Ðiện Biên phát triển rừng bền vững

09/06/2021 - 09:15

Ðiện Biên là tỉnh miền núi có diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp chiếm 72,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) phụ thuộc và ảnh hưởng nhiều đến rừng và đất rừng. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) Ðiện Biên đã thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ rừng. Nhờ đó, sau 5 năm Ðiện Biên đã có thêm nhiều cánh rừng xanh tốt, tỷ lệ che phủ rừng tăng hơn 4,16% so với giai đoạn trước.

Năm 2018, bắt tay thực hiện quy hoạch ba loại rừng để giao đất, giao rừng với tỉnh Ðiện Biên là việc rất khó. Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Ðiện Biên Bùi Minh Hải chia sẻ: "Trước đây, diện tích đất lâm nghiệp của Ðiện Biên lớn nhưng trên thực tế việc phân chia đất lâm nghiệp thành từng loại: đất có rừng, không có rừng hay phân chia trạng thái rừng thì địa phương còn lúng túng. Với người dân, nhất là đồng bào DTTS ở vùng cao, biên giới thường có tâm lý sợ mất đất canh tác nương rẫy khi tham gia trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng cho nên một số người không hợp tác khi chính quyền địa phương đo đạc làm quy hoạch rừng. Có người còn chống đối, kích động người trong gia đình, dòng họ phá rừng làm nương trái phép...". Tuy nhiên, xác định khó vẫn làm và phải làm bằng được, Sở NN - PTNT tỉnh đã phân công lãnh đạo sở chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các huyện rà soát diện tích rừng từng địa bàn để hoàn thành quy hoạch ba loại rừng. Ngay sau khi UBND tỉnh phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở NN - PTNT chủ động phối hợp các địa phương tổ chức công bố, bàn giao sản phẩm quy hoạch làm cơ sở để quản lý, tổ chức triển khai thực hiện theo quy hoạch.

Người dân xã Mường Thín, huyện Tuần Giáo chăm sóc rừng.

Căn cứ quy hoạch ba loại rừng, hằng năm UBND tỉnh yêu cầu các huyện đăng ký diện tích trồng mới phải có sơ đồ, địa bàn trồng cụ thể; trên cơ sở đó, giao Sở Tài chính tham mưu, phân bổ nguồn. Với cách làm cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020, Ðiện Biên đã có 4.471 ha rừng trồng mới, trong đó có 998 ha rừng phòng hộ; 9,36 ha rừng đặc dụng và 3.463,64 ha rừng sản xuất. Diện tích rừng được người dân, các tổ chức nhận khoán khoanh nuôi hơn 41.530 ha… Các huyện đã giao được 328.126,14 ha rừng và đất lâm nghiệp cho 4.639 chủ rừng quản lý, bảo vệ để hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Hiện nay, các huyện đang đẩy nhanh tiến độ giao hơn 366.626 ha rừng và đất lâm nghiệp để người dân chăm sóc bảo vệ.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) được các chủ rừng, chính quyền các huyện, xã, tổ chức đoàn thể, xã hội quan tâm triển khai bằng nhiều hình thức qua đó từng bước nâng cao nhận thức người dân. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ðiện Biên đã chủ động ký quy chế phối hợp với các lực lượng vũ trang tăng cường thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng. Theo đó toàn bộ 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tổ chức ký quy chế giữa các đơn vị: công an, quân sự, kiểm lâm cùng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, PCCCR. Bốn huyện biên giới là: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Ðiện Biên còn tổ chức ký quy chế phối hợp bảo vệ rừng khu vực biên giới giữa kiểm lâm với các đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ và phát triển rừng được các lực lượng kiểm lâm, công an, quân sự, bộ đội biên phòng, chính quyền cấp xã thường xuyên triển khai đến từng thôn, bản; đồng thời tổ chức cho nhân dân ký cam kết quản lý, bảo vệ rừng. Theo thống kê, trung bình mỗi năm Ðiện Biên giảm 9% số vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp; việc khai thác rừng trồng, chế biến lâm sản được quản lý chặt chẽ, bảo đảm các quy định của pháp luật; công tác ứng dụng khoa học, công nghệ, như là: sử dụng máy tính bảng, flycam, bản đồ dạng số, ảnh vệ tinh… trong bảo vệ, phát triển rừng, nhất là theo dõi diễn biến rừng và PCCCR được chú trọng áp dụng.

Nguồn vốn DVMTR chi trả trực tiếp cho các chủ rừng, chủ yếu là các hộ gia đình đồng bào DTTS đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Ông Lỳ Tư Xè, Trưởng nhóm nhận khoán bảo vệ rừng bản Nậm Pắt, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé cho biết: "Trước đây, kinh tế gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong bản rất khó khăn. Từ năm 2013, nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng được hưởng DVMTR, đời sống dân bản bớt khó khăn hơn trước". Từ năm 2016 đến cuối năm 2020, toàn tỉnh Ðiện Biên có hơn 40 nghìn hộ gia đình được chi trả tiền DVMTR với tổng số tiền chi trả hơn 888 tỷ đồng (bình quân mỗi gia đình được hưởng hơn 1,5 triệu đồng/năm). Bên cạnh đó, nhờ chính sách hỗ trợ trồng, bảo vệ rừng, Sở NN - PTNT tỉnh đã hỗ trợ 310 lượt công dân ở vùng đệm các khu rừng đặc dụng; trợ cấp gạo cho người trồng rừng; hỗ trợ bốn ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Việc chi trả kịp thời chế độ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đến người dân đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Người dân chủ động đăng ký trồng rừng, nhận khoán, khoanh nuôi rừng, điển hình như ở huyện Mường Ảng, mỗi năm, người dân đều đăng ký trồng mới gần 500 ha.

Với mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ che phủ toàn tỉnh Ðiện Biên đạt 45,5%, Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Bùi Minh Hải cho biết: Ðiện Biên sẽ ưu tiên nguồn lực bảo vệ, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh diện tích rừng hiện có; đồng thời thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR để người dân yên tâm gắn bó với rừng. Cùng với đó, địa phương coi trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế rừng, nhất là trồng rừng sản xuất theo hướng tập trung, tạo vùng nguyên liệu gắn với xây dựng nhà máy chế biến, thúc đẩy phát triển cây gỗ lớn, giá trị cao tại các địa phương có lợi thế như: Tuần Giáo, Mường Ảng...

Theo LÊ LAN (Báo Nhân Dân)