'Ôm trọn' góc quê hương dưới tán cây vú sữa

23/01/2018 - 08:44

Tháng Chạp, vú sữa gần chín, từng trái tròn xoe treo lủng lẳng trên những cành cây trông thích mắt. Dưới tán cây này, hình ảnh một góc trời quê như hiển hiện trước mắt bọn trẻ chúng tôi. Mọi hoạt động trao đổi buôn bán diễn ra trên bến quê,mát rượi dưới tán cây vú sữa.

'Ôm trọn' góc quê hương dưới tán cây vú sữa

Quả vú sữa lủng lẳng trên cành

Trời tháng Chạp nắng không gắt lắm, nhưng cũng đủ làm người đi đường cảm thấy choáng ngợp giữa cái hỗn độn, chật chội nơi chốn thị thành vào buổi trưa. Lòng người xa xứ tự dưng nhớ lại những kỷ niệm một thời nơi chốn quê nghèo ngày ấy. Cũng vào những buổi trưa cuối năm này, dưới tán cây vú sữa ở cuối làng, mọi hoạt động tất bật ngày cuối năm diễn ra nhộn nhịp.

Cây vú sữa làng tôi được xếp vào dạng cây cổ thụ, dáng tròn xoe che mát cả một mé sông quê. Ngày đó, đường giao thông hạn chế, lái buôn neo đậu dưới tán cây vú sữa này trao đổi buôn bán hàng hóa. Cuộc sống của người dân quê nhộn nhịp dưới bến sông nơi đây. Đây cũng là nơi đò dọc ghé bến, tiễn biết bao thế hệ bước ra khỏi quê hương, viết tiếp câu chuyện tương lai nơi đất khách.

'Ôm trọn' góc quê hương dưới tán cây vú sữa

Vú sữa là loại trái cây đặc sản của miền Tây

Ngày ấy, quê tôi còn nghèo lắm, dân quê quanh năm tần tảo chịu đựng sương gió, nắng mưa chỉ mong có được cái ăn, cái mặc. Đôi khi vài tháng mới lên chợ huyện được một lần, đâu có thời gian để chuyện trò, nhàn nhã. Nhưng đến tháng Chạp, mùa vụ qua rồi, việc đồng áng rảnh rỗi hơn, bọn trai làng chúng tôi tụm năm, tụm ba, hẹn nhau đến cây vú sữa ở cuối làng để giải khoây sau mùa lúa. Khi thì kiếm miếng chuối ép bên ly trà nóng chuyện trò, lúc thì kiếm vài con cá nướng, lít rượu đế ngồi tại gốc cây để cùng nhau “đối ẩm”.

'Ôm trọn' góc quê hương dưới tán cây vú sữa

Cây vú sữa gắn liền với chuyện cổ tích xúc động lòng người

Những lần uống rượu dưới gốc cây vú sữa là khoảng thời gian thật đẹp, khắc ghi dấu ấn của bọn trai làng nơi chốn thôn quê. Với tôi, đó là những kỷ niệm tuyệt vời. Và tôi luôn tự nhắc nhỡ bản thân không thể để lãng quên nơi chốn thị thành phồn hoa, đô hội. Dưới tán cây vú sữa mát rượi, râm ran câu chuyện đầu trên xóm dưới, chuyện mùa màng, lễ tết. Từng cơn gió se se làm người ta lâng lâng, một cảm giác yên bình khó có thể tìm được nơi chốn thị thành.

'Ôm trọn' góc quê hương dưới tán cây vú sữa

Gốc vú sữa đẹp có thể dùng để chơi cảnh

Nhớ những buổi trưa tháng Chạp, trời dù có nắng, nhưng lại râm nhanh, đâu đó lất phất những hạt mưa phùn, bọn tôi lại cùng nhau ra đồng bắt cua, câu cá. May mắn bắt được con cá lóc đồng là chúng tôi mừng rỡ đem đi nướng trui. Xong xuôi, chúng tôi mang cá với lít rượu gạo chạy đến dưới tán cây vú sữa quen thuộc ở cuối làng. Vừa nhấp ly rượu gạo hơi khê nồng ấm, gắp miếng thịt cá lóc nướng béo ngậy, nhìn từng tia nắng xuyên qua lá vú sữa mà cảm thấy thú vị vô cùng. Gió nồm tháng Chạp nhè nhẹ thổi xen lẫn cái nắng cuối năm làm cho lòng người lâng lâng khó tả. Mùi hoa vú sữa nhẹ nhàng, đầm thấm làm cho người dưới tán cây có cảm giác bồng bềnh, bầu trời như sà thấp xuống, cố nâng mặt đất dày hơn. Chao ôi! Biết tìm đâu ly rượu gạo hơi khê giữa chốn thành thị kiêu sa, nỗi nhớ quê hương lại da diết biết nhường nào.

Cũng tại gốc vú sữa này, bà tôi đã đưa tôi về lại thế giới cổ tích. Sau câu chuyện ấy, tôi còn biết thêm tình mẫu tử thiêng liêng không gì thay thế. Bà tôi kể: Cũng vì nghịch ngợm ham chơi mà cậu bé trong truyện cổ tích “Cây vú sữa” bị mẹ mắng và bỏ đi. Mẹ cậu ở nhà vì buồn bã, lo lắng nên mới gục xuống bên hiên nhà. Cuối cùng cậu bé ấy cũng tìm đường về lại mái nhà xưa, nhưng mẹ cậu không còn nữa.

Ôm thân cây cổ thụ trong vườn, điều kỳ diệu xuất hiện khi cây xanh bỗng rung rinh, ra hoa, kết quả. Cậu bé cắn hai quả đầu tiên đều cảm thấy đắng và chát. Đến quả thứ ba, cậu bé không cắn vội mà khẽ bóp lớp vỏ mềm, thế rồi vỏ nứt ra, một dòng sữa trắng sóng sánh trào ra ngọt thơm như sữa mẹ. Cậu bé òa lên khóc vì nhận ra nấm mộ mẹ mình nay cỏ đã phủ xanh. Cậu ôm lấy thân cây mà khóc, thân cây xù xì, thô ráp như đôi bàn tay làm lụng của mẹ. Nước mắt cậu rơi xuống gốc cây. Cây xòa cành ôm cậu, rung rinh cành lá như tay mẹ âu yếm, vỗ về.

Nhớ lại câu chuyện ngày xưa, tôi nghĩ rằng: Vẫn còn biết bao cậu bé chỉ vì ham chơi mà gây ra lỗi lầm với mẹ đến khi nhận ra chỗ sai thì cũng đã muộn màng. Và còn biết bao điều thú vị, thiêng liêng về tình mẹ con mà bà vẫn thường kể cho chúng tôi nghe vào những buổi chiều dưới tán cây vú sữa. Để rồi giờ đây nhớ quê hương mà xuyến xao cảm giác bồng bềnh dưới tán cây vú sữa năm xưa mà buồn đến nao lòng.

Chúng tôi lớn lên mỗi người một ngã, thỉnh thoảng có dịp mới về thăm lại nơi gắn bó với chúng tôi một thời khốn khó. Cây vú sữa cuối làng ngày xưa nay cũng không còn, nhường chỗ cho các công trình đô thị nông thôn mới hôm nay. Nhưng mỗi lần gặp nhau, chúng tôi lại kể về những lúc ngồi dưới tán cây vú sữa. Với tôi, đó là những kỉ niệm tuyệt vời. Tôi luôn đặt nó vào khoảng lặng trong tâm hồn để khi nhắc lại mà da diết nhớ quê hương.

Theo HOÀNG LÊ (Sống Mới)