏa vào năm 1996, nên không đủ điều kiện để cấp GCNQSDĐ. Phòng TN&MT TP. Long Xuyên đã phát hành văn bản phúc đáp cho bà Bế được biết. Đối với trường hợp đất của ông Đỗ Duy Trân, cũng tương tự như ông Đỗ Công Trứ là một trong các hộ tái lấn chiếm cất nhà. Tuy nhiên, do sai sót trong việc xét duyệt hồ sơ cấp GCNQSDĐ dạng đại trà, nên ông Đỗ Duy Trân đã được cấp giấy. Vì vậy, Phòng TN&MT đã đề xuất UBND TP. Long Xuyên giao cơ quan Thanh tra tiến hành thanh tra việc cấp GCNQSDĐ của ông Trân. Hiện Thanh tra TP. Long Xuyên đang thanh tra việc quản lý sử dụng đất và trình tự, thủ tục cấp GCNQSDĐ của ông Đỗ Duy Trân.

Thực hiện Quyết định số 246/QĐ- UB ngày 8-3-1996 của UBND tỉnh về việc giải tỏa nhà dân cư ngụ trên các kênh rạch thuộc địa bàn Long Xuyên trong năm 1996, có gần 1.500 căn nhà phải giải tỏa (trong đó có hộ ông Đỗ Công Trứ và Đỗ Duy Trân). Sau khi đã thực hiện tháo dỡ di dời nhà và nhận tiền hỗ trợ xong, thời gian sau họ lại tái chiếm đất cất nhà. Do vậy, trường hợp của gia đình bà Đỗ Thị Bế không đủ điều kiện để cấp GCNQSDĐ.

Bài, ảnh: M.B