Việt Nam sẽ đưa 120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2019

20/01/2019 - 14:42

Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE, một số nước Đông Âu là những thị trường thu hút đông người lao động Việt Nam.

Ngày 19.1, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho hay, năm 2019 Việt Nam đặt kế hoạch đưa ra nước ngoài 120.000 lao động mới, với mục tiêu hướng đến là các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Rumani, Bulgari... 

"Số lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài tăng đều trong các năm qua, nhất là Nhật Bản tăng mạnh trong năm 2018, song các thị trường này ngày càng khắt khe, yêu cầu người lao động có tay nghề và phải đáp ứng được các kỹ năng khác như ngoại ngữ, ứng xử", ông Liêm nói. 

Theo lãnh đạo Cục quản lý lao động ngoài nước, tại Đài Loan, sau khi trừ các khoản chi tiêu tối thiểu, người lao động có thể để dành từ 700 USD đến 8.000 USD mỗi tháng tuỳ theo công việc; Nhật Bản khoảng 1.500 USD; Hàn Quốc 1.300 USD đến 1.500 USD. Đây cũng là các thị trường mà nhiều lao động Việt Nam muốn đến làm việc, do đó, ngành lao động sẽ đẩy mạnh tìm kiếm các hợp đồng.

Ông Liêm thông tin thêm, hiện Việt Nam có khoảng 580.000 lao động làm việc ở nước ngoài, mỗi năm có thể đưa thêm hơn 100.000 người đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, mối quan ngại của cơ quan chức năng là lao động Việt Nam bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp ở nước sở tại, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của những lao động khác.

"Thời gian tới Cục sẽ yêu cầu các trung tâm đào tạo xem xét ý thức, hành vi của người lao động trong quá trình học nghề, tăng cường giáo dục cho người lao động để nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng", ông nhấn mạnh.

Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, đại diện cơ quan lao động một số nước khi làm việc với Bộ đều mong muốn chi phí đóng góp của người lao động Việt Nam ra nước ngoài là thấp nhất, để họ không phải chịu áp lực về tài chính, yên tâm làm việc, tránh đi vào con đường bất hợp pháp. Do đó, Bộ sẽ có giải pháp siết chặt quy định đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực này để giảm tối đa các chi phí mà người lao động phải đóng góp. Trong quý I/2019, Bộ Lao động sẽ tổ chức hội nghị với doanh nghiệp để chấn chỉnh hoạt động đưa lao động ra nước ngoài.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, cả nước mỗi năm có 800.000 người bước vào tuổi lao động, số lao động ra nước ngoài làm việc tăng 20-25% (trung bình 150.000 người) là hợp lý, không thể kỳ vọng tăng cao quá vì sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực trong nước. 

Năm 2018, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt hơn 142.800 người (trong đó có khoảng 50.300 lao động nữ ) vượt 30% so với kế hoạch, tăng 6% so với năm trước. Đây là năm thứ năm liên tiếp lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt ngưỡng 100.000 người.

Năm qua cũng ghi nhận lần đầu tiên thị trường Nhật Bản thu hút lao động nhiều nhất với hơn 68.700 người, vượt qua Đài Loan là gần 60.400 lao động; Hàn Quốc với trên 6.500 lao động.

Lao động Việt Nam bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc là lớn nhất với 34% số lao động ở nước này. Mới đây Hàn Quốc đã có chính sách ân hạn cho những người bỏ trốn đến hết tháng 3 năm sau tự nguyện về nước sẽ không bị xử phạt.

Theo ĐOÀN LOAN (Vnexpress)