“Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”

02/02/2023 - 06:46

 - Kết thúc kỳ nghỉ dài Tết Nguyên đán, trước khi quay lại guồng công việc năm mới, nhiều đơn vị, địa phương khởi động bằng lễ ra quân “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, nhắc đi nhắc lại câu thơ của Bác “Mùa Xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”.

Khởi đầu xanh tươi

Mùa Xuân Canh Tý 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia trồng cây tại Công viên Thống Nhất (thủ đô Hà Nội), phát động “Tết trồng cây” đầu tiên. Bác đi xa, thế hệ sau chuyển từ “Tết trồng cây” sang “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, lưu giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khởi đầu cho các hành động bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng hàng năm của cả đất nước.

Càng về sau, chúng ta càng thấm thía lời dạy và tầm nhìn xa trông rộng của Bác. Đi cùng với phát triển kinh tế - xã hội là biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lụt, sạt lở, hạn, mặn… ngày gây hậu quả nặng nề đến tính mạng, tài sản nhân dân. Yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng được đặt ra quyết liệt hơn, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo, tỉnh trồng cây tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Giai đoạn 2021-2025, cả nước phấn đấu trồng mới 1 tỷ cây xanh, nhân dịp “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” hàng năm. Chỉ tiêu cây xanh được trồng năm sau phải cao hơn 1,5-2 lần so với năm trước. Chính phủ đề nghị thời điểm tổ chức phát động “Tết trồng cây” phải phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng vùng sinh thái; ưu tiên lựa chọn loài cây trồng gỗ lớn, lâu năm, đa mục tiêu, gắn với nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp và mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Sau 3 năm, đến Xuân Quý Mão 2023, hàng triệu ha rừng, hàng trăm triệu cây xanh đã được trồng trên khắp đất nước, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, cải thiện môi trường sinh thái, phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào giảm nhẹ thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Độ che phủ rừng của Việt Nam tăng từ 28% (năm 1990) lên trên 42% (năm 2022).

Trong dự án trồng cây lâm nghiệp phân tán tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu “phủ xanh” hơn 5.000ha, hơn 5,2 triệu cây, trải đều ở 11 huyện, thị xã, thành phố, tổng mức đầu tư trên 35 tỷ đồng. Góp sức vào chỉ tiêu 1 tỷ cây xanh của cả nước, An Giang đề ra mục tiêu trồng 18 triệu cây xanh. Tỉnh kỳ vọng khai thác hết tiềm năng đất đai, tận dụng triệt để nguồn đất trống và nguồn lao động trong nông thôn để trồng cây xanh, tạo ra nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xây dựng; tăng thêm nguồn thu nhập cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Trồng cây nào chắc cây ấy

Nhắc lại tinh thần trồng cây, UBND tỉnh An Giang chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; động viên, khuyến khích nhân dân, cộng đồng dân cư tích cực tham gia; rà soát, bố trí quỹ đất trồng, chuẩn bị đủ cây giống để trồng rừng và trồng cây phân tán, bảo đảm phù hợp và khả thi. Toàn tỉnh huy động nguồn lực từ xã hội hóa, chủ động cân đối, bố trí vốn ngân sách địa phương, kết hợp thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, phấn đấu hoàn thành, vượt kế hoạch trồng cây xanh giai đoạn 2021-2025.

Hiện nay, các đơn vị, địa phương đang chuẩn bị mùa “gieo trồng” mới. Ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, UBND TP. Long Xuyên phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Địa phương đề ra chỉ tiêu trồng gần 150.000 cây xanh năm 2023. Riêng trong phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, địa phương trồng 263 cây (giáng hương, kèn hồng, dầu); 400 cây xanh đô thị và 116.000 cây ăn trái trong hộ dân.

Phong trào trồng cây phân tán còn được tổ chức ở cấp xã, tổng số 24.888 cây xanh (bạch đàn, tràm, keo lá tràm, sao đen...). Toàn bộ cây giống do Chi cục Kiểm lâm An Giang cấp. Ngân sách nhà nước hỗ trợ mua gần 25.000 cây xanh; phần còn lại do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư trồng. Cây ô môi - loài cây đặc trưng của quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng - sẽ được trồng theo tuyến tránh đi qua 8 xã, phường của TP. Long Xuyên. 

“Sau lễ phát động, địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch trồng cây nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023), 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2023). Cây trồng phải phù hợp điều kiện thổ nhưỡng địa phương và các quy định cây trồng trong đô thị” - Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Nguyễn Bảo Sinh thông tin.

“Tết trồng cây” cũng lan tỏa sâu rộng vào lực lượng vũ trang. Với Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang, dự kiến hơn 6.600 cây xanh sẽ được trồng ở các đồn biên phòng trong năm nay. Riêng lễ phát động cấp Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh sẽ được tổ chức tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, cùng sự tham gia của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể xã Vĩnh Xương, Phú Lộc và đoàn viên, thanh niên TX. Tân Châu…

Bác Hồ từng căn dặn: Phải trồng cây hiệu quả, “trồng cây nào chắc cây ấy”; trồng cây rồi thì phải chăm sóc cây để cây sống và tươi tốt, vì “trồng nhiều mà không chịu khó chăm sóc, để cây chết thì tốn công, vô ích”. Vì thế, tâm huyết trồng cây phải đi đôi với tâm huyết chăm sóc cây, để trọn vẹn ý nghĩa của một đất nước “càng ngày càng Xuân”.

KHÁNH AN