Thực thi EVFTA: Thách thức từ cạnh tranh nguồn lực lao động

17/09/2019 - 20:04

Cơ hội mà EVFTA mang lại cho các doanh nghiệp rất lớn, nhưng chỉ với điều kiện các nhà tuyển dụng phải có được lực lượng lao động phù hợp để khai thác được tất cả các cơ hội này.

Theo các chuyên gia, EVFTA sẽ đặt các doanh nghiệp trước những cạnh tranh về nguồn lao động, nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng các đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn về chất lượng hàng hoá, dịch vụ.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “EVFTA: Cơ hội và thách thức đối với nguồn nhân lực Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Manpower Group tổ chức ngày 17-9. 

Cạnh tranh nguồn nhân lực

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được xem là một hiệp định tự do thương mại thế hệ mới với một phần nội dung cam kết về các tiêu chuẩn lao động và môi trường. Việt Nam và EU đã nhất trí về một chương trình hành động với các cam kết tái khẳng định việc tôn trọng, thúc đẩy hiệu quả bốn tiêu chuẩn lao động cơ bản theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động quốc tế ILO, gồm: Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động, chấm dứt lao động cưỡng bức, xoá bỏ lao động trẻ em và xoá bỏ các hình thức phân biệt đối xử trong lao động.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, các FTA thế hệ mới đang hướng tới nền thương mại nhân văn hơn và bền vững hơn. Không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động nhưng các FTA đều có những điều khoản lao động dựa trên nguyên tắc của Tổ chức lao động quốc tế.

Với việc xoá bỏ đến 99% thuế quan xuất khẩu, EVFTA sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội cạnh tranh về giá cả hàng hoá khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Điều này được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập cho người lao động Việt Nam, đặc biệt là các ngành sản xuất như dệt may, da giày, đồ gỗ và thuỷ sản.

Đáng lưu ý, EVFTA cũng sẽ đặt các doanh nghiệp trước những cạnh tranh về nguồn lao động cũng như thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng các đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn về chất lượng hàng hoá, dịch vụ của thị trường châu Âu.

Thông qua EVFTA, Việt Nam có cơ hội để phát triển thị trường lao động bền vững, hài hoà, mang lại lợi ích đồng thời cho cả người lao động và doanh nghiệp trong lâu dài. Tuy nhiên, điều này mở ra đồng thời cả cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp khi phải thay đổi để thực hiện các cam kết.

Các chuyên gia cho rằng, để hiện thực hoá được các cơ hội đó đòi hỏi doanh nghiệp phải có những điều chỉnh trong chiến lược phát triển nhân lực.

Doanh nghiệp sẽ gặp phải sự cạnh tranh về nguồn nhân lực trong thực thi EVFTA. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cần điều chỉnh chiến lược phát triển nguồn nhân lực

Trên thực tế, chính phủ Việt Nam đang xem xét sửa đổi các chính sách và pháp luật lao động, thông lệ lao động tại doanh nghiệp để phù hợp với những cam kết của Việt Nam trong các FTA thế hệ mới.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng cơ hội mà EVFTA mang lại cho các doanh nghiệp rất lớn, nhưng chỉ với điều kiện các nhà tuyển dụng phải có được lực lượng lao động phù hợp để khai thác được tất cả các cơ hội này. Đặc biệt, để hiện thực hoá được các cơ hội đó đòi hỏi doanh nghiệp phải có những điều chỉnh trong chiến lược phát triển nhân lực hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, hiện tại, ngành dệt may đang thiếu lao động, trong tương lai ngành này thu hút đầu tư lớn thì sẽ xảy ra tình trạng tranh cướp lao động. Các nguyên tắc mới sẽ khiến doanh nghiệp bỏ ra chi phí “tuân thủ” lớn.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, chất lượng nguồn nhân lực thực sự đang là thách thức với Việt Nam trong hội nhập. Số liệu từ Khảo sát Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI cho thấy, các doanh nghiệp FDI chia sẻ họ dễ dàng tiếp cận được với nguồn lao động phổ thông, tuy nhiên bức tranh không mấy tích cực khi doanh nghiệp muốn tìm kiếm lao động lành nghề, có kỹ năng cao như cán bộ kỹ thuật, giám sát và quản lý. Có tới 50% doanh nghiệp cho rằng khó tuyển dụng lao động chất lượng cao, 85% doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự cấp cao, kỹ sư hàng đầu...

Ông Simon Matthews, Tổng Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam nhấn mạnh: “Để có thể phát triển lên tầm cao mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạnh công nghiệp 4.0, việc phát triển nhân tài là một trong những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp tại Việt Nam. Do đó, để thành công, các doanh nghiệp cần vạch ra những chiếc lược nhân tài phù hợp”.

Theo HỒNG KIỀU (Vietnam+)