An Giang bứt phá tăng trưởng kinh tế

18/12/2023 - 05:24

 - Năm 2023, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của An Giang khá cao (ước tăng 7,34%, đạt so kịch bản từ 7 - 7,5%), nhưng chưa thể bù đắp được khoảng thời gian tăng trưởng chậm và tác động kéo dài của đại dịch COVID-19. Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7,5 - 8,5% năm 2024, đòi hỏi quyết tâm cao và giải pháp quyết liệt hơn.

Nhiều cơ hội mới

Năm 2023, An Giang cùng các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đẩy mạnh liên kết nội vùng và tăng cường hợp tác với TP. Hồ Chí Minh – “đầu tàu” kinh tế của cả nước. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho rằng, việc thúc đẩy và mở rộng liên kết, hợp tác trên mọi mặt, mọi lĩnh vực, đặc biệt là các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, dịch vụ, thu hút đầu tư... mở ra nhiều cơ hội mới cho tỉnh trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng nông sản lên TP. Hồ Chí Minh, đồng thời gắn kết các doanh nghiệp (DN) lớn về đầu tư, xây dựng kho lạnh, nhà máy chế biến, phát triển vùng nguyên liệu tại An Giang.

Năm 2024, dự báo giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được duy trì ở mức cao, phát huy lợi thế của An Giang là vùng sản xuất lúa trọng điểm với điều kiện thuận lợi, đặc biệt khi Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 đã được phát động và triển khai vào thực tế. Với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết, hàng nông sản của An Giang có điều kiện được hưởng ưu đãi xuất khẩu sang các thị trường cao cấp.

Trong khi đó, việc thị trường Trung Quốc mở cửa hoàn toàn tạo ra nhiều cơ hội mới. Theo các nhà phân tích, sau chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, chắc chắn đất nước tỷ dân sẽ mở rộng cửa nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam, trong đó các mặt hàng lúa, nếp, cá tra, trái cây, rau, quả đông lạnh… của An Giang sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ngoài ra, thị trường Hàn Quốc đang mở rộng nhập khẩu sản phẩm xoài của Việt Nam, tạo thêm cơ hội cho diện tích xoài rất lớn của An Giang (diện tích 12.500ha, sản lượng gần 226.000 tấn/năm).

Một thuận lợi khác của An Giang là cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng cải thiện. Các tuyến đường liên kết liên vùng, liên huyện, đặc biệt tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang được đầu tư xây dựng sẽ tạo điều kiện mạnh mẽ cho phát triển thương mại, dịch vụ, giao thương giữa An Giang với các tỉnh, thành phố trong và ngoài vùng ĐBSCL.

Giải pháp đồng bộ

Dù kinh tế có phục hồi nhưng DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do thị trường thu hẹp, lãi vay cao, việc tiếp cận nguồn vốn còn vướng mắc... Trong khi đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục sụt giảm trên cả nước do bối cảnh không ổn định toàn cầu và việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, để tận dụng cơ hội, khắc phục khó khăn, tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng đến chuyển biến về chất, tạo ra giá trị thực. Đồng thời, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ, thúc đẩy liên kết vùng; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho DN và nhà đầu tư…

Bên cạnh phát huy vai trò bệ đỡ nông nghiệp, tỉnh quan tâm phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, mời gọi đầu tư các cụm công nghiệp để thu hút đầu tư ngành chế biến, chế tạo.

Cùng với hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn, tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư phù hợp với Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), gồm 6 lĩnh vực chính: Hạ tầng giao thông; cơ sở hạ tầng khu đô thị, khu nhà ở; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp, hạ tầng khu, cụm công nghiệp; thương mại, dịch vụ, du lịch; văn hóa, xã hội và môi trường. Đồng thời, triển khai các nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững năm 2024.

UBND tỉnh giao các sở, ngành chuyên môn tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai nội dung hợp tác giữa tỉnh An Giang và TP. Hồ Chí Minh về tiêu thụ hàng hóa nông, thủy sản của tỉnh tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, đồng thời xúc tiến thành lập các hệ thống siêu thị trên địa bàn An Giang. Tỉnh kết nối TP. Hồ Chí Minh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch và con người An Giang, xây dựng các tour, tuyến khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế.

An Giang khuyến khích, hỗ trợ DN xây dựng sản phẩm xuất khẩu đạt thương hiệu quốc gia, mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi. Đồng thời, phát triển xuất khẩu theo chiều sâu tới những thị trường truyền thống, như: Liên minh Châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Trung Quốc, các nước Đông Á, ASEAN. Bên cạnh đó, tập trung phát triển hệ thống logistics tỉnh An Giang; thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics chuyên ngành vận tải. Ngành chuyên môn tỉnh thực hiện khảo sát, kiểm tra tình hình thực hiện các quy định về thương mại biên giới tại các cặp cửa khẩu giáp Vương quốc Campuchia để đề xuất xây dựng hạ tầng, hạ tầng kỹ thuật, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới phát triển...

Các chỉ tiêu quan trọng phấn đấu thực hiện năm 2024 là: GRDP tăng từ 7,5 - 8,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 70,27 - 70,88 triệu đồng/năm; tổng vốn đầu tư xã hội 47.867 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 1,185 tỷ USD; thu ngân sách đạt 7.197 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 43%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia gần 54%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71,3%; tỷ lệ cơ quan nhà nước các cấp hoàn thiện chính quyền điện tử đạt 75%...

NGÔ CHUẨN