An Giang - điểm sáng xây dựng Đảng trong vùng đồng bào tôn giáo, dân tộc

Kỳ 3: Chính sách dân tộc triển khai đồng bộ, hiệu quả, đi vào cuộc sống

12/10/2018 - 06:47

 - Vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc có một vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng. Thời gian qua, chính sách dân tộc ở An Giang đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm và tập trung chỉ đạo. Cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai tốt các chương trình, dự án chính sách dân tộc, góp phần khởi sắc bộ mặt nông thôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đồng bào DTTS thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở mỗi địa phương.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, trong những năm qua, với nhiều chương trình, dự án tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả rõ rệt đối với việc phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, góp phần củng cố, hoàn thiện hệ thống chính trị ở cơ sở, nâng cao lòng tin của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị - trật tự, an toàn xã hội.

Các tổ chức chính trị -xã hội, nòng cốt là Ban Dân vận, MTTQ phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền và các tổ chức thành viên làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng, nêu gương những người có uy tín, người tiêu biểu trong đồng bào DTTS bằng những việc làm cụ thể. Người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở mỗi địa phương là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể các cấp trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức đồng bào các DTTS chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tỉnh An Giang đã triển khai Quyết định số 1557/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch số 35/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 trong hệ thống Mặt trận các cấp và nhân rộng ra đồng bào DTTS các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn và TX. Tân Châu; được đồng bào DTTS đồng tình hưởng ứng. Mong muốn quyết định sớm đi vào thực hiện để bà con có đủ điều kiện hưởng được các chính sách của Đảng và Nhà nước, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên tham gia phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện các chương trình quốc gia, lồng ghép xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả khả quan. Vận động Nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình làm ăn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững. Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội, vận động Nhân dân tự tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo vẻ mỹ quan và ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa bàn dân cư.

Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trương Hoàng Trọng cho biết: "Để các chủ trương, nghị quyết đi vào cuộc sống, MTTQ tỉnh đổi mới công tác tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc Khmer thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông.... biên soạn tài liệu bằng hai thứ tiếng (Việt- Khmer) cung cấp cho hệ thống MTTQ cơ sở; phối hợp với các vị sư sãi, à cha tuyên truyền cho đồng bào DTTS tại các chùa Nam Tông Khmer. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và giảm hộ nghèo hàng năm từ 3%/năm. Năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo chiếm 24,17%, năm 2017 giảm còn 5,24%". Cơ sở hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư, các hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở, đất ở, về cơ bản không còn nhà xiêu vẹo tạm bợ. 98,53% hộ sử dụng điện lưới quốc gia, 94,6% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 83,75% hộ sử dụng cầu tiêu hợp vệ sinh... góp phần đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến giữa tháng 7-2018, toàn tỉnh có 33/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 27,7%), trong đó có 1 xã dân tộc (xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.

Nhiều hoạt động chăm lo cho đồng bào dân tộc, tín đồ các tôn giáo.

Người DTTS có mặt trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống xã hội. Đặc biệt, ở cơ sở đã xuất hiện nhiều gương điển hình là người dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi, những người không chỉ biết làm giàu cho chính bản thân và gia đình, mà còn giúp bà con trong phum sóc thoát khỏi cảnh nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời, họ còn là những người rất năng nổ trong công tác xã hội, giành nhiều thời gian và công sức lo cho công việc của cả cộng đồng. Đây chính là lớp người tiêu biểu mới, được cộng đồng coi trọng, là tấm gương sáng cho mọi người học hỏi, noi theo, như ông Chau Sóc, nông dân Khmer xã An Tức (huyện Tri Tôn) với trang trại nuôi bò vỗ béo, doanh thu 1 tỷ đồng/năm; ông Trần Hải cũng là nông dân người Khmer ở ấp Tân Đông, thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn) chuyên canh trồng cây ăn trái lâu năm và nuôi dê thịt...

Theo Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang: Công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào DTTS được đảm bảo bởi mạng lưới khám chữa bệnh các huyện được quan tâm và ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu. Riêng ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên có 2 bệnh viện đa khoa với 250 giường bệnh, 3 phòng khám đa khoa khu vực với 60 giường bệnh. 173/6.782 cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế là DTTS (23 bác sĩ, 51 y sĩ). Việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm xây dựng, quy hoạch, phát triển hợp lý đáp ứng nhu cầu học tập của con em vùng DTTS. 100% xã, phường, thị trấn duy trì phổ cập giáo dục tiểu học, THCS. 92%-93% trẻ em DTTS nhập học đúng độ tuổi, hoàn thành chương trình tiểu học; 90% DTTS từ 10 tuổi trở lên biết chữ...

Thực hiện chương trình 135/CP về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, năm 2017 An Giang được Chính phủ đầu tư hơn 17 tỷ đồng xây dựng 42 công trình; đang duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế hơn 6,3 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ đất ở cho 700 hộ hơn 23 tỷ đồng, đào tạo nghề cho 201 lao động với kinh phí 905 triệu đồng; hỗ trợ gần 5 tỷ đồng tạo việc làm, phát triển sản xuất cho 586 hộ; hơn 1 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh lắp đặt đồng hồ nước, ống nhựa, thùng chứa nước cho 744 hộ. Hỗ trợ cấp nhạc cụ 20 điểm chùa Khmer, 9 Thánh đường dân tộc Chăm với kinh phí 2,3 tỷ đồng...

Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách tạo điều kiện để nhân dân các dân tộc thiểu số vươn lên, phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước nâng cao năng suất lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, tỉnh An Giang coi trọng đào tạo cán bộ người dân tộc, tôn trọng và phát huy những phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc.  Nhiều ngôi trường dân tộc nội trú dạy chữ dân tộc và chữ phổ thông, thu hút con em đồng bào dân tộc vào học tập và rèn luyện (có học bổng của Nhà nước). Nhiều chính sách cử tuyển đưa học sinh dân tộc thiểu số đi đào tạo các ngành học, các cấp học theo qui hoạch bố trí cán bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Nhiều hoạt động vui chơi giải trí, lễ hội đậm nét bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy, phục vụ chính cho đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc và tạo điều kiện giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em. 

Thực tế đã cho thấy, thông qua các chương trình quốc gia giảm nghèo và chương trình 135, 134, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc, miền núi đã có bước chuyển biến rõ nét. Những con đường bê tông nhựa được xây dựng tới tận các phum sóc. Giao thông phát triển, tất yếu kéo theo sự phát triển của nhiều mặt mà trước tiên là phục vụ sự đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Những công trình thủy lợi đưa nước bơm tưới cho đất vùng cao để nâng vòng quay của đất từ một vụ năng suất bấp bênh lên 2-3 vụ, năng suất sản lượng đều tăng cao. Những công trình cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, tạo điều kiện thực hiện vệ sinh, môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Những công trình cung cấp điện đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số bởi sự đa dạng, phong phú của các loại hình vui chơi, giải trí và phương tiện thông tin đại chúng.

Trong chuyến thực tế khảo sát của Hội đồng tư vấn về dân tộc của UBMTTQ Việt Nam, bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBMTTQ Việt Nam đã đánh giá rất cao những kết quả tỉnh đạt được trong thời gian qua. Bà Khiết nhận định: "Với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, MTTQ, đời sống đồng bào DTTS ở An Giang có nhiều chuyển biến tích cực về tất cả các mặt kinh tế-văn hóa-xã hội, an sinh. Đồng bào DTTS được thụ hưởng tốt các chính sách, qua đó hiểu rõ và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Trình độ học vấn, đời sống vật chất và tinh thần đồng bào DTTS ngày càng nâng lên, thay đổi tập quán sinh hoạt, lối sống lạc hậu không phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Công tác an sinh xã hội cho đồng bào DTTS được tỉnh quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững, thu hẹp dần khoảng cách với cộng đồng xã hội".

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

Kỳ 4: Xây dựng Đảng, tháo điểm nghẽn trong đồng bào Chăm, Khmer...