Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao kéo dài làm đảo lộn cuộc sống và ảnh hưởng tới sức khỏe. Chính vì thế, việc bảo vệ cơ thể cẩn thận để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe là điều vô cùng quan trọng. Và đây là những điều cần tránh ngay khi nhiệt độ chạm ngưỡng 35 - 40 độ.
1. Không mặc đồ bảo hộ khi ra đường
Hãy đeo khẩu trang và che chắn bằng quần áo (như váy chống nắng, áo khoác dài tay, găng tay, vớ chân...) có độ dày thích hợp khi ra đường nhất là trong khoản thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
Đặc biệt, hãy chọn những chất liệu vải thông thoáng, dễ thấm hút mồ hôi để có thể bảo đảm vừa bảo vệ được da từ tia cực tím, vừa không ngăn cản việc hấp thụ được vitamin D từ trong ánh mặt trời.
2. Ra ngoài mà không sử dụng kem chống nắng
Kem chống nắng là một phần không thể thiếu trong những ngày nắng nóng, nó giúp ngăn chặn tác hại trực tiếp của tia UV lên da, giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh ung thư da. Ngoài việc mặc các đồ bảo hộ như áo, kính râm, khẩu trang…, bạn hãy lưu ý sử dụng thêm kem chống nắng.
Chúng ta nên lựa chọn cho bản thân một loại kem chống nắng phù hợp. Đừng sử dụng quá tiết kiệm hay lạm dụng quá nhiều kem chống nắng. Bôi vừa phải sẽ giúp da tránh bắt nắng vừa giúp da không bị bít lỗ chân lông khi bôi quá nhiều. Để đạt hiệu quả tối đa, sử dụng kem chống nắng trước khi đi ra ngoài 20 phút.
3. Hoạt động liên tục giữa 2 môi trường quá chênh lệch nhiệt độ
Theo các bác sĩ Healthday, trong những ngày nắng nóng, từ trong phòng điều hòa ra (hoặc ngược lại là từ ngoài nóng bước vào phòng điều hòa) cần có một khoảng thời gian giúp cơ thể thích nghi, không nên vội bước từ nhà ra ngoài ngay lập tức.
Bởi khi đó, cơ thể không kịp thích ứng với sự chênh lệch quá lớn giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời, dẫn đến các hiện tượng chảy máu cam, đau đầu, ngất xỉu, say nắng…
4. Chọn quần áo không đúng cách
Bạn không nên mặc những trang phục dày hoặc tối màu vì chúng không có khả năng thông gió tốt. Thay vào đó, bạn nên mặc quần áo nhẹ, đặc biệt là bằng chất liệu cotton. Chúng giữ da bạn khô và phần nào tránh mất nước.
Đồng thời, khi ra ngoài, nên đội mũ rộng vành để che nắng được nhiều và giữ cho đầu luôn mát. Khi nắng lên đỉnh điểm, không nên ở ngoài trời quá lâu và cần có mũ nón, kính, áo chống nắng dày dặn để che nắng.
5. Ra ngoài vào lúc nắng cao điểm
Thời gian nắng nóng trong ngày thường từ 10 - 17h, nắng nóng cao điểm nhất vào khoảng 13 - 16h. Vì vậy chúng ta nên hạn chế việc ra đường trong khoảng thời gian này.
Để thuận tiện hơn, bạn nên sắp xếp các công việc làm ngoài trời vào buổi sáng và chiều tối, tự điều chỉnh nhịp độ hoạt động khi làm việc, tập luyện, vui chơi ngoài trời nắng. Tránh trường hợp phải làm việc, đi đường dưới trời nắng quá lâu sẽ khiến cơ thể kiệt sức và mắc các bệnh về đường hô hấp.
6. Không bổ sung nước và các chất điện giải
Bù nước cho cơ thể bằng cách uống càng nhiều nước càng tốt, uống ít nhất 2 lít nước lọc mỗi ngày. Bù nước khi chưa thiếu, uống nước khi chưa khát mới có tác dụng khống chế tác hại của nắng nóng rõ nét. Ngoài ra, uống một cốc nước chanh với 1 - 2 nhúm muối, 1 thìa đường và một ít baking soda trước khi bước ra ngoài giữa trời hè nóng bức có thể giúp ngăn ngừa say nắng.
Theo Vietnamnet