Không cần bón phân giai đoạn trổ - chín
Khuyến cáo này của GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp - giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ đã gây bất ngờ lớn đối với hơn 1.600 ND các tỉnh ĐBSCL. Đây là những ND được mời tham gia sự kiện “Amistar Top - xanh lá oằn bông” do Tập đoàn Lộc Trời phối hợp Công ty Syngenta Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Thoại Sơn).
“Chúng tôi đã nghiên cứu và khẳng định rằng, việc bón phân vào giai đoạn trổ - chín không hề giúp tăng năng suất lúa. Bón phân vào thời kỳ này là sự lãng phí rất lớn mà nhiều ND hay mắc phải. Trong khi đó, chỉ cần biết cách giữ xanh bộ lá đòng thêm 1 ngày, năng suất đã tăng thêm 150kg/ha, giữ xanh thêm 3 ngày, năng suất tăng khoảng nửa tấn lúa/ha” - GS.TS Nguyễn Bảo Vệ nhấn mạnh.
Các kỹ sư trao đổi với ND quy trình canh tác giữ xanh bộ lá đòng
Chuyên gia này cho biết, nếu như con người chỉ có 1 đường cung cấp dinh dưỡng (DD) thông qua ăn uống thì cây lúa có đến 2 hệ DD gồm: DD khoáng (được hút lên từ bộ rễ) và DD đường bột (được tổng hợp từ ánh sáng, khí CO2, nước và chất diệp lục trên lá lúa), tức cây lúa có khả năng tự dưỡng.
“Khi lúa ở giai đoạn sinh dưỡng (từ sau khi sạ đến thời kỳ tượng đòng), cần nhiều DD khoáng để phát triển nên giai đoạn này bón phân là chính. Bắt đầu vào giai đoạn sinh sản (từ tượng đòng đến trổ), nhu cầu DD khoáng và DD đường bột là ngang nhau, lượng phân bón cần ít hơn.
Khi chuyển sang giai đoạn trổ - chín, lúa không cần DD khoáng nữa mà cần DD đường bột để hạt lúa vào gạo. Thời kỳ này, bộ 3 lá đòng giữ vai trò như nhà máy sản xuất đường bột, cung ứng cho bông lúa. Hạt lúa có vào chắc đến tận cậy hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc giữ xanh bộ lá đòng chứ không phải do phân bón. Trong khi đó, 2 lá phía dưới nuôi ngược lại bộ rễ, giúp lúa cứng cây” - GS.TS Nguyễn Bảo Vệ phân tích.
Bảo vệ “dây chuyền” cung cấp đường bột
“Vậy phải giữ xanh bộ lá đòng trong bao lâu? Câu trả lời là càng lâu càng tốt, cố gắng giữ xanh lá cho đến khi hạt lúa chín vàng” - GS.TS Nguyễn Bảo Vệ nhấn mạnh. Ông cho rằng, trước đây, ND chưa có kỹ thuật giữ xanh bộ lá đòng nên mặc nhiên nghĩ rằng bông lúa vàng thì lá lúa cũng phải vàng theo. “Cũng giống như người ta mặc nhiên người già phải còng lưng. Bản thân tôi dù đã “U70” nhưng vẫn đứng thẳng, đó là nhờ tôi áp dụng lối sống khoa học” - ông Vệ so sánh dí dỏm.
GS.TS Nguyễn Bảo Vệ cho biết, có 4 nguyên nhân khiến bộ lá đòng mất dần màu xanh sau khi trổ là: tác động của khí Ethylene (C2H4) thải ra khi lúa chín, do thiếu DD, do lúa bệnh - bị stress và do rễ bị lão hóa. “Cứ tưởng tượng, việc cung cấp đường bột cho hạt lúa giống như một dây chuyền của nhà máy sản xuất. Những hạt lúa ngoài cùng được cung cấp đường bột trước, khi đã “ăn no”, bắt đầu chín lại thải khí Ethylene khiến bộ lá đòng mau lão hóa, bị mất màu xanh (diệp lục tố). Khi đó, những hạt lúa trong cậy chưa kịp vào gạo đầy đủ, bị lửng, lép, năng suất không đạt tối ưu. Bởi vậy người ta mới nói xanh lá thì oằn bông” - GS.TS Nguyễn Bảo Vệ chia sẻ.
Theo ThS Nguyễn Văn Minh, chuyên gia của Công ty Syngenta Việt Nam, qua 10 năm đưa vào sử dụng, sản phẩm Amistar Top được chứng minh giúp ngăn chặn hình thành khí Ethylene, khiến quá trình lão hóa lá lúa bị chậm lại, kéo dài màu xanh của bộ lá đòng, giúp tăng năng suất lúa và ngăn ngừa một số bệnh hại hiệu quả. Thông qua phân phối của Tập đoàn Lộc Trời, sản phẩm Amistar Top đã được cung ứng xuống hàng ngàn hộ ND trong nhiều năm qua.
Từ sự kiện “Amistar Top - xanh lá oằn bông”, hơn 1.600 ND ĐBSCL đã được tham quan thực tế ruộng lúa sử dụng Amistar Top cùng các giải pháp tổng thể khác theo quy trình canh tác của Tập đoàn Lộc Trời, so sánh với ruộng đối chứng không sử dụng quy trình kỹ thuật mới. “Điều quan trọng là bà con cần sử dụng Amistar Top đúng hướng dẫn. Đồng thời, chú ý các chi tiết nhận dạng để mua hàng chính hãng, bởi hiện nay có nhiều sản phẩm làm giả, kém chất lượng được tung ra trên thị trường” - ThS Minh lưu ý.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN