Hội Doanh nhân trẻ An Giang hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang
Doanh nhân trẻ chung sức
Vải thiều Lục Ngạn được biết đến là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang. Do mặt hàng này xuất khẩu chủ yếu nên người dân miền Nam ít có cơ hội tiếp cận với vải thiều loại 1, được thu hoạch và bảo quản đạt chuẩn như xuất khẩu. Trước đây, người dân An Giang khi tiếp cận vải thiều thường là loại 2 trở xuống, sản phẩm về đến tỉnh thường có vỏ cũ, không bắt mắt, chất lượng giảm ít nhiều.
Năm nay, làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 bùng phát và kéo dài ngay thời điểm vải thiều Lục Ngạn vào mùa thu hoạch rộ, xuất khẩu khó khăn, hàng hóa ùn ứ, ảnh hưởng rất lớn đến nông dân trồng vải. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Doanh nhân trẻ Bắc Giang về kết nối tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn, nhóm thành viên Hội Doanh nhân trẻ An Giang lên kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ vải thiều, trong đó chủ lực là chị Nguyễn Ngọc Lan Đình (Giám đốc Công ty TNHH TMDV Ngọc Vĩnh Phú) và chị Vũ Thị Hoa (Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vệ sinh công nghiệp Sáng Xanh). Chỉ sau vài ngày phát động, số lượng đăng ký mua ủng hộ đã đủ số lượng 19 tấn, đảm bảo đầy 1 chuyến container vận chuyển về An Giang.
“Đầu mối hỗ trợ là Hội Doanh nhân trẻ Bắc Giang. Các anh, chị cùng nông dân, hợp tác xã lựa chọn loại vải ngon, đóng thùng ngay sau khi thu hoạch, thổi dưỡng khí bảo quản lạnh trong suốt quá trình di chuyển. Do vận chuyển nhanh, bảo quản đúng cách nên về tới An Giang đảm bảo chất lượng tươi, ngon. Người dân An Giang được thưởng thức loại vải chất lượng, giá cả hợp lý (25.000 đồng/kg) và nông dân Bắc Giang cũng tiêu thụ được hàng. Mình bỏ công kết nối, phân phối, nhiều người có được niềm vui” - chị Lan Đình chia sẻ.
Khoảng 19 tấn vải vừa tập kết về Dự án Kênh Đào (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), với sự hỗ trợ của các doanh nhân trẻ và hơn 10 tình nguyện viên tham gia các khâu bốc dỡ, vận chuyển, nhận đơn hàng, giao hàng… toàn bộ số vải được tiêu thụ nhanh chóng. Vải chủ yếu phân phối cho những người đặt trước với quy cách mỗi thùng 16kg, giá bán 400.000 đồng/thùng.
Nhiều người tự mang phương tiện đến hỗ trợ tiêu thụ vải thiều
Góp sức chia sẻ
Trước tình hình khó khăn chung, ngày 25-5-2021, Bộ Công thương đã có Chỉ thị số 08/CT-BCT về việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của các địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Căn cứ kế hoạch của Tổng cục Quản lý thị trường về triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BCT, tháng 6-2021 vừa qua, Cục Quản lý thị trường An Giang đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Cụ thể, Cục Quản lý thị trường An Giang đã phối hợp Cục Quản lý thị trường Bắc Giang kết nối thương lái tại địa phương hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Giang tiêu thụ vải thiều. Vải thiều và lái xe chuyển hàng về An Giang được các cơ quan chức năng tại huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) kiểm tra y tế, xét nghiệm COVID-19 khi ra khỏi địa bàn tỉnh Bắc Giang và vào địa bàn An Giang. Tính từ ngày 10-6 đến 20-6-2021, Cục Quản lý thị trường An Giang đã hỗ trợ nông dân Bắc Giang tiêu thụ 159 tấn vải thiều, vượt xa so chỉ tiêu cấp trên giao (40 tấn) và đang tiếp tục vận động thương lái hỗ trợ tiêu thụ thêm đến cuối mùa vụ.
Cục Quản lý thị trường An Giang còn phối hợp khối thi đua số 7 Liên đoàn Lao động tỉnh phát động phong trào đến toàn thể công chức, người lao động và người thân, bạn bè của công chức hỗ trợ tiêu thụ mặt hàng khoai lang tím của nông dân tỉnh Vĩnh Long, hành tím của nông dân tỉnh Sóc Trăng còn tồn đọng, chưa tiêu thụ được với số lượng lớn. Qua thời gian phát động, Cục Quản lý thị trường An Giang và khối thi đua số 7 đã hỗ trợ, tiêu thụ được 12 tấn khoai lang, 2 tấn hành tím (trong đó công chức, người lao động Cục Quản lý thị trường An Giang mua hỗ trợ 8 tấn khoai lang và 1 tấn hành tím).
Ngoài việc chủ động dành một phần kinh phí để mua và sử dụng nông sản giúp nông dân, các đoàn viên, tổ chức công đoàn trên địa bàn tỉnh còn tranh thủ vận động người thân, đề xuất thủ trưởng đơn vị, ban giám đốc doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Để khắc phục tình trạng “được mùa, rớt giá”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, cần khắc phục tình trạng “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” để hướng đến một nền nông nghiệp giàu sức cạnh tranh hơn.
Theo đó, nền nông nghiệp cần đặt trọng tâm vào kinh tế tập thể, với nòng cốt là hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, chỗ dựa vững chắc cho tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Các hợp tác xã nông nghiệp cùng với cộng đồng doanh nghiệp đảm trách vai trò định hướng, dẫn dắt thị trường. Đây là 2 thành phần quan trọng trong hệ sinh thái nông nghiệp, đưa nông nghiệp phát triển trong tình hình mới…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Hiệp hội bán lẻ Việt Nam đang xây dựng chương trình kết nối cung cầu nông sản. Trong dài hạn sẽ thiết lập được kênh thông tin 2 chiều, trước khi thu hoạch 15-20 ngày, các cơ sở tại địa phương phải chủ động thông tin về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thông tin với hệ thống phân phối, không đợi đến nông sản thu hoạch rồi mới biết thừa hay thiếu. |
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN