'Chữa lành' sao cho hiệu quả?

21/04/2024 - 09:26

Gần đây, từ khóa “chữa lành” được nhiều người tìm kiếm như du lịch chữa lành, sách chữa lành, podcast chữa lành,... Điều này xuất phát từ nhu cầu thực tế do con người phải đối mặt với áp lực công việc, cuộc sống, dẫn đến căng thẳng. Họ cần một chút tĩnh lặng để được sống chậm, suy nghĩ và yêu thương nhiều hơn. Đó chính là “liều thuốc” tinh thần để mỗi người tự tiếp thêm năng lượng cho bản thân. Khái niệm “chữa lành” không phải mới xuất hiện mà từ thời ông bà, cha mẹ chúng ta đã biết cách tự cân bằng cuộc sống, giảm căng thẳng, lo âu, chỉ khác là thời đó không được thể hiện với cái tên “chữa lành”.

“Chữa lành” bằng tình thương

Người trẻ ngày nay thường gặp những vấn đề liên quan đến tình yêu, gia đình, sự nghiệp. Nhưng nếu so sánh thì những rắc rối họ gặp phải chẳng là gì so với ông bà xưa.

Bà Nguyễn Thị Thương (ấp 6, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) năm nay 70 tuổi. Những năm chiến tranh, bà ôm con đi chạy giặc, sự sống như “chỉ mành treo chuông”. Khi hòa bình lập lại, kinh tế đất nước còn khó khăn, 11 người con lần lượt ra đời. Có khi, nhà bà phải ăn cơm độn khoai, nhờ sông Vàm Cỏ Đông nhiều tôm, cá nên cũng lây lất qua ngày. Do cuộc sống khó khăn, áp lực nên chồng bà lại có lúc rượu chè, cờ bạc.

Bà Thương kể: “Nhiều khi buồn, tôi muốn bỏ đi cho rồi nhưng thương con nên cố gắng”. Cũng nhờ tình thương và sự cố gắng ấy nên các con bà được sống trong sự yêu thương đầy đủ của cha mẹ. Hiện tại, chồng bà bỏ hết thói hư tật xấu, tính tình cũng cởi mở hơn, hay chia sẻ với bà chứ không cáu gắt như xưa. Các con bà đều ngoan, lo làm ăn, dẫu không giàu có nhưng gia đình luôn tràn ngập tiếng cười.

Với bà Nguyễn Thị Thương (huyện Bến Lức), những giờ phút thảnh thơi thế này là lúc “chữa lành”

Bà Thương chia sẻ: “Kinh nghiệm của tôi là không nhìn cuộc sống bằng đôi mắt đúng - sai mà phải nhìn bằng nguyên nhân - kết quả. Đâu phải tự nhiên mình lại gặp chuyện như vậy mà người khác không bị. Nếu mình đã làm thì mình chịu chứ trách ai, chuyện gì rồi cũng qua chứ không thể cứ vậy hoài. Nhờ suy nghĩ thế nên mấy đứa con tôi mới được như ngày nay”.

Gia đình chị Phan Phước Thủy Nguyện (ấp 2, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) lại có truyền thống tụ họp, quây quần, nhất là dịp giỗ ông bà, lễ, tết. Chị Nguyện kể, lúc ông ngoại chị còn sống, ông dặn những đứa nhỏ dù bận gì thì tết cũng về thắp cho ông bà nén nhang, ăn bữa cơm gia đình. Lúc đó, ông ngoại chị sẽ hỏi con cháu xem năm qua gặp vấn đề gì rồi cùng giải quyết.

Chị Nguyện tâm sự: “Ý ông ngoại tôi là không để con cháu mất gốc vì nền tảng gia đình rất quan trọng. Chúng tôi cùng nhau nấu ăn, cùng nhau cười đùa, nhờ vậy mà người trong dòng họ không có sự xa cách, có chuyện gì cũng tâm sự với nhau, cùng nhau giải quyết. Bây giờ chúng tôi vẫn giữ truyền thống ấy”.

Ông bà xưa hay ghép tên con thành những từ hoặc câu có ý nghĩa, hy vọng các con sẽ sống đúng với cái tên ấy.

Bà Nguyễn Thị Thảnh (ấp 6, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ) hóm hỉnh nói: “Ba má đặt tên chị em tôi là Thảnh, Thơi. Bởi vậy, tôi cứ thảnh thơi mà sống, ai làm gì làm, chỉ biết chuyện mình, lỗi mình chứ không nên xen vào chuyện người khác”.

Cẩn thận với những vị “thầy”

Việc “chữa lành” có hai loại, một là nhờ đối tượng bên ngoài, hai là quay vào nội tâm. Nếu chọn đối tượng bên ngoài là người thân, gia đình, truyền thống tổ tiên thì các bạn trẻ không phải mất nhiều tiền bạc, thời gian; nhất là không bị lừa đảo trước những rủi ro, nguy cơ từ các vị “thầy” trên mạng, các khóa học,...

Một trong những mặt trái của cuộc sống hiện đại là con người dễ bị cuốn theo một trào lưu nào đó. Các bạn trẻ thiếu kinh nghiệm sống, lại mang sẵn trong mình tinh thần đổi mới, phá cách nên càng dễ bị dẫn dụ.

Ông Phùng Tấn Tú (phường 6, TP.Tân An) chia sẻ: “Gần 60 năm cuộc đời, tôi đã biết về chiến tranh, về thời kỳ còn khó khăn của đất nước. Những bạn trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X thì chưa trải qua nên khi nghe họ nói về vấn đề này cần xem xét kỹ lưỡng”. Ý ông muốn nhắn nhủ lớp trẻ về thái độ khi tiếp nhận một vấn đề. Một thái độ tin theo, làm theo mà không suy nghĩ thì không phải là một thái độ hiểu biết.

Theo đó, bạn trẻ cần xét đoán thật kỹ bậc “đạo sư” “chữa lành” của mình, cần dành thời gian thân cận, tiếp xúc với họ. Nếu một người mà tâm trí còn quá nhiều vấn đề đã vội đi “chữa lành” cho người khác thì đó là hại người chứ không phải giúp người. Việc đọc được nhiều kiến thức rồi lên mạng nói thì ai cũng làm được. Một vị “thầy” có học mà không hành sẽ lạc vào “sở tri chướng” (hiểu biết là một trở ngại). Bởi họ sẽ nghĩ họ giỏi rồi và không nghe ai cả. Từ đó dạy ra những học trò như mình.

Việc “chữa lành” nếu không khéo sẽ trở thành cuộc trốn chạy không chủ đích. Người đi “chữa lành” không khéo sẽ chỉ là dời địa điểm đau khổ. Thay vì tốn tiền của, công sức, bạn trẻ có thể quay về gia đình xem cách sống của những người yêu thương mình vô điều kiện. Họ đã và đang hạnh phúc./.

Theo LÊ AN (Báo Long An)