Những cán bộ thầm lặng đóng góp cho kỳ thi THPT quốc gia

01/07/2019 - 07:44

 - Để có được kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 an toàn, nghiêm túc, chính xác phải kể đến sự đóng góp thầm lặng của những cán bộ thuộc Ban in sao đề thi. Họ chấp nhận cách ly với đời sống bên ngoài suốt 14 ngày để nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ và bảo mật tuyệt đối cho công tác in sao đề thi.

Cán bộ, giảng viên phấn khởi trở về nhà ngay khi kết thúc buổi thi cuối vào sáng 27-6.  

Nhấp nhỏm bên ngoài cánh cổng khu vực in sao đề thi tại Trường Đại học An Giang (ĐHAG) vào sáng 27-6 là hình ảnh vợ và con gái của thầy Phạm Minh Tâm (công tác tại Trung tâm Tin học Trường ĐHAG, thành viên Ban in sao đề thi). Vợ thầy Tâm chia sẻ: “Con gái nhớ ba không đợi nổi phải kêu mẹ đi đón cho bằng được. Nghỉ hè, con ở nhà suốt mà không được gặp ba, được ba chở đi chơi”. Khi đồng hồ điểm đúng 10 giờ 20 phút, các giảng viên đồng loạt được ra khỏi phòng nghỉ để trở về nhà, gương mặt ai cũng hân hoan, phấn khởi. Chị Châu Thị Ngọc Thùy (giảng viên Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường ĐHAG) rạng rỡ chia sẻ: “Tôi đã tham gia công tác in sao đề thi đến năm thứ 7, đối với mình không khó khăn lắm, nhưng đến những ngày cuối cùng mình cảm thấy nôn nao. Bởi lo lắng cho người mẹ già trên 80 tuổi, không biết mẹ có bị đau ốm gì không”. Cùng tâm trạng với cô Thùy là thầy Hoàng Phát Đạt (Phó Trưởng ban In sao đề thi, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo). Thầy Đạt cho biết: “Sáng nay nghe tin vợ bị tai nạn xe, không nặng lắm nên tôi trông sớm hết giờ để về nhà chăm nom. Bởi, bà xã làm công việc kinh doanh bận bịu từ sáng đến tối. Lúc tôi chuẩn bị làm nhiệm vụ phải hướng dẫn 2 đứa con, 1 bé trai học lớp 7 phải tự chạy xe để đi học thêm, cô con gái 17 tuổi phải biết nấu nướng, làm việc nhà tiếp mẹ”.

Cô Thùy và thầy Đạt chia sẻ về quá trình công tác suốt 2 tuần qua

Cán bộ in sao đề thi ngoài sự hy sinh, sắp xếp gia đình riêng còn là sự chấp nhận các điều kiện làm việc không được thoải mái. Đó chính là tách biệt hoàn toàn với bên ngoài, cả ngày lẫn đêm không được rời khỏi phòng làm việc, chỗ ăn nghỉ, không được mở cửa sổ, không được sử dụng điện thoại di động để đảm bảo tính bảo mật tuyệt đối của đề thi. Thầy Hoàng Phát Đạt cho biết: “Kể từ chiều 14-6, chúng tôi gồm 21 người, trong đó có 5 lãnh đạo Ban in sao đề thi và 16 giảng viên của Trường ĐHAG bắt đầu công việc, tích cực làm việc xuyên suốt cả ngày liên tục: sáng, chiều, tối để đến ngày 22-6 hoàn thành phần in sao. Những ngày sau đó là công tác kiểm tra, đóng gói, đóng thùng và bàn giao đề thi… Công tác an ninh được chia làm 3 vòng bảo vệ do cán bộ thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo và Công an tỉnh đảm trách được thực hiện rất tốt”.

“Công việc in sao đề thi đã hoàn thành tốt, không xảy ra sai sót là điều phấn khởi nhất. Sự hy sinh, đóng góp của mình vào sự thành công của kỳ thi quan trọng của các em học sinh là một điều rất xứng đáng và ý nghĩa” - chị Châu Thị Ngọc Thùy (giảng viên Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh Trường ĐHAG) cho biết thêm. Tiếp tục có thêm một kỳ thi an toàn, nghiêm túc tại An Giang. Đó chính là sự đóng góp của tất cả các thành viên Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia cấp tỉnh, hàng ngàn giáo viên coi thi, thanh tra, giám sát kỳ thi… Đó còn là sự đóng góp thầm lặng không được nhiều người biết đến của cán bộ in sao đề thi - một công việc đầy áp lực, trách nhiệm và sự hy sinh, vượt qua hoàn cảnh gia đình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG

 

Liên kết hữu ích