“Thông luồng” hàng hóa nông sản

16/07/2021 - 06:50

 - Tiến độ thu hoạch lúa hè thu 2021 đang vào giai đoạn cao điểm tập trung. Việc thực hiện giãn cách xã hội sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thu mua của thương lái ngoài tỉnh. Nếu không có hỗ trợ kịp thời, nông dân sẽ khó tiêu thụ trong điều kiện thời tiết thường xuyên có mưa, không có nơi dự trữ lúa.

Cần hỗ trợ cho thương lái vào An Giang thu mua lúa

Sản lượng lớn

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trương Kiến Thọ cho biết, trong các loại hàng hóa nông sản cần hỗ trợ tốt trong khâu vận chuyển, kết nối tiêu thụ lúc này, cấp bách nhất là lúa hè thu. Đến nay, trong tổng diện tích xuống giống 228.479ha, diện tích thu hoạch mới đạt khoảng 15%. Dự kiến trong tháng 7, sẽ thu hoạch được 70.958ha, sản lượng 410.987 tấn; tháng 8, thu hoạch 105.420ha, sản lượng 611.404 tấn; tháng 9, thu hoạch 32.972ha, sản lượng 409.131 tấn.

Như vậy, sẽ có khoảng 1,4 triệu tấn lúa hè thu được thu hoạch và cần tiêu thụ (chủ yếu là lúa tươi) trong thời gian tới. Trong đó, diện tích đã có hợp đồng với doanh nghiệp (DN) gần 19.200ha, còn lại hơn 200.000ha trông chờ vào thương lái và chủ yếu là thương lái ngoài tỉnh (Đồng Tháp, Long An, TP. Cần Thơ…). Đây là trở ngại quan trọng trong điều kiện nhiều địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Thọ cho biết, với hơn 3.000ha cần thu hoạch mỗi ngày, toàn tỉnh cần khoảng 4.700 người/ngày có mặt thường xuyên trên đồng ruộng để tham gia vào khâu thu hoạch, bốc vác lúa xuống ghe. Trong điều kiện áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg như hiện nay, khả năng di chuyển của con người cùng thiết bị thu hoạch, vận chuyển nông sản giữa các tỉnh giáp ranh địa bàn An Giang bị trở ngại bởi quy định phòng, chống dịch bệnh, như: xét nghiệm nhanh, xét nghiệm PCR, cách ly…

Do nhân công tham gia thu hoạch, vận hành máy gặt đập liên hợp đều là người dân lao động làm thuê nên khó tự nguyện bỏ chi phí xét nghiệm COVID-19, gây thiếu hụt lực lượng vận hành máy móc, thu gom lúa.

Trong khi đó, các thương lái, đơn vị thu mua, DN, các kho chứa đa phần nằm ngoài tỉnh An Giang. Nếu không có giải pháp tháo gỡ, khả năng sẽ thiếu DN, thương lái đến An Giang thu mua lúa, thiếu nhân công tham gia thu hoạch, vận chuyển về nhà máy chế biến. Trong khi đang trong mùa mưa, lúa tươi nếu không được thu hoạch và tiêu thụ kịp thời sẽ bị giảm chất lượng rất nhanh.

Trước những khó khăn này, Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh cho phép người lao động trong tỉnh tập trung dưới 20 người tại một địa điểm thu hoạch lúa, coi như hoạt động sản xuất. Đồng thời, đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp các bộ, ngành và UBND các tỉnh ĐBSCL có giải pháp tháo gỡ lưu thông hàng hóa đường bộ và đường thủy liên tỉnh của vùng ĐBSCL, đảm bảo khâu vận chuyển và tiêu thụ liên thông…

Tạo cơ chế “luồng xanh”

Trong chỉ đạo mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu các sở, ngành, địa phương tạo thuận lợi cho nông dân thu hoạch, tiêu thụ nông sản trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh. Về xét nghiệm COVID-19, hạn chế thực hiện xét nghiệm nhanh (chỉ thực hiện nhằm phục vụ công tác sàng lọc đối tượng).

UBND tỉnh giao UBND cấp huyện lập danh sách các chủ máy và công nhân làm dịch vụ thu hoạch nông sản để tiến hành lấy mẫu kiểm tra theo hình thức xét nghiệm PCR mẫu gộp. UBND cấp huyện lập danh sách các chủ máy và công nhân, gửi về Sở NN&PTNT để chủ trì, phối hợp Sở Y tế và Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh sử dụng kinh phí của tỉnh hỗ trợ xét nghiệm PCR mẫu gộp cho các đối tượng này.

Đối với DN thu mua nông sản trên địa bàn An Giang, giao Sở Công thương thông báo đến các DN khẩn trương lập danh sách phương tiện vận tải và người điều khiển phương tiện vận tải, lộ trình vận tải gửi về Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) để Sở GTVT chủ trì, phối hợp Sở Y tế và Sở Công thương hướng dẫn và phối hợp với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ việc tham gia “luồng xanh” theo chỉ đạo của Bộ GTVT (trong đó có ứng dụng kiểm tra mã QR để rút ngắn thời gian qua trạm kiểm soát dịch bệnh).

Chi phí xét nghiệm PCR cho người điều khiển phương tiện vận tải nông sản khi tham gia “luồng xanh” do DN tự chi trả. UBND cấp huyện và cơ quan liên quan khuyến khích DN thu mua nông sản thực hiện vận tải bằng đường thủy nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng lây lan dịch bệnh. Đối với tài xế vận tải ngoài tỉnh đến An Giang thu mua nông sản của tỉnh, sẽ được hỗ trợ chi phí xét nghiệm COVID-19.

UBND tỉnh giao Sở Công thương thông báo đến các DN kinh doanh hàng hóa trên địa bàn tỉnh, nhất là kinh doanh theo hình thức trực tuyến (online), tiến hành quản lý chặt chẽ đội ngũ nhân viên giao hàng. Đồng thời, yêu cầu các DN lập danh sách đội ngũ nhân viên giao hàng để đưa vào danh sách ưu tiên kiểm soát dịch bệnh và thực hiện xét nghiệm theo mẫu gộp.

Đối với UBND cấp huyện, cần xây dựng kịch bản ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 theo từng tình huống cụ thể nhằm đảm bảo ứng phó tốt với dịch bệnh, đảm bảo sản xuất và lưu thông nông sản. Sở NN&PTNT khẩn trương xây dựng phương án (hoặc kế hoạch) tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở để UBND cấp huyện triển khai thực hiện.

NGÔ CHUẨN