Không để thị trường biến động bất thường

14/10/2019 - 08:05

 - Đó là mục tiêu chung được đặt ra cho Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Đây là chương trình được Sở Công thương phối hợp các sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện.

Mục tiêu

Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2016-2020) được UBND tỉnh ban hành vào ngày 23-9-2016. Đây là chương trình mang ý nghĩa kinh tế - xã hội rất lớn nhằm giúp người tiêu dùng trong tỉnh mua được hàng hóa chất lượng tốt, giá cả ổn định dù vào thời điểm cuối năm, thị trường có nhiều biến động. Thực tế 3 năm qua cho thấy, thời điểm này, nhu cầu của thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu như: xăng, dầu, gas, gạo… tăng từ 2-3 lần so với ngày thường. Nhưng nhờ có chương trình này, các mặt hàng vừa nêu có giá cả ổn định, giúp người nghèo, người lao động, người hưu trí vẫn đến chợ mua sắm bình thường. Ngoài người tiêu dùng, chương trình còn giúp các cơ sở sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh tiêu thụ được hàng hóa do mình sản xuất; giúp kết nối cung - cầu, bình ổn thị trường đầu ra cho sản phẩm một cách tốt nhất.

Chương trình bình ổn thị trường từ khi ra đời đến nay đã tạo được hiệu ứng xã hội rất tốt, được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao. Sở Công thương cho biết, để có được kết quả đó, hàng năm, Sở Công thương chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các đơn vị liên quan, tổ chức đánh giá diễn biến, xu hướng thị trường, dự báo tình hình giá cả, thị trường vào những dịp có nhu cầu tăng cao để từ đó tham mưu, đề xuất và xây dựng kế hoạch nhằm bình ổn thị trường. Khi giá cả các mặt hàng thiết yếu có khả năng tăng “đột biến” ở mức từ 15-20% thì Sở Công thương sẽ trình UBND tỉnh xem xét, áp dụng Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường. Với cách làm này, 3 năm qua, giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán không có biến động bất thường.

Có thể thấy, mục tiêu bao trùm của Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh An Giang là chủ động thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường, giá cả, góp phần kiềm chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cả nước trong thời gian trước mắt lẫn lâu dài…

Nguyên tắc

Ngoài ý nghĩa trên, Chương trình bình ổn thị trường của tỉnh còn giúp phát huy vai trò của DN trong việc chủ động dự trữ hàng hóa tham gia thị trường, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhất là vào thời điểm cuối năm. Thông qua chương trình này nhằm phát huy vai trò của nhà nước và các tổ chức có liên quan trong công tác quản lý thị trường; tạo điều kiện thuận lợi nhất để người tiêu dùng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm do DN trong nước sản xuất.

“Một trong những nguyên tắc thực hiện chương trình này là khi hàng hóa trên thị trường có khả năng biến động bất thường từ 15-20% thì chúng tôi sẽ đề xuất UBND tỉnh cho áp dụng chương trình bình ổn. Chương trình này còn thực hiện theo hướng tăng cường xã hội hóa, hạn chế sử dụng ngân sách tạm ứng vốn hoặc hỗ trợ vốn vay dự trữ hàng… Số lượng hàng hóa tham gia bình ổn trong những tháng bình thường chiếm 25-30% nhu cầu thị trường. Vào dịp cuối năm, Tết Nguyên đán chiếm từ 30-40%” - Giám đốc Sở Công thương Võ Nguyên Nam thông tin.

Thực tế cho thấy, chính nhờ cách làm khoa học và nhiều sáng tạo của ngành công thương cùng các đơn vị liên quan nên hiệu quả của Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh trong những năm qua có sức lan tỏa rất lớn, nhận được sự đồng thuận cao từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Trở lại tình hình thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vừa qua cho thấy, vào những ngày cuối năm, tuy lượng khách đến mua sắm tại các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại tăng từ 2-3 lần so với ngày thường, nhưng giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn cơ bản ổn định. Lượng hàng do các cơ sở sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, DN cung cấp ra thị trường để phục vụ người tiêu dùng rất phong phú, đa dạng; điều này đã đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn vào dịp cuối năm.

“Ngày 29 Tết năm rồi, tôi ra siêu thị mua thịt gà (loại làm sẵn) với giá 130.000 đồng/kg; bia Sài Gòn 333 giá 225.000 đồng/thùng. Hai mặt hàng này nếu so với những ngày trước đó thì giá bình thường (không tăng), điều này chứng tỏ Chương trình bình ổn thị trường do ngành công thương thực hiện đã phát huy tác dụng. Tôi đề xuất nhà nước nên duy trì chương trình này để người lao động có được cái Tết đầm ấm, sum vầy bên gia đình” - chị Nguyễn Thị Lành (phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) chia sẻ.

“Chúng tôi là những người về hưu, thu nhập chủ yếu nhờ vào đồng lương nên mọi chi tiêu trong cuộc sống đã được tính toán đâu vào đấy. Khi các mặt hàng thiết yếu trên thị trường có biến động bất thường thì chúng tôi lo lắm. Những năm qua, nhờ vào Chương trình bình ổn thị trường mà giới hưu trí cũng như công nhân lao động có những cái Tết đầm ấm, sum vầy” - bà Trần Thị Mỹ Lệ (cán bộ hưu trí phường Long Thạnh, TX. Tân Châu) cho biết

MINH HIỂN