“Lướt” trên đồng lũ

26/10/2023 - 21:16

 - Chiếc vỏ lãi nổ máy chan chát, lướt nhanh trên mặt nước đưa chúng tôi trải nghiệm đánh bắt cá, tôm trên đồng lũ. Khung cảnh khai thác sản vật thật nhộn nhịp, tạo nên bức tranh đa sắc trong mùa nước nổi.

Dỡ đú, cá nhảy lách tách

Mờ sáng, vợ chồng Mười Hưng (ngụ xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) dậy sớm khởi động chiếc vỏ lãi đi dỡ đú đặt trên cánh đồng biên giới. Trông trời xa, những luồng đú bủa ngang, dọc nằm cạnh nhau trên đồng lũ, trông như “ma trận” giăng bắt cá, tôm. Chiếc võ lãi đến nơi, Mười Hưng vội tắt máy, tay cầm chiếc sào tre thọt phụt xuống đáy nước chóng chiếc vỏ lãi chầm chậm đến từng miệng đú.

Kéo mành lưới lên khỏi mặt nước, Mười Hưng xả túi đú vào chiếc thau nhôm, cá linh, cá thiểu, cá chốt, cá heo nhảy chanh chách, văng nước tứ tung. Những con cua đồng được vợ Mười Hưng nhanh tay bắt bỏ vào chiếc thùng nhựa cân cho bạn hàng. Riêng, các loại cá, vợ chồng Mười Hưng rọng sống trong khoang vỏ lãi để bán chợ xa. 

Mùa lũ năm nay, Mười Hưng đặt 17 luồng đú tại cánh đồng biên giới. Mỗi luồng đú, Mười Hưng đầu tư chi phí khoảng 4 triệu đồng. “Theo thời giá, thứ gì cũng đắt đỏ. Hồi trước, cây tràm bằng cườm tay trẻ em chỉ 3.000 đồng, nay tăng lên 8.000 đồng. Ngoài ra, lưới, dây đều tăng. Năm nào lũ lớn, cá, tôm nhiều, thu nhập rủng rỉnh. Còn lũ nhỏ… xem như lỗ nặng” - Mười Hưng bộc bạch.

Đến nay, ở cái tuổi gần “lục tuần”, Mười Hưng có kinh nghiệm đặt đú hơn 30 năm tại cánh đồng ven biên. Sống cùng lũ riết quen “con nước”. Giơ tay vốc ngụm nước lũ, Mười Hưng “bắt mạch” được nước lũ năm nay dâng thấp, nguồn lợi thủy sản “trời ban” không nhiều so với những năm trước. “Thời điểm này, nước lũ đã “phân đồng”, mỗi ngày tôi dỡ đú chạy vài chục ký cá, cua các loại. Bỏ “sở hụi”, kiếm ngót nghét 300.000 đồng” - Mười Hưng khoe.

Nhớ thời cá, tôm nhiều

Hơn 30 năm trước, Mười Hưng tiếc nuối một thời cá tôm nhiều vô kể. Mỗi khi lũ “phân đồng”, cá nhỏ, cá to, bà con nghèo thu hoạch rất nhiều. Những chiếc vó gạt, vó cất bắt dính đủ loại cá. Khi cơn bấc non thổi nhè nhẹ lạnh thấu xương, đó là lúc cá đồng ra sông, bà con tranh nhau khai thác sản vật thiên nhiên, rộn ràng khúc kênh này.

“Hồi xưa, cá linh đong bằng giạ thấy mê lắm! Về sau, cá linh, cá chốt lộn xộn, người dân tính bằng cần xé, chất dài cả một đoạn kênh chờ bạn hàng đến cân.

Tại kênh Tha La, Trà Sư này, mỗi lần lũ rút cá chạy bắt dính khẳm ghe. Những chiếc ghe đục khắp nơi đổ về đây cân cá làm khô, mắm. Mấy cửa hiệu khô, mắm nổi tiếng ngoài chợ Châu Đốc dong ghe vô đây lựa cá ngon mua về làm mắm bán thị trường Tết Nguyên đán. Ghe xuồng của ngư dân ngược xuôi tấp nập, trông như ngày hội khai thác cá đồng mùa lũ” - Mười Hưng hoài niệm.

Rảo một vòng tại bến cá, gặp Năm Gang (62 tuổi) đang khom lưng tát từng gàu nước trong khoang xuồng khua rột rạt, bắt cá linh cân cho bạn hàng. Hơn 35 năm trong nghề “bà cậu” ăn theo mùa nước nổi, Năm Gang nhớ như in cái thời cá, tôm nhiều không thể tả nổi. Năm Gang kể, thời đó cánh đồng nhà chưa đắp đê ngăn lũ, người ta đặt dớn trên đồng trúng cá chở đầy xuồng.

"Lũ về, nước ngập cao từ 2 - 3m, dìm ngập đường sá, ghe xuồng chạy băng ngang đường vẫn được. Hồi ấy, chưa biết làm đú nên chủ yếu đặt dớn. Khoảng 2 tiếng đồng hồ, thăm dớn một lần. Hàng ngày, tôi đổ dớn 3 - 4 lần, thu hoạch hơn 100kg cá linh. Còn bây giờ, mỗi đêm tôi đặt đú dính khoảng 15 - 20kg, chủ yếu cá tạp. Hiện tại, bạn hàng thu mua loại cá này với giá 15.000 đồng/kg, trừ chi phí kiếm được tròn trèm 150.000 đồng” - Năm Gang bày tỏ.

Mùa lũ, đứng trên bờ kênh nhìn về cánh đồng Thới Sơn nước ngập trắng xóa. Còn bên cánh đồng nằm trong vùng đê bao khép kín thuộc địa phận TP. Châu Đốc, lúa đã cong trái me. Gặp Ba Chọn (quê ở huyện Châu Phú) chóng chiếc xuồng cặp bến mang cá về cân cho bạn hàng.

Đến nay, Ba Chọn đã hơn 2 tháng xa nhà mưu sinh bằng nghề đặt đú trên cánh đồng Thới Sơn. Vợ chồng Ba Chọn lấy chiếc ghe bầu làm nhà, đậu cặp mé kênh để mưu sinh. Ngày nào cũng vậy, vợ chồng Ba Chọn dong chiếc xuồng băng đồng nước khai thác cá, tôm. Cái vòng lẩn quẩn mưu sinh với con cá, con mắm… đã đeo đuổi Ba Chọn mấy chục năm qua.

Náo nhiệt khúc kênh

Ở cái tuổi tròn 50 cũng là ngần ấy thời gian Ba Chọn bươn chải với nghề đặt đú. “Lúc nhỏ, tui đã theo cha đặt dớn trên đồng (sau này là đú). Riết rồi thạo luôn cái nghề cơ cực này. Đến mùa nước nổi, tui chạy ghe vào kênh Vĩnh Tế để khai thác cá, cua” - Ba Chọn bày tỏ. Chiếc ghe của Ba Chọn như căn nhà “di động”, đó là gia tài quý cho cuộc hành trình mưu sinh đầy trắc ẩn trong mùa lũ. Bên trong ghe, Ba Chọn treo vật dụng sinh hoạt gia đình: Nồi, niêu, xoong, chảo… không thiếu cái gì.

“Thấy vậy chứ tiện lắm! Che mưa, che bão đều được. Mọi chuyện nấu nướng, ăn uống đều trên ghe. Ngoài ra, chiếc ghe còn giúp tui đặt đú trên đồng, làm phương tiện mưu sinh…” - Ba Chọn cười khục khặc.

Khi màn đêm buông xuống, vợ chồng Ba Chọn lật đật xách chiếc đèn soi xuống xuồng bắt đầu cuộc hành trình mưu sinh trên đồng nước. Khoảng 5 giờ sáng, Ba Chọn chạy xuồng về cân cá, tôm tại chợ quê.

Trưa biên giới, hàng chục chiếc xuồng cui “chẻ” nước rì rào về chợ Cây Mít (TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) bán cá. Lâu lắm rồi, chúng tôi mới gặp lại cảnh buôn bán cá đồng nhộn nhịp đến vậy. Mặt hàng đặc sản tại chợ này chủ yếu là cá chạch, cá linh, cá rô và tôm càng xanh.

Xách chiếc vợt cá chạch cơm nặng trịch từ mé kênh lên chợ, chị Thủy (bạn hàng chuyên thu mua cá đồng tại chợ Cây Mít) chia sẻ: “Từ đầu mùa lũ đến nay, bà con ngư dân mang cá đồng về đây bán nhiều lắm. Chúng tôi họp chợ rất nhanh, vài mươi phút rồi chở cá bán khắp nơi”. Thời điểm này, bạn hàng và ngư dân nghèo thân quen nhau như những người trong gia đình. Họ liên lạc với nhau để biết được hôm nào cá nhiều hay ít.

Ông Sáu (ngụ phường Nhơn Hưng, giăng lưới trên cánh đồng giáp biên) hồ hởi: “Nếu cá dính lưới nhiều, chỉ cần một cú điện thoại, bạn hàng tới cân cá ngay. Cá linh dính lưới 3 phân rộng đục còn sống có giá 15.000 - 20.000 đồng/kg, cá chạch cơm dính lưới ba phân 150.000/kg, cá rô giăng lưới loại 3 ngón tay 50.000 - 60.000 đồng/kg”.

Ngư dân đánh bắt cá, hay tiểu thương kinh doanh sản vật thiên nhiên trong mùa lũ hiếm khi được thưởng thức loại đặc sản này. Vì trong hành trình đó, họ chỉ biết khai thác và bán để kiếm thu nhập, trang trải cuộc sống.

“Hơn 20 năm qua, tui cân cá ở chợ này chứng kiến bà con bắt dính cá to, cá ngon rất nhiều. Tất cả đều chung một ý muốn, mang bán để kiếm được nhiều tiền. Họ không dám ăn, vì giá trị kinh tế của những sản vật đó rất cao. Bản thân tôi cũng vậy, cân cá lớn nhiều lúc thèm ăn nhưng bấm bụng mang đi bán, kiếm đồng lời lo sấp nhỏ ăn học” - chị Bé trần tình.

Nguồn cá ngon, bạn hàng không bán tại chỗ mà chuyển toàn bộ đi chợ xa. Bởi theo họ, tôm, cá đồng vận chuyển xa sẽ bán được giá, do nhu cầu ăn cá đồng của người dân tại phố thị rất phổ biến..

Chị Thủy chia sẻ thêm: “Cá chạch dính lưới 3 phân từ 150.000 - 160.000 đồng, bán tại chợ Long Xuyên từ 200.000 - 250.000 đồng/kg. Nếu tôm càng xanh loại 4 con ký, tại chợ Cây Mít có giá 350.000 đồng, vận chuyển về Long Xuyên sẽ bán với giá 600.000 đồng/kg”.

Mùa lũ, mùa tất bật của bà con nghèo, mùa “cày” trên những cánh đồng nước nổi vùng biên. Đời “hạ bạc” là vậy, họ rày đây, mai đó khai thác cá, tôm theo con nước lớn ròng.

LƯU MỸ