Làm giấy tờ giả thế chấp vay tiền, chiếm đoạt hàng tỷ đồng

06/12/2018 - 06:43

 - Học vấn đến lớp 2, nhưng Hà Thanh Tuấn (sinh năm 1964, ngụ khóm 5, thị trấn Tri Tôn, Tri Tôn) đã có những thủ đoạn tinh vi, cấu kết nhiều đối tượng làm giả giấy tờ rồi mang đi thế chấp, vay vốn ngân hàng, quỹ tín dụng.

Bị cáo Tuấn tại phiên tòa

Làm giả 16 loại giấy tờ

Không có nghề nghiệp ổn định, lại muốn có tiền tiêu xài, Tuấn nảy sinh ý định lừa tiền các tổ chức tín dụng, ngân hàng bằng cách thuê người làm giả giấy tờ.

Sau khi quen biết với Trần Văn Hải (sinh năm 1977, ngụ ấp An Nhơn, xã Lương Phi, Tri Tôn), cả 2 rủ nhau đến TP. Hồ Chí Minh tìm người làm giả các loại giấy tờ, như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất, giấy đăng ký xe ôtô, thủ tục công chứng và đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất mang tên Hà Thanh Tuấn, Trần Thị Mỹ Dung (vợ Tuấn), Hà Châu Hồng, Hà Thị Diễm Thúy, Hồ Hoàng Thông (con ruột và rể của Tuấn).

Từ năm 2015 đến giữa năm 2016, Tuấn đã 16 lần làm giả giấy tờ các loại. Rồi Tuấn liên hệ nhiều ngân hàng, quỹ tín dụng và cá nhân, sử dụng giấy tờ giả thế chấp vay tiền.

Điển hình, ngày 19-8-2015, Tuấn sử dụng 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả (mang tên Hồ Hoàng Thông, Hà Thị Diễm Thúy) đến Ngân hàng B. chi nhánh Long Xuyên - Phòng giao dịch Tôn Đức Thắng, thế chấp vay 1 tỷ đồng, hạn vay 60 tháng.

Khi làm hồ sơ vay, Tuấn cùng Thông và Thúy đến Văn phòng công chứng (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) công chứng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất. Sau đó, Tuấn thuê làm thủ tục đăng ký thế chấp giả nộp vào hồ sơ vay và nhận tiền vay.

Tính đến ngày 19-9-2017, Tuấn đã trả vốn được hơn 200 triệu đồng, trả lãi được hơn 83 triệu đồng, còn nợ vốn và lãi trên 800 triệu đồng. Cũng với thủ đoạn này, Tuấn tiếp tục thực hiện thêm tại một số ngân hàng và quỹ tín dụng khác để chiếm đoạt tiền.

Ngoài ra, khoảng tháng 1-2016, Tuấn sử dụng giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô giả tìm người cho thế chấp. Ngày 11-1-2016, Tuấn gặp T.T.T (sinh năm 1955, ngụ phường Mỹ Long) để vay. Sau khi thỏa thuận, ông T. đưa cho Tuấn 250 triệu đồng.

Đổi lại, Tuấn làm biên nhận và thế chấp cho ông T. giấy đăng ký xe ôtô giả (số 006660, ngày cấp 4-12-2015, biển kiểm soát 67B-009.02). Tuấn trả vốn cho ông T. được 150 triệu đồng, rồi ngưng. Đến tháng 4-2017, biết tin Tuấn bị bắt, ông T. kiểm tra, phát hiện giấy chứng nhận xe ôtô trên là giả, nên làm đơn tố giác đến cơ quan công an.

Bản án thích đáng   

Theo kết quả điều tra, từ ngày 26-2-2015 đến 11-8-2016, Tuấn 11 lần thực hiện hành vi gian dối vay tiền của các ngân hàng, quỹ tín dụng và cá nhân, tổng cộng 8,8 tỷ đồng. Trừ phần đã trả (trên 3,3 tỷ đồng), Tuấn chiếm đoạt gần 5,5 tỷ đồng. Sau khi phát hiện vụ việc, các bị hại, nguyên đơn dân sự làm đơn tố giác hành vi phạm tội của Tuấn.

Đến ngày 4-4-2017, Tuấn bị khởi tố điều tra. Cơ quan Cảnh sát Điều tra tiến hành khám xét nơi ở của Tuấn, thu giữ nhiều tang vật, vật chứng có liên quan, như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô, hình dấu, chữ ký và chữ viết… đều giả mạo.

Tại phiên tòa cũng như trong quá trình điều tra, bị cáo Tuấn đã thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội của mình, nhưng cho rằng các vật chứng thu giữ là của đối tượng Hải. Tuy nhiên, theo Hội đồng xét xử, tất cả các tài liệu, chứng cứ thu thập có trong hồ sơ vụ án đã đủ cơ sở để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo.

Hành vi này xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính, hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, xã hội. Ở giai đoạn đầu, bị cáo không khai báo việc lừa đảo chiếm đoạt tiền ai khác ngoài ngân hàng, quỹ tín dụng, đến khi người bị hại T. làm đơn tố giác.

Ngoài ra, Hội đồng xét xử đã công khai giáo dục tại phiên tòa đối với những thành viên trong gia đình bị cáo có liên quan  đến vụ án. Họ “giúp” bị cáo ký thủ tục vay tiền, công chứng hợp đồng và nhận tiền vay tại các ngân hàng, quỹ tín dụng. Việc họ biết bị cáo sử dụng các giấy tờ giả hay không, có bàn bạc, thỏa thuận trước khi thực hiện không… chưa thể làm rõ nên chưa đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt bị cáo Tuấn 3 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và 17 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp hình phạt là 20 năm tù. Ngoài bản án đã tuyên, Hội đồng xét xử còn buộc bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho các bị hại số tiền đã chiếm đoạt.

Bài ảnh: NGUYỄN HƯNG

 

Liên kết hữu ích