“Trầm tích phù sa”

11/12/2024 - 07:43

 - Đó là tên bài viết của thầy Nguyễn Bình An (giáo viên Trường THPT Châu Phong, TX. Tân Châu). Trong bài viết, hiện lên tấm gương của thầy Lê Giang Đông (Phó Hiệu trưởng trường), 1 cán bộ quản lý tận tâm với ngành giáo dục, với học sinh, lặng lẽ gom góp “phù sa” vun bồi cho đời sau xanh tươi.

Dưới góc nhìn của thầy giáo trẻ Nguyễn Bình An, thầy Lê Giang Đông là tấm gương mẫu mực về tính kỷ luật, biết cách quản lý thời gian rất tốt; chủ động sắp xếp, lên kế hoạch mọi thứ, để giáo viên và học sinh có tâm thế chuẩn bị thực hiện tốt hơn. Đơn cử, thầy Đông thường tranh thủ đọc kế hoạch, công văn, ghi chú việc cần làm trong ngày, phác thảo một số kế hoạch chuyên môn sẽ xây dựng, xem trước bài dạy… vào thời gian đợi đò qua lại nhà và trường. Mỗi ngày, qua lại 4 lượt đò, thầy có 1 giờ không hề lãng phí.

“Suốt 2 năm liền, trường tôi có học sinh rớt tốt nghiệp. Lúc đó, thầy Đông mới về nhận nhiệm vụ hiệu phó chuyên môn. Kết quả này, khiến thầy Đông đau đáu. Một tuần sau, kế hoạch được ban hành. Kế hoạch là hành chính, là chỉ thị nhưng cuộc họp là tình cảm và tâm tình. Đây là điểm khác của thầy Đông so với các giáo viên khác tôi từng cộng tác” - một đoạn trong bài viết của thầy An. Cuộc họp đầu tiên, thầy Đông động viên 25 học sinh có nguy cơ rớt tốt nghiệp (tương ứng khoảng 10% học sinh toàn khối 12). Cuộc họp thứ 2, thầy Đông đề xuất giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn hy sinh 2 giờ quý giá (từ 18 - 20 giờ) để hỗ trợ học sinh học tập miễn phí. Cuộc họp thứ 3, thầy Đông đề xuất Đoàn trường và Chi đoàn giáo viên hỗ trợ bữa ăn trước giờ phụ đạo. Năm đó, 100% học sinh trường đậu tốt nghiệp; duy trì thành tích ấy đến nay.

Thầy Nguyễn Bình An nhận giải nhất cho tác phẩm “Trầm tích phù sa”

“Nhà thầy Đông trên cồn chu vi khoảng 8 cây số (cồn Vĩnh Trường đoạn chảy qua huyện An Phú - TX. Tân Châu). Trầm tích của đất là những hạt lúa mẩy vàng và vị ngọt hương thơm trong từng thớ quả. Trầm tích của người là ý chí vượt khó và lòng nhân hậu. Hiệu quả đào tạo của trường tôi ngày một tốt hơn. Nhiều em đậu vào trường đại học danh tiếng. Trong kết quả đó, có những giọt mồ hôi thầm lặng của người hiệu phó chuyên môn, bên cạnh sự vươn mình mạnh mẽ của học sinh và sự chăm lo của phụ huynh, giáo viên bộ môn. Con người sinh ra và lớn lên trên cồn nổi giữa dòng sông Hậu phải chăng cũng mang cốt cách của phù sa? Lặng thầm, chắt chiu, bồi tụ. Đó là mạch ý tưởng tôi chọn gửi gắm vào tác phẩm của mình, mong muốn bày tỏ được sự hy sinh, cống hiến của thầy Đông nói riêng, nhiều thế hệ giáo viên ở quê mình nói chung” - thầy An chia sẻ.

“Sau khi thực hiện bài viết, thầy An có gửi cho tôi xem, góp ý. Tôi cảm nhận được văn phong mộc mạc, chân phương trong tác phẩm, nội dung đúng thực tế. Tôi chỉ nghĩ đến việc làm tròn trọng trách được giao, chưa từng nghĩ mình làm được điều đặc biệt. Nhiều thầy cô khác cũng tâm huyết giống như tôi. Có lẽ, tôi may mắn hơn họ ở chỗ, có 1 đồng nghiệp thân tình, gần gũi, chắt lọc những trăn trở của tôi vào bài” - thầy Lê Giang Đông bày tỏ.

Cả tác giả lẫn nhân vật trong tác phẩm đều không thể ngờ rằng, “Trầm tích phù sa” vượt qua hơn 85.000 bài dự thi trong toàn quốc, xuất sắc đoạt giải nhất Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024, do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức (trao giải nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024). “Có ưu thế nghiên cứu, giảng dạy môn Ngữ Văn, tôi thường đoạt một số giải thưởng trong các cuộc thi viết cấp tỉnh. May mắn thật sự khi lần đầu tiên tôi dự thi cấp toàn quốc, lại vinh dự nhận một trong 2 giải nhất dành cho cá nhân. Đây là hạnh phúc lớn lao của thầy giáo vùng quê như tôi” - thầy An cho biết.

Sau thành tích ấy, thầy An được nhiều lãnh đạo tỉnh, ngành chuyên môn, địa phương chúc mừng, biểu dương. Thầy Đông cũng nhận được rất nhiều sự chia sẻ, quan tâm. Chia sẻ với tôi, cả hai cho rằng mình đang gánh áp lực vô hình từ sự quan tâm đặc biệt này, trong khi đã quen với nhịp sống, nhịp công tác bình dị ở cù lao. Thầy Đông nhấn mạnh: “Vì vậy, chúng tôi tự nhủ sẽ tiếp tục làm thật tốt nhiệm vụ được giao. Trước hết là tập trung cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, khi mọi thứ rất mới mẻ, lần đầu tiên áp dụng (lứa học sinh đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 dự thi tốt nghiệp; đội ngũ thầy cô lần đầu tiên tổ chức ôn thi tốt nghiệp theo chương trình mới…), giữ vững thành tích đã tạo trong mấy năm qua. Về lâu dài, chúng tôi cố gắng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục của đơn vị, hướng đến những mục tiêu xa hơn”.

“Không ai nhìn thấy phù sa/ Nhưng vươn từ trầm tích/ Vườn cây trĩu quả/ Đồng lúa vàng bông” - tôi mượn lời thơ kết bài “Trầm tích phù sa” của thầy An để kết lại bài viết này. Hy vọng, công lao của người thầy sẽ mãi được xã hội ghi nhận, được nhìn thấy ẩn sâu trong quả ngọt mùa vàng.

Trong 24 năm công tác ở ngành giáo dục, thầy Lê Giang Đông đã có thâm niên 16 năm làm công tác quản lý, nhiều lần nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, nhiều khen thưởng nổi bật. Thầy Nguyễn Bình An công tác trong ngành 17 năm, từng đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi”, “Giáo viên chủ nhiệm giỏi” cấp tỉnh, Chiến sĩ thi đua cơ sở và nhận nhiều bằng khen, giấy khen các cấp.

 

GIA KHÁNH