An Giang chủ động sản xuất vụ đông xuân

01/09/2023 - 06:42

 - Trong bối cảnh nhu cầu lương thực thế giới tăng, giá lúa ở mức cao, tỉnh An Giang tập trung bảo vệ tốt sản xuất vụ thu đông 2023, đồng thời chủ động chuẩn bị điều kiện xuống giống vụ đông xuân 2023 - 2024, vụ sản xuất chính trong năm - với năng suất cao, chất lượng tốt.

Tuân thủ lịch xuống giống

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Trương Kiến Thọ cho biết, vụ đông xuân 2023 - 2024, An Giang có kế hoạch xuống giống 248.945ha (lúa 228.527ha, màu 16.775ha, vụ mùa 3.643ha); ước năng suất lúa bình quân đạt 7,4 tấn/ha, sản lượng khoảng 1,7 triệu tấn; vụ mùa ước năng suất 4,16 tấn/ha, sản lượng 15.156 tấn.

Trong điều kiện El Nino kéo dài đến đầu năm 2024, nhiệt độ trung bình mùa khô 2023 - 2024 tăng cao. Nhằm đảm bảo sản xuất hiệu quả, tỉnh khuyến cáo khung lịch thời vụ xuống giống vụ đông xuân bắt đầu từ ngày 1/11 đến 31/12/2023 (từ ngày 18/9 đến 19/11/2023 âm lịch). Trong đó, lịch xuống giống né khô hạn và chia sẻ nguồn nước được chia làm 3 đợt.

Đợt 1 xuống giống từ ngày 1/11 - 15/11, diện tích khoảng 80.000ha, tập trung ở vùng sản xuất 2 vụ tại TX. Tịnh Biên, huyện Tri Tôn, Châu Phú, An Phú, Phú Tân, các tiểu vùng ngưng sản xuất vụ thu đông tại huyện Phú Tân, nhằm phân bố nguồn nước giữa các vùng trong tỉnh, chia sẻ nguồn nước với các tỉnh dưới hạ nguồn và né hạn, mặn cuối vụ. Đợt 2 từ 16/11 - 15/12, xuống giống đại trà đối với vùng sản xuất lúa 3 vụ/năm, diện tích khoảng 120.000ha. Đợt 3 từ ngày 16/12 - 31/12/2023, xuống giống diện tích còn lại tại các tiểu vùng nằm trong kế hoạch xả lũ vụ thu đông 2024 và một số tiểu vùng xuống giống đông xuân 2023 - 2024 muộn, rải rác tại TX. Tịnh Biên, TX. Tân Châu, huyện Tri Tôn, Chợ Mới, Châu Phú, An Phú.

Trên cơ sở theo dõi diễn biến rầy nâu vào đèn trong và ngoài tỉnh, tình hình thu hoạch lúa thu đông 2023, lịch xuống giống đồng loạt, tập trung và né rầy chia làm 2 đợt, gồm: Đợt 1 từ ngày 15/11 - 26/11, diện tích khoảng 60.000ha; đợt 2 từ 11/12 - 25/12/2023, diện tích khoảng 80.000ha. Tổng diện tích né rầy chiếm gần 61% kế hoạch xuống giống vụ đông xuân. Với diện tích xuống giống ngoài khung lịch né rầy, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang xây dựng kế hoạch riêng để phối hợp địa phương, cơ quan có liên quan bảo vệ tốt diện tích này.

"Tùy theo tình hình rầy nâu vào bẫy đèn ở từng địa phương mà có lịch xuống giống cụ thể, nhưng phải tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt, tập trung, né rầy và theo khung lịch thời vụ chung của tỉnh; trên cùng một tiểu vùng, không để nhiều trà lúa đan xen nhau” - ông Trương Kiến Thọ lưu ý.

Chú trọng lúa chất lượng cao

Theo số liệu theo dõi của Sở NN&PTNT, thời gian qua, giống lúa OM9582, Đài Thơm 8, OM5451, OM7347, OM6976, OM18, Jasmine 85, OM9577, OM4900… được doanh nghiệp thu mua giá cao, có chiều hướng tăng. Đây là những giống lúa phù hợp trồng trong thời tiết vụ đông xuân 2023 - 2024.

Do đó, các huyện, thị xã, thành phố có biện pháp chỉ đạo, khuyến cáo nông dân sản xuất trong vụ đông xuân tới. Ngoài ra, còn có nhóm giống triển vọng để thay thế các giống lúa không còn phù hợp trong sản xuất tại địa phương, được đề xuất, gồm: Lộc Trời 7, Lộc Trời 18, Lộc Trời 28, OM448... Riêng đối với nhóm giống lúa Japonica (ĐS1, Hana, Kinu...) và nếp, chỉ sản xuất khi có hợp đồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp.

Ông Trương Kiến Thọ cho biết, vụ lúa đông xuân xuống giống trong điều kiện mưa, bão, dự báo xuất hiện một số sâu, bệnh hại, như: Rầy nâu, muỗi hành, bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá, bệnh lem lép hạt… Do đó, các địa phương, đơn vị chuyên môn cần triển khai Quyết định 73/QĐ-TT-VPPN, ngày 25/4/2022 của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) về ban hành Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL. Đồng thời, rà soát, đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng lúa (code) đối với vùng đã có hợp tác xã, tổ hợp tác nhưng chưa cấp mã số.

Các địa phương xây dựng kế hoạch xuống giống lúa, nếp vụ đông xuân phù hợp khung lịch thời vụ chung của tỉnh; khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình nguồn nước, mùa vụ sản xuất và thị trường. Về biện pháp canh tác, khuyến cáo nông dân quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); “3 giảm, 3 tăng”; “1 phải, 5 giảm” (lượng giống gieo sạ từ 80 - 100kg/ha), áp dụng tốt giải pháp tưới nước tiết kiệm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái - trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ...

Ngành chuyên môn hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; khuyến cáo tăng cường biện pháp giúp cây lúa khỏe, tăng tính chống chịu tự nhiên, như: Bổ sung vi lượng, phân bón có chứa can-xi, silic…

Ngành nông nghiệp và các địa phương đang xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch sau khi Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt.

NGÔ CHUẨN