“Luồng gió mới” cho ngành hàng lúa gạo An Giang

20/05/2024 - 06:13

 - An Giang cũng giống như các tỉnh khác vùng ĐBSCL, sản xuất lúa từ 1 vụ lên 2 vụ, rồi 3 vụ/năm. Việc triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 tại An Giang nhằm hướng đến mục tiêu “chuyên nghiệp hóa ngành hàng lúa gạo”, góp phần tạo dựng hình ảnh ngành hàng lúa gạo “minh bạch, trách nhiệm, bền vững”.

Đóng gói gạo xuất khẩu

Nhân rộng cánh đồng lúa chất lượng cao

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 tại An Giang (gọi tắt là đề án), tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đạt 44.051ha (trên cơ sở diện tích vùng dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững -VnSAT trước đây) và nhân rộng ở những vùng thuận lợi.

Hướng đến canh tác bền vững, nông dân gieo sạ 80 - 100kg/ha lúa giống; giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm 20% lượng nước tưới (so với canh tác truyền thống) và 100% diện tích (tương đương 100% hộ) áp dụng ít nhất 1 quy trình canh tác bền vững, như: “1 phải, 5 giảm”, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (Sustainable Rice Platform - SRP), các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.

Về tổ chức sản xuất, phấn đấu đến năm 2025, có 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp (DN) với tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) hoặc các tổ chức nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 50% diện tích. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%. Trên 35.000 hộ nông dân áp dụng quy trình canh tác bền vững. 70% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng. Giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.

Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%. Lượng gạo chất lượng cao và phát thải thấp xuất khẩu chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh. Lượng gạo xuất khẩu chất lượng cao và phát thải thấp chiếm hơn 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

An Giang phấn đấu đến năm 2030 diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 152.198ha. Để canh tác theo hướng bền vững, lượng lúa giống gieo sạ dưới 70kg/ha; giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm 20% lượng nước tưới (so với canh tác truyền thống); 100% diện tích áp dụng ít nhất 1 quy trình canh tác bền vững.

Về tổ chức sản xuất, 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa DN với THT, HTX hoặc các tổ chức nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích. Trên 100.000 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%. 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng. Giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.

Về thu nhập người trồng lúa, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%. Phấn đấu lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh. Đến năm 2030, có 200 HTX, tổ chức nông dân, liên hiệp HTX tham gia.

Triển khai đồng bộ

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, tỉnh tiến hành quy hoạch và tổ chức lại sản xuất. Theo đó, xác định quy mô vùng sản xuất lúa tập trung, nằm trong vùng quy hoạch đất chuyên trồng lúa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo đủ điều kiện để sản xuất ít nhất 2 vụ lúa/năm (hoặc có thể sản xuất 2 vụ lúa có xen canh hoặc luân canh rau màu, thủy sản đảm bảo tiêu chí xây dựng vùng lúa chất lượng cao theo đề án).

Giai đoạn 1 (đến năm 2025), tập trung thực hiện ở các huyện đã tham gia Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (Dự án WB9) tại huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, An Phú, Châu Phú, TX. Tịnh Biên, dần dần mở rộng tại các địa phương khác có vùng sản xuất tập trung, như: Huyện Châu Thành, Phú Tân, Chợ Mới, TX. Tân Châu.

Giai đoạn 2 (2026 - 2030), xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp, ngoài vùng Dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm để đạt được diện tích mục tiêu khoảng 150.000ha vào năm 2030. Giai đoạn này sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu, như: Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống MRV (đo đạc, báo cáo, kiểm tra) và có diện tích đủ điều kiện tham gia chi trả tín chỉ các-bon.

Bên cạnh đó, củng cố và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng, kết nối giao thông nội đồng và hệ thống giao thông liên vùng trong tỉnh; hoàn thiện và nâng cấp hệ thống thủy lợi tưới, tiêu nội đồng; trang bằng đồng ruộng theo từng tiểu vùng để góp phần tiết kiệm nước, áp dụng tốt giải pháp kỹ thuật trong sản xuất. Rà soát mạng lưới kho, sấy, chế biến trong vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, bảo đảm cung cấp tốt dịch vụ kỹ thuật và bảo quản sau thu hoạch. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác giống và kỹ thuật canh tác; truy xuất nguồn gốc; nâng cao năng lực HTX, THT, tổ chức nông dân, tổ khuyến công…

“Đề án nhằm hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh và kết hợp tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình canh tác bền vững, nhằm nâng cao thu nhập của người trồng lúa, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Thúc đẩy hình thành và phát triển ổn định HTX, THT, tổ chức nông dân, đóng góp quan trọng vào chuỗi liên kết lúa gạo trên địa bàn tỉnh. Tăng dần tỷ lệ sản xuất có liên kết tiêu thụ qua từng năm thực hiện. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo điển hình, làm mô hình kiểu mẫu cho phát triển lĩnh vực lúa gạo tại An Giang đến năm 2030” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy thông tin.

THU THẢO