“Trẻ em như búp trên cành”

31/05/2024 - 06:05

 - Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, được coi là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu để bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và bền vững của đất nước. Các cấp, ngành và toàn xã hội tập trung chăm lo cả về y tế, văn hóa, giáo dục, thể chất, tinh thần… để trẻ phát triển toàn diện.

Gieo mầm tương lai

Dù không gian lớp chỉ khoảng 22m2, nhưng hơn 10 năm qua, lớp học tình thương (khóm Nguyễn Du, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) là nơi mang đến tiếng cười, gieo mầm tri thức và hy vọng cho trẻ em nghèo ở xóm lao động này. Hôm chúng tôi ghé lớp, cũng những gương mặt thân quen, nhưng một vài bạn vắng vì phải theo ba mẹ mưu sinh.

Cô Phan Thu Thủy (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên, gắn bó lớp học tình thương hơn 10 năm) miệt mài uốn nắn cho các em từng con chữ, tập cho các em các phép toán (cộng, trừ, nhân, chia) và dạy các em hát, kể các em nghe những mẩu chuyện cổ tích, ngụ ngôn… Chính tình yêu là động lực để cô Thủy bền tâm dìu dắt các em.

"Ở lớp học tình thương này, mỗi em có một hoàn cảnh đặc biệt. Có em bị cha mẹ bỏ, phải ở với ông bà nội/ngoại. Có em thì cha mẹ "đường ai nấy đi", chỉ sống với cha hoặc mẹ. Cũng có em phải nương nhờ họ hàng. Song, điểm giống nhau ở các em là sự khó khăn, nghèo khổ. Cái khó đeo lấy các em từ khi mới lọt lòng. Không có giấy khai sinh và nhiều lý do nên các em ở lớp học tình thương chẳng thể đến trường. Niềm vui, an ủi các em là được "ê, a" học lấy con chữ.

Để phụ giúp gia đình, nhiều em ở lớp học còn lãnh vé số bán về đêm. Hôm nào bán đắt, hết sớm, các em lên lớp rất phấn khởi. Thương lắm những hoàn cảnh ấy. Tôi chỉ biết cố gắng hết sức để gieo mầm con chữ, giúp các em biết đọc, biết viết với hy vọng tương lai tươi sáng sẽ đón chào các em" - cô Thủy bộc bạch. 

N. T. Đạt (12 tuổi, lớp học tình thương khóm Nguyễn Du) bộc bạch: "Hai anh em con sống cùng ông bà nội. Sau khi đi học ở lớp học tình thương về, anh em con tranh thủ phụ giúp ông bà việc nhà. Tối đến, chúng con đi bán vé số, kiếm cái ăn hàng ngày. Được học ở lớp học tình thương này, chúng con rất vui, vì được cô giáo tận tình dạy dỗ. Chúng con còn được cho nhiều quà, bánh, tập viết từ các nhà hảo tâm. Con hứa sẽ chăm chỉ học tập và nghe lời ông bà, cô giáo".

Chăm lo, hỗ trợ

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, An Giang hiện có 438.708 trẻ em, trong đó số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em (năm 2016) là 4.113 trẻ (491 trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ bị bỏ rơi; 3.082 trẻ em khuyết tật; 111 trẻ em nhiễm HIV/AIDS, 53 trẻ em bị xâm hại tình dục...); tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đạt 85%. Số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 33.882 trẻ, tỷ lệ trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đạt 67%.

Tuyên truyền phòng, chống xâm hại và tội phạm cho học sinh trường THCS

 

An Giang tiếp tục duy trì 112/156 xã, phường, thị trấn đã được công nhận đạt chuẩn phù hợp với trẻ em năm 2022 (đạt 71,8%); củng cố các xã, phường, thị trấn không đạt chuẩn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, đoàn thể xã hội và người dân nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của người dân hưởng ứng xây dựng xã, phường phù hợp trẻ em.

Duy trì mô hình cộng đồng an toàn tại 4 xã thuộc các huyện dự án “Bạn hữu trẻ em” (Phú Thọ, huyện Phú Tân; Văn Giáo, TX. Tịnh Biên; Khánh An, huyện An Phú; Lê Trì, huyện Tri Tôn). Tiếp tục duy trì 156/156 xã, phường, thị trấn được lồng ghép triển khai thí điểm mô hình “Ngôi nhà an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em”. Phối hợp Tỉnh Đoàn tổ chức triển khai mô hình phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em tại 2 huyện Châu Thành và Thoại Sơn.

Tiếp tục duy trì hoạt động của Văn phòng Công tác xã hội TX. Tịnh Biên và huyện Phú Tân. Toàn tỉnh có 74/156 xã, phường, thị trấn được triển khai mô hình “Hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng”; củng cố 156 cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã, 1.714 cộng tác viên khóm, ấp. Tiếp tục duy trì các mô hình trợ giúp trẻ em tại cộng đồng ở các huyện Phú Tân, Châu Thành, Chợ Mới và TP. Châu Đốc.

Tăng cường bảo vệ

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh phát hiện 62 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có đến 53 trẻ bị xâm hại tình dục. Quý I/2024, trong tỉnh phát hiện xảy ra 9 vụ xâm hại trẻ em, trong đó 8 trường hợp bị xâm hại tình dục, so cùng kỳ giảm 5 trường hợp.

Thượng tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh An Giang) cho biết, các đối tượng nhắm vào các nạn nhân là trẻ em sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, kết cấu gia đình không trọn vẹn (cha mẹ ly thân, ly hôn, cha mẹ đi làm thuê xa, cha mẹ tham gia tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật…), gia đình có cha mẹ quá bận rộn không dành nhiều thời gian để chăm sóc con.

Bên cạnh đó, đối tượng còn tiếp cận trẻ từ các nền tảng mạng xã hội, lợi dụng sự non trẻ của nạn nhân và đưa trẻ đi ăn uống… để tiếp cận lợi dụng. Các vụ xâm hại trẻ em thường xảy ra ở những nơi vắng vẻ. Trong một số vụ án, việc xác định tuổi của bị hại gặp nhiều khó khăn, đáng nói là gia đình bị hại không hợp tác với cơ quan điều tra, biết nhưng lưỡng lự trong cách giải quyết, có sự thỏa thuận với gia đình đối tượng… Đáng nói, trong những trường hợp ghi nhận trẻ em bị xâm hại, đối tượng thường là người thân (cha ruột, cha dượng, anh rể) và hàng xóm.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang thăm, tặng quà học sinh Trường Trẻ em khuyết tật An Giang

Thời gian qua, công tác phối hợp của các cấp, ngành ngày càng chặt chẽ, ý thức trách nhiệm được nâng cao, nhất là trong việc xây dựng kế hoạch, đề ra biện pháp, triển khai các mô hình, cách làm hay, sáng kiến mới, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác tuyền truyền và phòng, chống các loại tội phạm liên quan đến bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, mua bán người và người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Các ngành phối hợp xác định giải pháp then chốt vẫn là tuyên truyền về chuẩn mực đạo đức lối sống, thông tin về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em một cách sâu rộng. Công tác tuyên truyền cần tiếp tục nghiên cứu để đa dạng và đổi mới nội dung, hình thức nhằm đem lại hiệu quả trong cộng đồng, địa bàn có nguy cơ cao về trẻ em bị xâm hại tình dục.

Chú trọng quan tâm đến các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, sống xa cha mẹ, có nguy cơ bị xâm hại, để kịp thời có kế hoạch, giải pháp, biện pháp giúp đỡ, quản lý, giáo dục phù hợp. Hướng dẫn đến từng hộ gia đình, từng trường học, lớp học về kiến thức, kỹ năng quản lý, giám sát và trông giữ trẻ em, phòng tránh nguy cơ bị xâm hại.

Cùng với đó, tăng cường quản lý các đối tượng có tiền án, tiền sự về xâm hại tình dục, như: Hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, tàng trữ, tuyên truyền phát tán ấn phẩm có nội dung đồi trụy… hoặc các đối tượng tuy chưa có tiền án, tiền sự về xâm hại tình dục nhưng có các biểu hiện, như: Thường xuyên uống rượu/bia, say sỉn bê tha, có lối sống lệch chuẩn, biến thái, có hành vi sàm sỡ với phụ nữ và trẻ em; đối tượng có dấu hiệu bệnh lý, bệnh hoạn... nhằm phòng ngừa, ngăn chặn biểu hiện nghi vấn về hành vi xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em.

Công an tỉnh tăng cường phối hợp các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường tổ chức lồng ghép tuyên truyền vận động trên 950 cuộc, có 6.927 lượt cán bộ, giáo viên, học sinh và Nhân dân về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ trẻ em, kịp thời tố giác, cộng tác với cơ quan chức năng trong phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Nhân rộng mô hình hiệu quả

Cùng với các giải pháp đồng bộ của cơ quan liên ngành phối hợp, nhiều đơn vị đã xây dựng được những mô hình tiêu biểu để tăng cường bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ có nguy cơ lao động sớm, nguy cơ bị xâm hại, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Tỉnh tiếp tục triển khai mô hình hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại 98 xã, phường, thị trấn, với tổng số 8.205 trẻ, trong đó trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 2.101 trẻ... 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc diện bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng tại cộng đồng.

Trẻ em sống trong gia đình hộ nghèo, cận nghèo và trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em khuyết tật nặng không tự phục vụ được, trẻ em nhiễm chất độc hóa học, trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo được bảo trợ xã hội thường xuyên tại cộng đồng, kinh phí địa phương đảm bảo mua bảo hiểm y tế cho 100% các trường hợp... 

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được quan tâm

Điển hình như mô hình chăm sóc thay thế trẻ, được thực hiện tại TP. Châu Đốc, nhân rộng từ phường Châu Phú B ra toàn địa bàn, chăm sóc cho 20 hoàn cảnh trẻ em đặc biệt. Sau 5 năm, trên địa bàn tỉnh đã có 45 xã, phường, thị trấn triển khai mô hình chăm sóc thay thế. Có 192 trẻ em được nhận chăm sóc thay thế, kinh phí hỗ trợ gần 600 triệu đồng. Các em được quan tâm, chăm sóc về vật chất và tinh thần, được hỗ trợ làm các thủ tục nhận trợ cấp xã hội, hỗ trợ đi học… Mô hình còn có sự đồng hành từ 143 cá nhân, tổ chức giúp đỡ thường xuyên. 

“Mô hình quản lý trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” trên địa bàn huyện Chợ Mới đang được đánh giá là giải pháp chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hiệu quả và cần nhân rộng.

Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Chợ Mới Lê Thị Huyền Trân cho biết, mô hình này được triển khai từ năm 2022 - 2023, tiếp tục duy trì và nhân rộng ở 10/16 xã, thị trấn, gồm: Long Kiến, Long Giang, Long Điền B, Kiến An, Mỹ Hiệp, Long Điền A, Mỹ Hội Đông, thị trấn Chợ Mới, thị trấn Mỹ Luông và thị trấn Hội An. Kết quả đã lập 365 hồ sơ, kết nối hỗ trợ hơn 150 triệu đồng giúp trẻ điều trị bệnh, hỗ trợ trang trải những khó khăn trong cuộc sống, hỗ trợ chi phí học tập... Trong quá trình kết nối hỗ trợ, cán bộ trẻ em còn tham vấn, tư vấn giúp trẻ vượt qua những mặc cảm trong cuộc sống để hòa nhập với cộng đồng và thoát khỏi nguy cơ bị xâm hại.

Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, gia đình, xã hội, mọi công dân, nhằm bảo đảm cho mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và trong điều kiện tốt nhất có thể. Điều 11, Luật Trẻ em (2016) quy định: “Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hàng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em”. 

HỮU HUYNH - MỸ HẠNH - PHƯƠNG LAN