An Giang chăm lo an sinh xã hội cho dân

08/02/2022 - 06:09

 - Hiện nay, bên cạnh việc mở cửa, phục hồi nền kinh tế, công tác an sinh xã hội là yêu cầu rất cấp thiết, cần được triển khai đầy đủ, kịp thời, đảm bảo người dân ổn định cuộc sống, an toàn hậu dịch bệnh COVID-19.

Thời gian qua, công tác chăm lo an sinh xã hội được triển khai bằng nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, với sự chung tay của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Việc cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm, an sinh xã hội cho người dân khu vực cách ly y tế, giãn cách xã hội; chăm lo đời sống người dân tại địa phương có dịch, quan tâm người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc do dịch bệnh COVID-19… được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, tỉnh ban hành kế hoạch đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong điều kiện phòng, chống dịch, tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho hoạt động kinh tế. Tỉnh huy động các nguồn lực xã hội phòng, chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội, với tinh thần hỗ trợ tối đa cho người dân.

Để thực hiện mục tiêu, UBND tỉnh An Giang giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chi trả trợ cấp đúng, đủ, kịp thời, tận tay người có công và thân nhân; hỗ trợ y tế, giáo dục, tín dụng ưu đãi... Hỗ trợ mọi người lao động trong độ tuổi, có khả năng lao động và sẵn sàng làm việc đều có cơ hội tìm được việc làm ổn định. Hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là những trẻ em bị mồ côi cha, mẹ. Giúp đỡ kịp thời đối với lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số từ vùng dịch trở về địa phương, hộ nghèo, cận nghèo.

Tiếp tục huy động các nguồn lực chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

UBND tỉnh An Giang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các thành phần kinh tế. Có cơ chế, chính sách thu hút tập đoàn, công ty lớn thành lập; khuyến khích, hỗ trợ phát triển một số doanh nghiệp quy mô lớn có nhu cầu sử dụng nhiều lao động. Đồng thời, giúp người dân tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống.

Ban Tôn giáo tỉnh An Giang tiếp tục vận động tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng tham gia vào hoạt động cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân. Tỉnh kêu gọi chức sắc, chức việc và tín đồ các tổ chức tôn giáo tham gia vào hoạt động y tế thiện nguyện... Bảo hiểm xã hội tỉnh tăng nhanh số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là đối tượng tự đóng. Khuyến khích tặng sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện, thẻ bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, để ngày càng có nhiều người dân được đảm bảo an sinh xã hội.

Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang tiếp tục chăm lo đời sống người lao động, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn. UBMTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh huy động nguồn lực, đảm bảo đời sống người dân, “không ai bị bỏ lại phía sau”. Tiếp tục vận động quà Đại đoàn kết, nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Vận động lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm; duy trì “Gian hàng 0 đồng” và “Chuyến xe 0 đồng”, “Chuyến xe yêu thương”… chia sẻ khó khăn với người dân.

 “Bơm vốn” cho người nghèo kịp thời là giải pháp hữu hiệu giúp họ thoát nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đẩy mạnh triển khai chương trình, chính sách tín dụng xã hội giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có vốn sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho người lao động.

Năm 2021, tỉnh An Giang phê duyệt hỗ trợ chính sách  cho 288.083 đối tượng khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Trong đó, 209.598 lao động tự do, 1.633 doanh nghiệp, 6.654 hộ kinh doanh với số tiền trên 401 tỷ đồng. Đã chi trả chế độ ưu đãi trên 100.000 lượt người có công và thân nhân người có công với kinh phí trên 130 tỷ đồng; trợ cấp quà Tết và kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ cho hơn 69.000 người có công và thân nhân, với số tiền trên 40 tỷ đồng. Thăm, tặng quà hơn 45.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ trên 10.000 trẻ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và trẻ theo cha mẹ di cư tự phát về An Giang. Công an tỉnh vận động hơn 30 tỷ đồng thực hiện an sinh xã hội và phòng, chống dịch. UBMTTQVN tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận 80,7 tỷ đồng đóng góp Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU