An Giang - điểm sáng xây dựng Đảng trong vùng đồng bào tôn giáo, dân tộc

Kỳ cuối: Hiệu quả từ việc Đảng, chính quyền đối thoại lắng nghe dân

14/10/2018 - 07:57

 - Với phương châm "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin", cùng với việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo, dân tộc, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã đẩy mạnh thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động tối đa mọi khả năng đóng góp của nhân dân trong việc xây dựng và phát triển địa phương.

Việc làm này được các địa phương trong tỉnh An Giang thực hiện rất thường xuyên, liên tục, để chính quyền các cấp trực tiếp đối thoại với Nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, nhằm tìm ra “tiếng nói chung”, kịp thời giải quyết những tồn tại, bức xúc tại địa phương. Qua đó, hướng dẫn cách làm ăn cho người dân, động viên đồng bào tôn giáo, dân tộc cố gắng vươn lên nâng cao đời sống; tăng cường sự đoàn kết gắn bó lương - giáo…Tập trung xây dựng lực lượng cốt cán trong vùng đồng bào tôn giáo, dân tộc nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước đến với bà con; trong đó chú trọng phát huy vai trò của các cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng; hướng dẫn và giải quyết kịp thời những nhu cầu chính đáng trong sinh hoạt, tín ngưỡng của đồng bào có đạo theo đúng quy định của pháp luật.

Lắng nghe ý kiến Nhân dân, tháo gỡ khó khăn, tạo đồng thuận xã hội.

Điển hình tại huyện Chợ Mới, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới Nguyễn Thanh Phong cho biết: "Chợ Mới là huyện đông dân nhất tỉnh với hơn 347.000 người, quá trình điều hành, lãnh đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội và đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, Đảng bộ, chính quyền luôn quan tâm, lắng nghe ý kiến của dân. Việc phát huy dân chủ ở cơ sở theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" được các ngành, các cấp tích cực thực hiện, qua việc thường xuyên tổ chức cho người dân góp ý kiến đối với tổ chức, cá nhân lãnh đạo Đảng, chính quyền". Đó là việc duy trì tổ chức diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân, để cho dân mạnh dạn tố giác tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân, theo phương châm "Nghe dân nói, nói dân nghe"; lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới... Trong năm, Huyện ủy Chợ Mới tổ chức họp mặt các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo, cán bộ hưu trí, nông dân, thanh niên.... để thông báo kết quả đạt được của huyện; nghe ý kiến đề xuất cũng như tháo gỡ khó khăn cho bà con. Qua đó, phát huy dân chủ trực tiếp của người dân tham gia góp ý đối với tập thể, cá nhân và kịp thời giải quyết vướng mắc, bức xúc của người dân; được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Ý nghĩa hơn, qua lắng nghe dân còn tăng cường trách nhiệm tiếp thu, giải trình của các cơ quan Đảng, chính quyền với Nhân dân. Từ giải quyết thấu đáo từng vấn đề, góp phần củng cố và tạo được niềm tin vững chắc của dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền.

Đảng bộ, chính quyền  luôn quan tâm họp mặt chức sắc, chức việc, lắng nghe ý kiến đề xuất.

Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Ngô Hoàng Hiếu trình bày: "Gần đây, qua thời gian người dân ngộ nhận việc khai thác cát trái phép với chỉnh trị dòng chảy, để dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy khu vực nhánh trái sông Hậu (thuộc xác xã Nhơn Mỹ, Long Giang, An Thạnh Trung, Hòa Bình) được triển khai thuận lợi, UBND huyện Chợ Mới tổ chức 7 buổi tham vấn cộng đồng lấy ý kiến người dân chịu tác động trực tiếp tại 4 xã. Kết quả, 99/100 người dân đồng tình, ủng hộ với chủ trương, mục đích của dự án, vì hiểu rằng đó là để trả lại dòng chảy tự nhiên ban đầu như trước đây, tạo cơ hội cho bà con nuôi trồng thủy sản bên nhánh trái".

Trước và sau các kỳ họp Quốc hội, HĐND, các đại biểu HĐND tỉnh, huyện, xã tiếp xúc cử tri 11 huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, lắng nghe các ý kiến đề xuất, những trăn trở của người dân xoay quanh các vấn đề thời cuộc; những bức xúc, kiến nghị thiết thân liên quan cuộc sống dân sinh, tình hình chính trị, xã hội

Đồng bào tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động xã hội

Tại huyện Phú Tân, trực tiếp Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện tham dự các buổi đối thoại. Diễn đàn chính quyền lắng nghe ý kiến Nhân dân được UBND huyện Phú Tân triển khai từ cuối tháng 4-2018. Hàng tháng, lãnh đạo huyện tổ chức ở 2 hoặc 4 xã, thị trấn với sự tham dự của Chủ tịch UBND huyện, đại diện các phòng chuyên môn, chính quyền xã và người dân. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân về việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Có nhiều ý kiến của người dân được nêu lên tại các diễn đàn ở từng xã. Hầu hết đều là những nhu cầu, bức xúc, thắc mắc liên quan trực tiếp đến đời sống của bà con được Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Dương Văn Cường ghi nhận, giải thích cụ thể và nhắn nhủ người dân chủ động trong thực hiện trách nhiệm, phần việc của mình. Đồng thời, chỉ đạo các ngành liên quan theo dõi, thực hiện, đề xuất nào liên quan đến cấp trên sẽ được kiến nghị theo nguyện vọng của người dân. Nhờ vậy, diễn đàn diễn ra liền mạch và giải quyết rất nhiều nội dung. Thành công qua các buổi diễn đàn chính quyền lắng nghe ý kiến Nhân dân đã tạo không khí dân chủ, công khai giữa lãnh đạo địa phương với Nhân dân, góp phần củng cố lòng tin của dân đối với Đảng, chính quyền.

Ngược về đầu nguồn biên giới TX. Tân Châu, theo định kỳ, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể và Đồn Biên phòng tổ chức đến gặp gỡ, trao đổi với các vị chức sắc, chức việc, người có uy tín trong tín đồ tôn giáo về những vấn đề thiết thực mà người dân, tín đồ cần nắm để góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an ninh biên giới. Vào các ngày lễ, Tết… lãnh đạo địa phương và Đồn Biên phòng đến các cơ sở thờ tự, chùa, thánh thất… thăm hỏi, tặng quà chúc mừng. Đồng thời, động viên các chức sắc, chức việc, người có uy tín thường xuyên vận động tín đồ của mình nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh các biểu hiện tiêu cực, nêu cao tinh thần đoàn kết lương giáo, đoàn kết dân tộc... Từ những việc làm thiết thực, cụ thể trên, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn biên giới TX. Tân Châu luôn được ổn định và giữ vững. Các vị chức sắc, chức việc, người có uy tín trong đồng bào các tôn giáo đã thể hiện tinh thần chung sức trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”…

Ở các huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên- nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống, tỉnh và huyện quan tâm lãnh đạo, cùng các đoàn thể sâu sát xuống quần chúng, tích cực vận động, giải thích cho dân hiểu về lợi ích của việc thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương, để mọi người cùng tham gia. Phát triển đảng viên  người Khmer để làm nòng cốt trong tuyên truyền vận động thực hiện chủ trương đường lối và Bí thư chi bộ ấp người Khmer chính là cánh tay nối dài của Đảng đến tận cơ sở, ngõ ngách từng nhà dân, đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.

Đảng bộ, chính quyền  luôn quan tâm tạo điều kiện cho đồng bào tôn giáo đóng góp xã hội.

Nhờ nỗ lực của Đảng bộ các xã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức vận động đồng bào dân tộc Khmer, các cấp chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân luôn gắn bó trong công tác vận động đồng bào Khmer, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer ở An Giang được nâng lên. Kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào Khmer ngày càng phát triển, an ninh trật tự luôn được giữ vững. Đồng bào luôn tin tưởng và tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.                      

Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là Đảng bộ chính quyền tỉnh cần quan tâm đào tạo nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, lý luận chính trị, điều kiện để nhân dân các dân tộc thiểu số vươn lên mạnh mẽ, phát triển kinh tế, văn hóa và từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Coi trọng đào tạo cán bộ người dân tộc, tôn trọng và phát huy những phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc. Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kịp thời đánh bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số Khmer trong thời kỳ mới. Giáo dục nâng cao cảnh giác cách mạng, tuyên truyền, vận động quần chúng nhận rõ âm mưu của bọn phản động, không để kẻ xấu xúi giục kích động lôi kéo phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Các cấp ủy, chính quyền địa phương vận động thuyết phục tầng lớp sư sãi, người có uy tín trong dân tộc Khmer, động viên họ đóng vai trò tích cực, nòng cốt trong phòng trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và các phong trào cách mạng ở địa phương. Tích cực động viên đồng bào Khmer hăng say lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào gắn với nhiệm vụ giữ gìn quốc phòng- an ninh tại địa phương.

Với những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng trong vùng đồng bào có đạo và các dân tộc thiểu số ở An Giang thời gian qua sẽ là động lực để đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh phát huy ý chí tự lực, tự cường, ra sức thi đua phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU